Vì sao Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy ở Đông Nam Á?

Thứ bảy, 20/04/2019, 09:46 AM

Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, gần 3 tấn ma túy đá lần lượt bị bắt tại TP Hồ Chí Minh và miền Trung. Vì sao Việt Nam lại liên tục có những vụ án ma túy lớn như vậy trong giai đoạn này?

Thời gian qua, nhiều vụ án ma túy được các lực lượng chức năng các tỉnh thành triệt phá gây rúng động dư luận trong nước về quy mô và mức độ liều lĩnh của những kẻ cầm đầu. Nhận định về những vụ buôn ma túy số lượng khủng này, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, Việt Nam đang trở thành trạm trung chuyển ma túy của khu vực. 

Báo Tuổi Trẻ từng trích dẫn lời của ông Minh nhận định: "Chuyện này không mới, chúng ta đã đánh giá được Việt Nam có thể trở thành trạm trung chuyển ma túy của khu vực. Gần đây một số nước Nam Mỹ cũng có dấu hiệu chọn Việt Nam làm nước trung chuyển bởi có giao thông kết nối nhanh với các nước khác, thuận tiện giao thương. Ngoài ra, chúng ta quản lý ngoại tệ còn yếu kém, cửa khẩu còn thiếu sót so với các nước trên thế giới".

Đồng nhận định với ông Minh, ông Inshik Sim, chuyên gia nghiên cứu chất cấm thuộc Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cũng từng trả lời báo chí cho biết: “Chúng tôi dự đoán Lào và Việt Nam trong năm nay sẽ chứng kiến sự gia tăng kỷ lục về số vụ bắt giữ ma túy. Các nước này cần phải sẵn sàng. Điều này đã và đang diễn ra".

Vậy, vì sao Việt Nam lại nhanh chóng trở thành điểm trung chuyển ma túy đá của khu vực, trong khi trước đây Myanmar và Thái Lan vẫn là thủ phủ vừa sản xuất, vừa trung chuyển loại hàng hóa này?

Chuyển tuyến vận chuyển từ Thái Lan qua Việt Nam

Tam giác Vàng là nơi giao nhau của biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar. Đồ họa: maps4news.

Ông Sim cho rằng Việt Nam sẽ vừa là nước tiêu thụ, vừa là nước trung chuyển trong khi Malaysia tiếp tục là điểm trung chuyển lớn. Ma túy sang tới Việt Nam sẽ tiếp tục được bán sang Philippines.

“Các băng nhóm buôn ma túy luôn có thêm các mạng lưới ở các nước tiếp theo”, ông Sim nói.

Trong những lô ma túy bị Công an TP. HCM bắt giữ trong vài tuần vừa qua, có hai lô hàng đang được chuyển sang Philippines và sang Đài Loan.

Những kẻ buôn ma túy chọn Việt Nam là nơi trung chuyển do địa thế, hệ thống giao thông gồm các cảng biển, cảng hàng không kết nối tốt với các nước. 

Cho đến năm ngoái, ma túy đá (methamphetamine) chủ yếu được buôn lậu từ nguồn cung cấp ở Myanmar, qua Chiang Mai và Bangkok ở Thái Lan, rồi sang Malaysia để đến các nước tiêu thụ. Tuy nhiên, sự trấn áp quyết liệt của chính quyền Thái Lan đã buộc những kẻ buôn ma túy thay đổi tuyến vận chuyển.

Thái Lan trong năm 2018 đã bắt giữ số lượng kỷ lục 515 triệu viên ma túy đá, hơn 17 lần so với lượng ma túy bắt giữ được một thập kỷ trước, theo báo cáo của UNODC.

Theo một báo cáo tháng 3/2019 của UNODC, lượng ma túy đá bị bắt giữ ở Đông Á và Đông Nam Á năm 2018 đạt kỷ lục 116 tấn, tăng 210% so với năm năm trước đây. Lượng bắt giữ năm 2017 là 82 tấn, và dựa vào số liệu tổng hợp của các nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thị trường ma túy Đông Á và Đông Nam Á đã chuyển từ thuốc phiện sang ma túy đá. Năm 2018, ngoại trừ Việt Nam, tất cả các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều báo cáo ma túy đá là chất gây nghiện đáng lo ngại nhất ở nước mình, so với con số chỉ năm quốc gia cách đây một thập kỷ.

