Việt Nam gắn 'mắt thần' và tên lửa cho pháo phòng không ZSU-23-4, sức mạnh tăng lên gấp bội

Thứ sáu, 04/10/2019, 23:41 PM

Phương án nâng cấp này mang đến cho tổ hợp pháo phòng không ZSU-23-4 Việt Nam sức chiến đấu hoàn toàn mới, đủ sức răn đe và đánh bại các đòn tấn công bằng vũ khí công nghệ cao.

Nâng cấp "lão tướng" ZSU-23-4 để đánh bại vũ khí công nghệ cao

Theo phóng sự "Tự động hóa quân sự trong điều kiện mới" trên kênh QPVN, Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự đang tiến hành nghiên cứu phương án cải tiến và nâng cấp sức chiến đấu cho các tổ hợp pháo phòng không ZSU-23-4 có trong biên chế, dựa theo yêu cầu của Quân chủng Phòng không – Không quân.

Điều này xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng PK-KQ trong tác chiến phòng không hiện tại, khi mà các tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp ZSU-23-4 chưa đáp ứng được hoàn toàn nhiệm vụ phòng không chống lại các loại vũ khí công nghệ cao ngày càng tinh vi.

Việt Nam gắn
Tổ hợp pháo phòng không ZSU-23-4 nguyên bản trước khi được nâng cấp. Ảnh: QPVN.

Bởi trong chiến tranh hiện đại, các tổ hợp phòng không luôn là một trong những mục tiêu bị tấn công chế áp điện tử đầu tiên, trong khi đó các tổ hợp phòng không thế hệ cũ như ZSU-23-4 lại không được thiết kế để chống đỡ các loại vũ khí công nghệ cao vốn có khả năng áp chế điện tử mạnh.

Trong khi đó khả năng dẫn bắn của ZSU-23-4 lại phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống radar 1LR33 "RPK-2". Chính vì vậy khi radar bị áp chế và vô hiệu hóa sẽ dẫn tới năng lực chiến đấu của toàn tổ hợp bị sụt giảm không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Từ đó việc đảm bảo kỹ thuật cho tổ hợp phòng không này rất khó khăn, hệ số sẵn sàng chiến đấu thấp. Chính vì vậy, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới từ lâu đã nghiên cứu triển khai các phương án nâng cấp tổ hợp ZSU-23-4.

Qua đánh giá các phương án nâng cấp ZSU-23-4 ở một số nước, nhóm nghiên cứu của Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự đã cho ra phương án nâng cấp toàn diện nhất cho tổ hợp phòng không này dựa trên các công nghệ hiện đại.

Theo đó phương án nâng cấp ZSU-23-4 của Việt Nam hiện tại sẽ tập trung vào các mục tiêu chính sau :

Thứ nhất, Cải tiến toàn bộ hệ thống máy tính đường đạn trên tổ hợp bằng hệ thống máy tính mới, bên cạnh đó là thay đổi toàn bộ giao diện người dùng cho phép kíp xe vận hành tổ hợp dễ dàng hơn.

Thứ hai, Thay thế radar 1LR33 thế hệ cũ bằng tổ hợp khí tài quang điện tử 3 kênh gồm cụm camera ngày/đêm và thiết bị đo xa laser dàn nhiệm vụ theo dõi và dẫn bắn, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ tổ hợp bị vô hiệu hóa khi bị tấn công áp chế điện tử.

Thứ ba, Tích hợp các tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) lên trên ZSU-23-4, đây cũng là nâng cấp giúp nâng cao đáng kể sức chiến đấu của tổ hợp, cho phép một tổ hợp phòng không thế hệ cũ như ZSU-23-4 có thể tham gia vào hệ thống phòng không hiện đại đánh chặn các đòn tấn công bằng vũ khí công nghệ cao.

