Vì sao trẻ sơ sinh lại hay nhìn chằm chằm vào bàn tay?

Thứ tư, 19/02/2020, 11:21 AM

Từ 2 tháng tuổi trở đi, rất nhiều trẻ sơ sinh có thói quen nhìn chằm chằm vào bàn tay mình một cách rất tập trung khiến cho mẹ cảm thấy khó hiểu. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp hành vi nhìn chằm chằm vào tay của bé.

Theo tiến trình phát triển tự nhiên của mình, trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi trở đi rất lạ lẫm về mọi thứ xung quanh, bé rất thích được quan sát và nhìn ngắm mọi thứ trong tầm mắt, chẳng hạn như cái quạt quay, đồ chơi treo lủng lẳng trước mặt hay cái mùng chụp trên nôi…

Empty

Trẻ thường có thói quen nhìn đồ chơi đang lơ lửng

Theo bản năng, bé sẽ thấy đôi bàn tay mình chuyển động được, ở ngay trước mặt mình và thấy hứng thú với phát hiện này. Do đó, bé sẽ ngắm mãi đôi bàn tay be bé của mình. Điều này cho thấy bé cưng đang phát triển bình thường.

Sau 2 tháng tầm nhìn của bé sẽ được cải thiện rất nhiều, lúc này bé đã có thể nhìn được nhiều vật ở xa hơn, tầm nhìm rộng và rõ ràng hơn, bé quan sát được chi tiết hơn. Điều này thể hiện thị lực của bé đang hoàn thiện dần, sự phát triển của não bộ đã giúp củng cố thêm các cơ mắt của bé.

trẻ nhìn mẹ

Trẻ nhìn chằm chằm vào mẹ

Khoảng 2 - 3 tháng tuổi, mẹ sẽ thấy thỉnh thoảng trẻ sẽ nhìn chằm chằm khuôn mặt mình mà không rời mắt cho đến khi mẹ đi chỗ khác. Điều này cũng xảy ra tương tự với đôi tay của trẻ. Những biểu hiện này đều nằm trong quá trình phát triển tự nhiên và cũng là cách để bé giải trí.

Bé sẽ sớm kiểm soát được tầm nhìn xung quanh mình và rất thích thú nhìn ngắm những đồ vật mới và lạ. Vì thế, khi mẹ treo những đồ chơi mới lên, mắt trẻ sẽ mở to hơn khi phát hiện ra “người bạn mới” rồi nhìn ngắm kỹ hơn, lâu hơn so với những món đồ chơi đã quen thuộc với bé. Việc trẻ nhìn chăm chú đôi tay mình là một cách đơn giản giúp trẻ phát triển thị lực của mình và khả năng phối hợp cử động hai tay cùng lúc. Những điều này là sự chuẩn bị cho những bước phát triển vượt bậc hơn sau này của trẻ.

Ở giai đoạn 3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh có thể tự chủ trong việc phối hợp cử động hai tay và sau đó, bé sẽ học cách để chờm với hay bắt chụp lấy đồ vật. Lúc này, bé sẽ không còn hứng thú để nhìn ngắm đôi tay của mình nữa mà chuyển sang tìm cách điều khiển chúng theo ý mình.

Kết luận lại thì hành động bé nhìn chằm chằm vào bàn tay không phải dấu hiệu của bệnh lý, cũng không gây ra chút nguy hiểm nào cho bé cả, mẹ hãy hiểu đó chỉ đơn giản bé đang phát triển theo đúng tiến trình mà thôi.