Vì sao Việt Nam có khả năng phải tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong tương lai?

Thứ sáu, 18/10/2019, 16:22 PM

Giá mua điện nhập khẩu từ Trung Quốc là 6,86 cent/kWh, thấp hơn mức giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than hiện nay là trên 7 cent/kWh.

vi-sao-viet-nam-co-kha-nang-phai-tang-nhap-khau-dien-tu-trung-quoc-trong-tuong-lai
Vì sao Việt Nam có khả năng phải tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong tương lai?

Báo cáo ngành điện của VietinBank Securities nhận xét nguy cơ thiếu điện sẽ diễn ra nghiêm trọng từ năm 2021 do cung không đáp ứng được cầu.

Bộ Công thương, hồi tháng 6/2019, cho biết trong 62 dự án nhà máy điện có công suất lớn trên 200 MW thì có đến 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Điều này dẫn đến tổng công suất các nguồn điện có khả năng đi vào vận hành thấp hơn Quy hoạch 10.000 MW. Do đó, hệ thống dự phòng điện hầu như không còn đến cuối năm 2019 và bắt đầu từ năm 2021 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng.

"Dựa trên giả định nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam trong các năm tới theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, chúng tôi ước tính trong kịch bản tiêu cực, giai đoạn 2020 – 2021 Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10 – 15 tỷ kWh điện và đến năm 2025 sẽ thiếu hụt khoảng 15 – 20 tỷ kWh", phía VietinBank Securities nhận xét.

Việt Nam thực tế luôn căng sức bổ sung thêm nguồn cung mới để đảm bảo an ninh nặng lượng.

Hàng năm, nền kinh tế 96 triệu dân vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng tăng cao trong mùa khô, cho dù sản lượng nhập chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

VietinBank Securities cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác liên quan đến hiện tượng thiếu điện.

Thứ nhất là do mất cân đối giữa điện năng tiêu thụ và sản xuất giữa các miền. Miền Nam có sản lượng điện tiêu thụ cao nhất cả nước, chiếm hơn 50% nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80%. Trong khi đó, ở miền Bắc và miền Trung lại xảy ra tình trạng thừa cung.

Thứ hai là tỷ lệ hao hụt lớn. Việc truyền tải một lượng lớn điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam qua đường dây 500 kV khiến cho việc hao hụt là không thể tránh khỏi. Tỷ lệ hao hụt hiện nay mặc dù đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn khá cao.

Thứ ba là nguồn cung điện chủ yếu dựa vào thủy điện và nhiệt điện than, trong khi nhiệt điện khí (nguồn cung điện chính cho miền Nam) chưa được chú trọng phát triển.

Các nhà máy thủy điện lớn tập trung chủ yếu ở miền Bắc do đặc trưng về địa hình đồi núi và dòng sông lớn. Tương tự, các nhà máy nhiệt điện than cũng phần lớn được xây dựng tại miền Bắc khi mà mỏ than lớn nhất của Việt Nam nằm tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 6,4 tỷ kWh điện từ năm 2020 – 2025.

Tuy nhiên, VietinBank Securities đánh giá rằng với việc xây dựng các nhà máy điện liên tục bị chậm tiến độ, cộng thêm giá mua điện nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ vào 6,86 cent/kWh - thấp hơn mức giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than hiện nay là trên 7 cent/kWh thì có khả năng cao sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không chỉ dừng ở con số 6,4 tỷ kWh.

Trong điều kiện nguồn cung thủy điện đã hết và không ổn định, nguồn nguyên liệu than và khí trong nước cho nhà máy nhiệt điện không được đảm bảo thì việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc là giải pháp bắt buộc cho tình thế thiếu điện trầm trọng trước mắt – đơn vị này cho biết.

Mặt khác, thiếu điện cũng mở ra cơ hội lớn để trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện công suất lớn với thời gian xây dựng ngắn (điện khí, điện mặt trời) để đáp ứng nhu cầu tiêu thu điện tại Việt Nam đặc biệt là các tỉnh phía Nam.