Chi phí cải tiến tổ hợp ZSU-23-4 chỉ bằng 1/5 so với nước ngoài

Về mặt tổng thể phương án nâng cấp pháo phòng không ZSU-23-4 của Việt Nam hiện tại được xây dựng dựa trên nền tảng vũ khí của tổ hợp hiện có, từ đó nghiên cứu nâng cấp, cải tiến các thành phần chiến đấu của tổ hợp để đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự đã ứng dụng các thiết bị công nghệ cao để tích hợp cũng chế tạo các thành phần chiến đấu mới cho tổ hợp ZSU-23-4 đảm bảo sau khi được nâng cấp tổ hợp có thể đạt các tính năng kỹ-chiến thuật do Quân chủng Phòng không – Không quân đề ra.

Việt Nam gắn
Mô hình phương án nâng cấp tổ hợp pháo phòng không ZSU-23-4 của Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: QPVN.

Trong đó, khí tài quang điện tử 3 kênh được xem là giải pháp then chốt giúp tổ hợp ZSU-23-4 có thể tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết cũng như ngày/đêm, tăng khả năng sống còn của tổ hợp khi bị đối phương áp chế điện tử.

Kết hợp với khí tài quang điện tử này là hệ thống máy tính số cho phép tính toán các tham số một cách chính xác với tốc độ cao, các tham số này sẽ quyết định kết quả bắn của tổ hợp có trúng mục tiêu hay không, bởi tốc độ bắn của pháo 4 nòng 23mm 2A7 trên ZSU-23-4 là rất nhanh lên đến hơn 3.000 phát/phút.

Việt Nam gắn
Cận cảnh khối khí tài quang điện tử 3 kênh (khoanh đỏ) giải pháp then chốt giúp tổ hợp ZSU-23-4 tăng cường sức chiến đấu trong môi trường chiến tranh hiện đại. Ảnh: QPVN.

Bộ đôi khí tài này cũng là cơ sở để tích hợp tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp cho ZSU-23-4 giúp nâng cao khả năng tác chiến cho phương tiện, tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu, tăng cự ly bắn hiệu quả.

  • Tên lửa Javelin Mỹ vô dụng ở Ukraine: Sợ hãi "Gấu Nga" phải tránh xa hàng trăm km!

  • Tiến sĩ Mỹ: Trong đời mình, tôi chưa từng thấy tướng Mỹ nào được như Tướng Giáp

  • CẬP NHẬT: Nga "chỉ thẳng mặt" Israel cảnh cáo - Moscow thông đường đưa đại quân xuống Địa Trung Hải

Giao diện người sử dụng được thiết kế thân thiện phù hợp với loại hình phương tiện cơ động, có tuổi thọ và độ tin cậy cao.

Bên canh đó, các thành phần chiến đấu mới của ZSU-23-4 cũng được thiết kế, phân chia theo khối chức năng sử dụng các đường truyền dữ liệu số nên đơn giản về mặt kết nối có tính mở cao tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sửa chữa và đảm bảo kỹ thuật.

Đây chính là những tính năng kỹ - chiến thuật vượt trội trên biến thể pháo phòng không ZSU-23-4 do Việt Nam cấp, đồng thời cũng là xu hướng cải tiến chung của các quốc gia có nền khoa học quân sự tiên tiến

Điều đáng nói là những thiết bị máy móc do Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự chế tạo ra dựa trên quá trình nghiên cứu nâng cấp ZSU-23-4 đều dựa trên nền các công nghệ cao hiện đại, có tính năng kỹ thuật tương đương các sản phẩm cùng loại do các nước tiên tiến sản xuất nhưng giá thành chỉ bằng 20% giá nhập ngoại.

Như vậy, phương pháp tự nâng cấp ZSU-23-4 trong nước không chỉ giúp đội ngũ kỹ sư quân sự Việt Nam tiếp cận làm chủ các công nghệ hiện đại mà còn giúp giảm đáng kể chi phí hiện đại hóa tổ hợp phòng không này so với việc nhờ đến các nhà thầu nước ngoài. Tạo tiền đề quan trọng giúp hiện đại hóa toàn bộ các đơn vị ZSU-23-4 hiện có.