VietJet Air xin tự phục vụ mặt đất và chuyện Chính phủ không bán bia, bán sữa

Thứ sáu, 13/09/2019, 14:33 PM

VietJet Air xin tự phục vụ mặt đất là phù hợp giúp doanh nghiệp chủ động trong nâng cao dịch vụ tuy nhiên lợi nhuận từ "miếng bánh" dịch vụ mặt đất sẽ khó nhường cho doanh nghiệp tư nhân

vietjet-air-xin-tu-phuc-vu-mat-dat-va-chuyen-chinh-phu-khong-ban-bia-ban-sua
VietJet Air xin tự phục vụ mặt đất là phù hợp giúp doanh nghiệp chủ động trong nâng cao dịch vụ.

Mới đây, hãng hàng không VietJet Air có văn bản xin phép Cục Hàng không cho hãng này được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020.

Theo VietJet, hiện nay tại Nội Bài, hãng này đang khai thác 18 máy bay với 15 đường bay trong nước, 16 đường bay quốc tế với trung bình 150 chuyến bay/ngày. Số lượng máy bay và chuyến bay sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Do đó, VietJet xin được tự phục vụ mặt đất cho các công đoạn chuẩn bị chuyến bay như một số hãng khác thay vì thuê các đơn vị dịch vụ mặt đất.

Việc này nhằm tăng tính chủ động, tăng năng lực phục vụ theo kế hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và uy tín của ngành hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài. Hãng tự phục vụ sẽ tránh được tình trạng máy bay hạ cánh nhưng xe thang của đơn vị phục vụ mặt đất bận phục vụ máy bay hãng khác khiến khách phải ngồi chờ trên máy bay.

Theo đại diện của Vietjet, chất lượng dịch vụ mặt đất quá kém, ảnh hưởng đến phục vụ khách hàng. Khi khách hàng phản ứng hãng đều phải hứng chịu dẫn đến mất uy tín với khách hàng. Chưa kể việc độc quyền dịch vụ mặt đất đẩy các hãng vào tình thế phải cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí, phải "chạy" quầy bán vé, sân đỗ, nơi đón trả khách...

VietJet Air xin tự phục vụ mặt đất là phù hợp giúp doanh nghiệp chủ động trong nâng cao dịch vụ. Tuy nhiên, đây là thời điểm ăn nên làm ra của dịch vụ mặt đất sân bay. 

Việc cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không lớn cũng đem về cho Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội lợi nhuận 72,4 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 6% so với năm 2017. Tương tự việc phục vụ mặt đất trọn gói cho các hãng hàng không đã giúp SAGS thu về 1.288 tỷ đồng trong năm 2018; tăng trưởng 16% so với năm 2017 và vượt kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 263 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch.

Trước lợi nhuận khủng này, việc buông bỏ "miếng mồi béo bở" nhường lại cho các hãng hàng không tự phục vụ là điều khó được chấp nhận.

Tuy nhiên như tinh thần của Chính phủ là việc gì tư nhân làm được nên để tư nhân làm và Chính phủ không bán bia, bán sữa. Có thể nói, kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiên trì, quyết liệt thúc đẩy triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, với tinh thần là những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm, thay vì Nhà nước làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, khu vực doanh nghiệp Nhà nước ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn.

Mặt khác, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh những thành tựu lớn đã đạt được, bản thân khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, mà nổi lên là là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực được giao. 

“Tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Việc Chính phủ dứt khoát rút vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm tốt hơn sẽ gửi đi một thông điệp nhất quán cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với thông điệp của Thủ tướng, việc ACV rút vốn khỏi Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội, Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn. Đồng thời tiến hành đầu thầu lựa chọn đơn vị dịch vụ mặt đất, cho hãng hàng không tham gia để đảm bảo công bằng.

 

Vụ đại úy công an gây rối sân bay: Nhiều hãng hàng không yêu cầu đại lý không bán vé cho bà Lê Thị Hiền

Sau khi Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm bay 12 tháng với bà Lê Thị Hiền đại úy công an gây rối sân bay, nhiều hãng hàng không yêu cầu đại lý không bán vé cho bà Hiền.

 

Vietnam Airlines xin mua 50 máy bay, hạ tầng hàng không sẽ thêm gánh nặng?

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa gửi công văn tới các cơ quan liên quan lấy ý kiến thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

 

4 ông lớn vừa 'nhảy' vào thị trường hàng không là ai?

Ngoài các ông lớn Vietnam Airlines, VietJet Air hay Bamboo Airways, thị trường hãng hàng không Việt đang xôn xao với việc chờ cấp phép bay của Vietstar Airlines, KiteAir, Vietravel Airlines và Vinpearl Air.