Việt Nam có thể bị 'trả đũa' nếu dừng nhập khẩu xăng dầu

Thứ bảy, 16/05/2020, 19:35 PM

Đây là nhận định của ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương về đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu của PVN.

loc-dau-dung-quat-mon-moi-doi-thu-xep-von1581612552

Hồi tháng 4/2020, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính văn bản kiến nghị các giải pháp gỡ khó cho nhà máy lọc dầu trong nước.

Trong đó, một trong những phương án mà PVN đưa ra là ngừng ngập khẩu xăng dầu để giảm tình trạng tồn kho tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Đề xuất này lập tức đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều và sau hơn 1 tháng cả hai Bộ vẫn chưa chấp nhận đề xuất trên.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đưa ra những cái khó của Chính phủ trước đề xuất của PVN.

Trong đó, ông Hải cho rằng, thời gian qua giá dầu thô trên thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng, và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của PVN cũng như ngân sách của nhà nước. Bộ Công thương hiểu cái khó mà các nhà máy đang gặp phải.

Tuy nhiên với 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu như hiện nay, Bộ Công thương đã bàn bạc với các đơn vị trực thuộc bộ và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiệp hội xăng dầu và hiệp hội doanh nghiệp dùng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào. Cuộc họp này nhằm thảo luận việc có nên dừng nhập khẩu xăng dầu hay không.

“Nếu hạn chế nhập khẩu thì trong số 33 đầu mối chỉ còn 1 đầu mối được phép nhập khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả, quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp dùng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào và người tiêu dùng. Mặt khác, việc cấm nhập khẩu xăng dầu là cấm các nước khác bán dầu vào Việt Nam, tức là ta vi phạm cam kết thương mại. Liệu các nước có làm điều tương tự là cấm ta xuất khẩu một mặt hàng thế mạnh nào đó của ta vào nước họ không”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc đồng ý hay không đồng ý với đề xuất của PVN phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên cũng như đảm bảo an ninh năng lượng. 

Một bài toán khác cũng cần tính đến là nếu phụ thuộc vào 1 đầu mối cung cấp xăng dầu thì nếu thiếu hàng, việc sản xuất kinh doanh đời sống người dân sẽ ra sao? Năm ngoài nhà máy Nghi Sơn cũng gặp sự cố hơn 1 tháng điều này khiến các đơn vị rất lo lắng và yêu cầu phải nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam ngay. 

Ngoài ra, nếu dừng nhập khẩu xăng dầu cũng phải lưu ý đến các hợp đồng của nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đã kí với đối tác. Đồng thời việc dừng nhập khẩu xăng dầu sẽ khiến các đơn vị này chịu thiệt hại vì không tuân thủ hợp đồng.

Vì thế, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cần phải hài hòa lợi ích các bên rồi mới đưa ra quyết định.

Bài liên quan