Vietnam Airlines được tự chủ lương: Liệu có giữ được phi công?

Thứ sáu, 07/06/2019, 17:31 PM

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng với Vietnam Airlines và một số đơn vị.

vietnam-airlines-duoc-tu-chu-luong-lieu-co-giu-duoc-phi-cong
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng với Vietnam Airlines và một số đơn vị. Ảnh minh họa

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNTP), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). 

Theo đó, các doanh nghiệp trên được tự chủ lập kế hoạch, tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng thang bảng lương (kể cả với người quản lý). Nhưng khi dư thừa lao động, người có thẩm quyền tuyển dụng phải chịu trách nhiệm, trong đó thậm chí có việc bị giảm lương, cắt thưởng.

Lương của người lao động được hưởng chung quỹ theo đơn giá tiền lương khoán. Trong đó đơn giá tiền lương khoán theo chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh phản ánh hao phí lao động và năng suất của từng đơn vị, ví dụ VNPT theo tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương, Vietnam Airlines theo tấn hàng hóa, km và hành khách luân chuyển, VATM theo km điều hành bay. 

Đồng thời, các doanh nghiệp được bổ sung một phần lương của lao động đặc thù vào đơn giá khoán do giai đoạn 2016-2018 đã trả thấp hơn thị trường. Hiện nay VNPT trả lương cho một số lao động công nghệ cao bằng khoảng 70% so với thị trường, Vietnam Airlines trả lương cho phi công là người Việt Nam bằng 60% so với phi công là người nước ngoài.

Quỹ tiền lương hằng năm được xác định trên đơn giá tiền lương khoán ổn định và chỉ tiêu tính đơn giá khoán, gắn với mức tăng, giảm lợi nhuận hàng năm. Nếu lợi nhuận thấp hơn thì phải giảm trừ quỹ tiền lương nhưng vượt thì được tính thêm tối đa 2 tháng lương.

Việc cho đơn vị đặc thù Vietnam Airlines tự chủ lương được cho sẽ giúp doanh nghiệp này giữ được nhân sự chất lượng cao.

Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 90 công nhân lao động kỹ thuật cao diễn ra tại TP Hồ Chí Minh sáng 5/5, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietnam Airlines Dương Trí Thành thẳng thắn thừa nhận khó khăn của hãng hàng không này.

Ông Dương Trí Thành cho biết, mức lương của phi công Việt Nam đang được đẩy dần lên bằng khoảng 75% phi công nước ngoài, cao nhất là 300 triệu/tháng; chế độ bảo hiểm sức khỏe phi công đang áp dụng mức 100 triệu đồng/năm; bảo hiểm hưu trí tự nguyện 300 triệu đồng/năm. Trung bình, phi công Việt Nam đạt mức thu nhập hằng tháng khoảng 150 triệu đồng.

So với mặt bằng chung, đây là mức thu nhập "mơ ước" nhưng trong bối cảnh hàng không cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các phi công đòi hỏi mức thu nhập cao hơn và lãnh đạo Vietnam Airlines cũng hiểu rõ điều đó.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines dù đã là công ty cổ phần, nhưng bản chất vẫn hoạt động theo các quy định của doanh nghiệp nhà nước. Cho đến nay, tổng quỹ lương từ lao động đặc thù đến lao động thông thường đều phải áp dụng theo đúng chính sách quy định. Kể cả trong trường hợp công ty có năng lực tài chính, cũng không thể linh hoạt tăng lương cho phi công.

Chính vì vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, không ai có thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy.

Trước đó, có thông tin Bamboo Airways gửi văn bản lên Bộ GTVT và Cục Hàng không, dẫn một bản sao báo cáo được Vietnam Airlines gửi lên cơ quan chức năng, nói Bamboo Airways giành giật phi công, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Văn bản cũng đề nghị Cục Hàng không dừng xem xét cấp chứng chỉ khai thác Boeing 787 cho Bamboo.

Văn bản này, theo Bamboo, nếu có thật là hành động "chơi xấu", "cạnh tranh không lành mạnh".

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật xác nhận văn bản cơ quan này có nhận được báo cáo của Vietnam Airlines về tình trạng các phi công của Vietnam Airlines chuyển sang làm việc cho Bamboo.

"Hiện nay, chúng tôi đang cho kiểm tra vấn đề này để xem tình trạng di chuyển việc làm của các phi công này có sai quy định hay không. Nhưng thực chất đây là một quy luật của cơ chế thị trường, Nhà nước không thể can thiệp sâu. Tuy nhiên, Bộ đang kiểm tra vấn đề này và sẽ sớm có kết quả", Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Trả lời của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật phản ánh một thực tế nhân lực lao động dù là chất lượng cao như phi công suy cho cùng cũng tuân theo quy luật của cơ chế thị trường.

 

Những sự cố đáng quên hơn 1 năm qua của Vietnam Airlines

Cùng với vụ delay khiến 200 khách phải chờ 1 khách VIP trong hơn 1 năm qua, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam gặp không ít sự cố khiến hành khách thất vọng.

 

Chuyến bay 200 khách delay chờ 1 khách VIP: ‘Vận đen’ chưa buông tha Vietnam Airlines

Lùm xùm về chuyến bay từ Việt Nam đến Frankfurt (Đức) của Vietnam Airlines delay chờ 1 khách VIP chứng tỏ “vận đen” chưa buông tha Vietnam Airlines.

 

Tin tức tai nạn giao thông ngày 1/6: Vì sao máy bay Vietnam Airlines quay đầu về Nội Bài chỉ sau 30 phút cất cánh?

Tin tức tai nạn giao thông ngày 1/6, cập nhật vụ việc máy bay Boeing 787 đi Đức quay lại sân bay Nội Bài sau 30 phút, vụ sập cầu BOT Tân Nghĩa (Đồng Tháp) sau 3 tháng dừng thu phí.