Vì sao nhiều phụ nữ mang thai Trung Quốc liều mình tuồn máu sang Hong Kong?

Thứ hai, 14/10/2019, 13:43 PM

Các sĩ quan hải quan đã lục soát người phụ nữ trung niên khả nghi đang từ đại lục sang Hong Kong. Kết quả, họ thấy những lọ máu trong áo ngực. Mỗi lọ có dán tên của một phụ nữ đang mang thai ở Trung Quốc. Theo CNN, tình huống này không hiếm.

vi-sao-nhieu-san-phu-trung-quoc-lieu-minh-tuon-mau-sang-hong-kong
Ảnh minh họa

Vị khách đã đi qua trạm kiểm tra của cảng Futian nơi ngăn cách thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc với Hong Kong vào một ngày thứ Sáu ngột ngạt tháng 7/2017.

4 ngày sau, các sĩ quan hải quan Trung Quốc lại chặn một người phụ nữ khác, mang theo một chiếc ba lô dường như rất nặng. Một lần nữa, chiếc ba lô chứa đầy lọ máu của phụ nữ mang thai từ Trung Quốc. Tổng cộng có 203 lọ được bọc trong túi nhựa. Vì trời nóng nên máu đã bắt đầu phân hủy.

Các quan chức Hong Kong nói rằng những người phụ nữ trên là những người trung chuyển. Họ thừa nhận đã được trả 100 đến 300 nhân dân tệ (14 đến 42 USD) để mang các lọ máu này qua Hong Kong.

vi-sao-nhieu-san-phu-trung-quoc-lieu-minh-tuon-mau-sang-hong-kong
Hai điểm kiểm tra từ Trung Quốc sang Hong Kong.

Gần đây hơn, vào tháng 2/2019, một bé gái 12 tuổi đã bị ngăn tại cảng Luohu, một điểm nhập cảnh khác vào Hong Kong, với 142 mẫu máu được giấu trong ba lô. "Các em học sinh về cơ bản không mang theo bất cứ thứ gì ngoài sách, văn phòng phẩm và đồ ăn nhẹ, vì vậy túi đi học của các em thường trông gọn gàng. Nhưng chúng tôi thấy túi của cô bé đầy đến mức có thể vỡ ra, vì vậy chúng tôi đã quét chiếc túi”, tờ People’s Daily dẫn lời một nhân viên của cảng Luohu nói.

vi-sao-nhieu-san-phu-trung-quoc-lieu-minh-tuon-mau-sang-hong-kong
Các túi chứa mẫu máu trong ba lô của một bé gái 12 tuổi đi từ Trung Quốc đại lục sang Hong Kong hồi tháng 2/2019.

Máu buôn lậu từ Trung Quốc đại lục, nơi cấm kiểm tra giới tính, đến Hong Kong đã tăng mạnh trong ba năm qua. Các mẫu máu của phụ nữ mang thai này sẽ được gửi đến các phòng khám Hong Kong để xét nghiệm DNA của thai nhi, cho phép cha mẹ tương lai tìm ra giới tính của con họ.

Mặc dù một phần chính sách một con đã bị gỡ bỏ, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc vẫn chọn chỉ sinh một con và hầu hết đều muốn đó là con trai.

Những lọ máu giấu trong thú nhồi bông

Sau nhiều năm, cách thức đem lậu máu sang Hong Kong đã tinh vi hơn để qua mắt các cơ quan hải quan.

Mong muốn biết giới tính thai nhi, nhiều cha mẹ Trung Quốc đã tìm đến các công ty trung gian đề nghị gửi mẫu máu qua biên giới vào Hong Kong làm xét nghiệm. Có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ này trên Weibo, một trang blog của Trung Quốc tương tự như Twitter.

vi-sao-nhieu-san-phu-trung-quoc-lieu-minh-tuon-mau-sang-hong-kong
Các mẫu máu có thể được nhét vào gấu bông để tuồn đi.

Đại diện của một công ty nói với CNN rằng "phụ nữ có thể bắt đầu xét nghiệm (giới tính thai nhi) khi họ mang thai 6-7 tuần". Những công ty này chỉ yêu cầu siêu âm chứng minh rằng thai đã đạt đến giai đoạn thích hợp và lấy mẫu máu.

"Người phụ nữ có thể đến bệnh viện hoặc yêu cầu một y tá đến nhà để lấy máu", người đại diện này nói.

