Vì sao 'ông lớn' HUD bị khách hàng tố cáo trong dự án nghìn tỷ ở Bình Dương?

Thứ bảy, 30/05/2020, 07:01 AM

Tổng Cty Đẩu tư Phát triển nhà và đô thị HUD (gọi tắt là Tổng Công ty HUD), bị khách hàng gửi đơn tố chiếm dụng vốn sau 10 năm chưa giao đất.

Dự án HUD Chánh Mỹ sau 10 năm vẫn là khu đất trống.

Dự án HUD Chánh Mỹ sau 10 năm vẫn là khu đất trống.

Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương đã mời Tổng Cty Đẩu tư Phát triển nhà và đô thị HUD làm việc về những thông tin tố cáo của khách hàng liên quan đến Dự án khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ (viết tắt HUD Chánh Mỹ).

Đây là dự án do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD làm chủ đầu tư, dự án đã "đóng băng" 10 năm nay và bị khách hàng tố cáo bán đất trên giấy.

Báo Thanh Niên đưa tin: Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, dự án vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nên chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Gần đây, hàng chục người dân đã nộp đơn lên Công an tỉnh Bình Dương đề nghị điều tra làm rõ quá trình mua bán đất tại dự án này.

Trong đơn gửi đến cơ quan chức năng và báo chí, khách hàng phản ánh: Tháng 3/2010, họ đã ký hợp đồng mua đất với Tổng Công ty HUD trong dự án Khu Đô thị sinh thái Chánh Mỹ. Tuy nhiên, dự án sau đó bị “đóng băng”, khi HUD mới chỉ đầu tư một số hạng mục nhưng mang nợ hàng trăm tỷ đồng.

Trong suốt 10 năm sau khi ký hợp đồng và thanh toán tiền cho Tổng Công ty HUD, khách hàng không nhận được bất cứ một thông tin cập nhật chính thức nào về sự chậm trễ triển khai dự án. Khách hàng nhiều lần đến Công ty để hỏi thăm về dự án nhưng không được thông tin.

"Vào thời điểm này (tháng 3/2011), HUD phải bàn giao đất nền theo đúng như hợp đồng đã cam kết nhưng họ không thực hiện mà nhân viên vẫn tiếp tục gọi điện cho tôi yêu cầu nộp 20% còn lại dù dự án vẫn chưa triển khai. Thời điểm này, tôi cũng nhận được thông tin HUD thu hẹp dự án, nợ thuế và không triển khai xây dựng hạ tầng nên tôi đề nghị HUD cam kết bằng văn bản là triển khai xây dựng hạ tầng và bàn giao đất, nhưng công ty không đáp ứng và “lật kèo” cho đến nay”, một khách hàng trình bày.

Báo Tiền Phong đưa tin: Đầu năm 2007, HUD được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ với tổng diện tích 372,55ha, tọa lạc tại phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một.

Lúc đó, HUD đã triển khai thi công về hạ tầng kỹ thuật với sản lượng thực hiện 462 tỷ đồng/962 tỷ đồng giá trị dự toán phần xây lắp toàn dự án, đạt 48%. Đơn vị này cũng triển khai đầu tư một số dự án thành phần, bao gồm nhà ở cho người thu nhập thấp, khu biệt thự ven sông Sài Gòn, 33 ô công viên cây xanh.

Tổng chi phí đầu tư vào dự án đến nay hơn 2.000 tỷ đồng. Do trong quá trình thực hiện dự án gặp khó khăn, HUD đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương cho phép Doanh nghiệp này được phân lô bán nền, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và thực hiện đầu tư các dự án thành phần theo từng giai đoạn cho phù hợp với nhu cầu về nhà ở.

HUD cũng xin dừng thực hiện giai đoạn 2 và hoàn trả lại một phần diện tích giai đoạn 1 và toàn bộ đất giai đoạn 2.

Sau đó, “siêu dự án” được phân lô bán nền vẫn không khả thi, một lần nữa HUD tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi chủ trương đầu tư và các quyết định giao đất cho công ty này đối với diện tích khoảng 230ha.

Số tiền sử dụng đất mà HUD còn nợ Cục Thuế tỉnh Bình Dương tính từ ngày 19/10/2010 cho đến ngày 26/07/2011 là 377.454.114.000 đồng. Dẫn đến số tiền phạt do chậm sử dụng đất là 146.600.204.600 đồng. Đến nay, HUD đã thực hiện nghĩa vụ thuế trên để triển khai tiếp dự án.

Theo ông Trần Văn Thành – Phó tổng giám đốc HUD, ông đã đến làm việc với Công an tỉnh Bình Dương liên quan đến dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ.

Trước đó, phía HUD đã làm việc với Sở Xây dựng Bình Dương với nội dung tương tự. Động thái này được thực hiện sau khi khách hàng có đơn gửi đến cơ quan chức năng, trong đó có Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương.

Ông Thành cho hay, đối với dự án trên, vào năm 2010 HUD đã bán 160 nền. Do có nhiều nguyên nhân khách quan nên đến nay đã có 111 hộ đến thanh lý hợp đồng do khách hàng thấy dự án triển khai quá lâu. Trong số các trường hợp còn lại chưa thanh lý thì có 16 khách hàng vi phạm hợp đồng vì không thanh toán đúng tiến độ.

“Do dự án kéo dài như thế nên chúng tôi đồng cảm và mời khách hàng đến để thanh lý hợp đồng. Ngoài việc trả lại tiền, HUD sẽ chịu chi phí lãi theo ngân hàng cho khách. Chúng tôi đã mời khách hàng đến để thỏa thuận nhưng một số không chấp thuận. Đây là vấn đề dân sự, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết”, ông Thành nói.

Ông cũng khẳng định, HUD đã đầu tư tại dự án hơn 2.000 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai nên không có chuyện không triển khai.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng Bình Dương: Đây là một trong những dự án chậm triển khai dù trong năm 2018 và 2019, Sở Xây dựng đã làm việc nhiều lần với chủ đầu tư để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Sắp tới, Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra tiến độ của dự án. Trong trường hợp công ty không thực hiện, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương thu hồi chủ trương đầu tư của dự án.

Về các trường hợp có phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án đã được ký kết giữa HUD và người mua, theo Sở Xây dựng, hai bên thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng và thương lượng giải quyết. Trong trường hợp thương lượng không đạt kết quả thì liên hệ cơ quan tòa án có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.