Khu vực Tam giác Vàng đã không còn là nguồn cung cấp thuốc phiện chính cho cả thế giới sau khi bị thay thế bởi Afghanistan đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, Tam giác Vàng lại trở thành nơi bào chế và xuất khẩu ma túy đá lớn nhất thế giới, tập trung quanh bang Shan hỗn loạn của Myanmar, nơi các nhóm phiến quân kiểm soát thay vì chính phủ.

Ma túy đá: Kỷ nguyên mới của ma túy?

Một con nghiện dùng ma túy đá tại Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Từ rừng rậm Myanmar đến các đường phố của Hong Kong, cảnh sát trên khắp châu Á đang chiến đấu chống lại methamphetamine. Tờ CNN trong một bài viết tháng 11/2018 từng nhận định. Nhu cầu methamphetamine dạng tinh thể (thường gọi là ma túy đá) đang tăng vọt. Việc điều chế ma túy đá tăng với tốc độ chưa có tiền lệ và số người chết cũng vậy. Các lãnh đạo ở Bangladesh hay Philippines đang tiến hành các cuộc chiến chống ma túy đẫm máu khiến hàng nghìn người chết.

Ma túy đá phổ biến trên toàn châu Á, với những con nghiện từ nhiều tầng lớp, tuổi tác hay giới tính, theo Jeremy Douglas, người chịu trách nhiệm hoạt động tại Đông Nam Á của UNODC.

Phần lớn việc sản xuất ma túy diễn ra sâu bên trong khu rừng của Tam giác Vàng, nơi giao nhau của biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar. Những kẻ điều chế ma túy dễ dàng che giấu hoạt động và nhanh chóng di chuyển khi bị đánh động.

Những kẻ buôn ma túy khai thác những con đường mới và cơ sở hạ tầng được xây dựng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, sử dụng dòng chảy người và hàng hóa bất hợp pháp để che giấu hàng cấm.

Lợi nhuận có thể lên đến hàng trăm triệu USD được rửa tiền thông qua những công ty bình phong tại những nơi giám sát lỏng lẻo.

John Coyne, cựu giám đốc tình báo chiến lược của lực lượng Cảnh sát Liên bang Australia so sánh quy trình này như "một cơn bão hoàn hảo".  "Nó đang cuốn Đông Nam Á vào 'đại dịch' ma túy đá", ông nói.

Xưởng điều chế ma túy đá tại bang Shan, Myanmar tháng 2/2018. Ảnh: MMOD. 

Phần lớn ma túy đá bị tịch thu ở châu Á - Thái Bình Dương có xuất xứ từ vùng Tam Giác Vàng. Hiện nay, các trùm ma túy ở đây đã giảm sản xuất heroin - loại ma túy phổ biến trong những thập kỷ trước - để tập trung vào sản phẩm mới và rẻ hơn: ma túy đá.

Ma túy đá là ma túy tổng hợp được điều chế trong phòng thí nghiệm bằng hóa chất, không yêu cầu bên sản xuất phải trồng cây anh túc như heroin. Những phòng thí nghiệm cũng có thể được ngụy trang bằng vải bạt và dễ dàng di chuyển – điều không thể làm với một cánh đồng hoa anh túc.

Các tuyến trung chuyển ma túy đá ở châu Á - Thái Bình Dương. Video: CNN

Sau khi điều chế xong ma túy đá, bước tiếp theo là vận chuyển. Tam giác Vàng vốn là một trong những nơi nghèo nhất và kém phát triển nhất trên thế giới, nhưng điều đó đang thay đổi nhờ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhằm giúp kết nối các nền kinh tế đang phát triển. Hầu hết các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của sáng kiến Vành đai và Con đường đều đang trở thành các trạm trung chuyển tuyệt vời cho dòng chảy của ma túy đá tại khu vực nói riêng và vùng châu Á - Thái Bình Dương nói chung. 

 

Mỹ có tìm nổi 14 tỉ đô của trùm ma túy El Chapo?

Sau 12 tuần lấy lời khai và chất vấn, bồi thẩm đoàn liên bang tại New York đã kết án ông trùm Joaquin “El Chapo” Guzman, dẫn đầu tổ chức ma túy Sinaloa Cartel.

 

'Đại dịch' ma túy đá ở châu Á

Những kẻ buôn ma túy đá sản xuất trong rừng ở Tam giác Vàng và lợi dụng hệ thống cơ sở vật chất đang phát triển để phân phối.