Người phụ nữ mang thai được khuyến khích giấu lọ máu bên trong một con vật hoặc trong các hộp đồ ăn nhẹ đóng gói, để tránh bị phát hiện và gửi thẳng đến Hong Kong bằng dịch vụ bưu chính. "Chúng tôi không còn thuê những người vận chuyển nữa. Việc đó quá rủi ro, vì chính phủ đã tìm cách ngăn chặn các hoạt động của chúng tôi”, CNN khai thác được từ vị đại diện công ty trung gian.

Công ty đó có hơn 380.000 người theo dõi trên Weibo, tính phí 3500 nhân dân tệ (490 USD) cho các dịch vụ của mình và kết quả xét nghiệm thường có sau khoảng một tuần. Nó được thực hiện bởi một phòng thí nghiệm có trụ sở tại một vùng xa xôi của Hong Kong.

Luật dân số và kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã cấm xét nghiệm giới tính thai nhi vào năm 2002, để ngăn chặn sự mất cân bằng giới tính của đất nước.

Việc gửi mẫu máu qua biên giới vào Hong Kong để làm xét nghiệm giới tính là bất hợp pháp. Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia của Trung Quốc đã ban hành thông báo vào năm 2017 về việc cấm xuất khẩu máu người hay cấm đưa lậu máu người sang Hong Kong.

Tuy nhiên, Hong Kong cho phép nhập máu, miễn là họ không nghi ngờ có chứa chất truyền nhiễm, một phát ngôn viên của Sở Y tế Hong Kong trả lời CNN qua email. Từ năm 2015, sở này đã chuyển ba phòng thí nghiệm máu trước khi sinh để điều tra, nhưng tất cả đều bị bác bỏ do không đủ bằng chứng.

Nhắm mắt làm ngơ?

vi-sao-nhieu-san-phu-trung-quoc-lieu-minh-tuon-mau-sang-hong-kong
Ông Dennis Lo, giáo sư Bệnh học hóa học tại Đại học Hong Kong là người đã phát minh ra xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT).

Theo quy định, các phòng xét nghiệm tại Hong Kong chỉ được phép tiến hành xét nghiệm nếu các mẫu máu của bệnh nhân được giới thiệu bởi một bác sĩ có đăng ký.

Tuy nhiên, theo ông Kwok Ka-Ki, thành viên của Hội đồng thành phố Hong Kong, nhiều phòng thí nghiệm đã bỏ qua quy định này.

“Sở Y tế có thể phơi bày họ bằng cách giả vờ là một khách hàng, nhưng chính quyền dường như chưa mở một cuộc điều tra nào. Chính quyền dường như muốn nhắm mắt làm ngơ vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng thí nghiệm của Hong Kong, một ngành đem lại lợi nhuận lớn”, ông Kwok nói.

Phương pháp xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT) được phát minh tại Hong Kong để phát hiện giới tính, phát hiện dị tật bẩm sinh và các căn bệnh di truyền khi thai nhi còn rất nhỏ.

“Trước đây, sản phụ phải mang thai đến tháng thứ 4 hay 5 mới biết được giới tính của con. Nhưng NIPT cho phép họ biết điều đó khi thai mới khoảng 10 tuần”, Tom Shakespeare, một nhà xã hội học người Anh chuyên nghiên cứu về đạo đức của phương pháp NIPT, cho biết.

“Chấm dứt thai kỳ ở tuần thứ 10 đơn giản và dễ dàng hơn so với tuần thứ 18”, ông nói.

NIPT là thành quả nghiên cứu của giáo sư Dennis Lo, chuyên ngành hóa học lâm sàng tại Đại học Hong Kong. Ông từng học tại Đại học Oxford vào những năm 1980. 

Hàng triệu xét nghiệm

Các bài xét nghiệm NIPT của giáo sư Lo có kết quả chính xác lên đến 99%. Do đó chúng được công ty Sequenom ở bang California, Mỹ thương mại hóa ở Mỹ từ năm 2011. Nhiều công ty khác cũng cung cấp dịch vụ tương tự.

Nó đã biến đổi hoàn toàn xét nghiệm tiền sản, giúp an toàn hơn cho em bé và ít xâm lấn cho mẹ. "Khoảng 7 triệu phụ nữ dùng xét nghiệm này mỗi năm trên toàn thế giới", Lo nói. Thị trường NIPT dự kiến đạt 3,9 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 13,5%, theo một báo cáo của MarketsandMarkets.