Viễn thông tăng tốc hạ tầng ứng cứu thông tin, toàn lực cùng Đà Nẵng phòng chống dịch Covid-19

Thứ sáu, 07/08/2020, 20:03 PM

Chưa bao giờ, công tác chuẩn bị hậu cần viễn thông lại được tăng cường nhanh chóng tại Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng, cho thấy sự cần thiết của công nghệ thông tin khi phục vụ cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.

Chạy nước rút để hoàn thành hạ tầng tại Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng

Hơn bao giờ hết, hạ tầng internet luôn cần thiết cho việc điều hành công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là tại tâm điểm Đà Nẵng.

Theo VNPT, đơn vị này đã nhanh chóng triển khai hàng trăm km cáp quang và các thiết bị mạng khác để thiết lập mạng internet, Wi-Fi và điện thoại cố định, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp và đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng đặt tại Cung thể thao Tiên Sơn.

Ngoài ra, VNPT cũng đã tăng số trạm phát sóng 4G xung quang khu vực này để bảo đảm liên lạc thông suốt và quá trình vận hành quản lý của bệnh viện nhằm hỗ trợ tối đa hạ tầng cho công tác chống dịch như chống giặc tại Đà Nẵng.

Nhà mạng tăng tốc hoàn thiện hạ tầng tại Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng. Ảnh: Cao Hưng.

Nhà mạng tăng tốc hoàn thiện hạ tầng tại Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng. Ảnh: Cao Hưng.

Song song với VNPT, Viettel cho biết cũng đã tăng cường dung lượng trạm 4G, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của toàn bộ y, bác sĩ, bệnh nhân, người nhà cũng như quá trình tổ chức, điều hành phòng, chống dịch Covid-19.

Viettel cũng triển khai cầu truyền hình cho bệnh viện dã chiến ở Cung Thể thao Tiên Sơn và huyện Hòa Vang. Trước đó, các điểm cầu truyền hình của Viettel cũng đã được bố trí tại Sở Y tế, Bệnh viện C, bệnh viện Đà Nẵng để hỗ trợ công tác họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và hội chẩn từ xa cho các bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây.

Bài liên quan

Với FPT, việc chung tay cùng Đà Nẵng trong cuộc chiến chống dịch cũng đã được khởi động. Cụ thể FPT sẽ miễn phí toàn bộ hạ tầng, đường truyền internet tốc độ cao, hệ thống internet phủ kín hơn 10.000 m2 và ứng dụng xem truyền hình Foxy miễn phí cho y, bác sĩ, bệnh nhân tại khu vực.

Đây là một trong những nỗ lực của FPT nhằm hỗ trợ ngành y tế TP Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc đảm bảo thông tin liên lạc tại Bệnh viện dã chiến là điều rất cần thiết, góp phần nâng cao công tác tiếp nhận, theo dõi, điều trị… và các hoạt động khác.

Đến cả ứng cứu thông tin, lập đội hỗ trợ 24/7 toàn lực cùng Đà Nẵng dập dịch

Ngoài hạ tầng được phủ rộng, nhanh với chất lượng tốt, công tác tăng cường ứng cứu thông tin luôn được các nhà mạng xem trọng, nhằm góp phần cùng Đà Nẵng phòng chống dịch Covid-19 tốt hơn trong tình hình mới.

Theo đại diện Viettel, nhân sự kỹ thuật của nhà mạng này luôn trực 24/7 để giám sát và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dân giữa bối cảnh dịch diễn biến phức tạp. Đây cũng là mục tiêu trọng điểm trong việc phối hợp cùng các tuyến bệnh viện tại Đà Nẵng cùng chung tay vượt qua đại dịch.

Bài liên quan

Riêng VNPT, nhằm đảm bảo hoạt động của hạ tầng viễn thông phục vụ phòng chống dịch của TP Đà Nẵng, đơn vị này đã thành lập 12 đội ứng cứu nhanh, sẵn sàng lắp đặt, xử lý theo yêu cầu nhằm đảm bảm thông tin liên lạc trong phòng chống dịch bệnh.

Đồng hành cho tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19, nhiều nhà mạng còn tặng SIM miễn phí thoại, data, đồng thời thực hiện chính sách miễn cước cụ thể với các đối tượng khách hàng với mong muốn đóng góp một phần cùng TP Đà Nẵng nhanh chóng dập dịch Covid-19.

Ngoài ra, để hỗ trợ các giảng viên, sinh viên không bị gián đoạn dạy và học, nhiều nhà mạng còn miễn phí data truy nhập vào hệ thống đào tạo trực tuyến của các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Đến thời điểm 18h ngày 7/8, Đà Nẵng tiếp tục là tâm điểm của dịch Covid-19 với nhiều ca nhiễm được phát hiện và lây lan trong cộng đồng.

Cụ thể, tại Đà Nẵng ghi nhận thêm 22 ca, Quảng Nam 8 ca, Hà Nội 1 ca, Hải Dương 1 ca (đều liên quan đến Đà Nẵng), TP.HCM 1 ca và Bà Rịa - Vũng Tàu 1 ca được cách ly ngay sau nhập cảnh, nâng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam lên con số 784.