Vietnam Airlines xin mua 50 máy bay, hạ tầng hàng không sẽ thêm gánh nặng?

Thứ tư, 28/08/2019, 18:56 PM

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa gửi công văn tới các cơ quan liên quan lấy ý kiến thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

vietnam-airlines-mua-50-may-bay-ha-tang-hang-khong-se-them-ganh-nang
Vietnam Airlines mua 50 máy bay, hạ tầng hàng không sẽ thêm gánh nặng? Ảnh minh họa

Theo đó dự án mua sắm máy bay mới của Vietnam Airlines trị giá khoảng 3,8 tỷ USD.

Các cơ quan được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lấy ý kiến bao gồm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Sở Tài chính Hà Nội.

Với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Sở đề nghị Ủy ban cho ý kiến về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm của Vietnam Airlines.

Các bộ có liên quan sẽ cho ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá nhiều yếu tố như tác động về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đối với địa phương, quy mô, tiến độ đầu tư theo quy định, tổng vốn đầu tư, năng lực tài chính của nhà đầu tư ...

Các các ý kiến này sẽ được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Vietnam Airlines, lãnh đạo doanh nghiệp đã trình bày chủ trương đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 - 2025. Mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỷ USD.

Dự kiến, số tiền trên lấy từ vốn chủ sở hữu gần 500 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm gần 2 tỷ USD, còn lại gần 1,4 tỷ USD phải đi huy động.

Lãnh đạo hãng cũng khẳng định trong kế hoạch mua mới 50 máy bay thân hẹp. Hãng vẫn đưa dòng 737 Max vào quá trình cân nhắc bên cạnh dòng Airbus A320, bởi đây vẫn là dòng máy bay an toàn và có tính trạnh canh trong phân khúc phản lực thân hẹp.

Bên cạnh đầu tư mua thêm tàu bay, hãng còn chủ trương bán 5 tàu bay A321ceo sản xuất năm 2004-2005 để đẩy mạnh việc đổi mới đội tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và cũng nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc các hàng hàng không mới liên tục được thành lập giúp người tiêu dùng sẽ ngày càng được tiếp cận việc di chuyển nhanh chóng bằng máy bay với giá rẻ. Tuy nhiên, trong tình trạng hạ tầng sân bay ngày càng xuống cấp và chật hẹp, cùng với nguồn nhân lực Việt Nam chưa tự chủ đào tạo hoàn toàn thì đây đang là bài toán hóc búa với cơ quan quản lý.

Trước đó, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không lao vào cuộc đua mua máy bay làm quá tải trầm trọng hạ tầng hàng không tại các sân bay, nhà ga.

Ông Võ Huy Cường lo lắng các hãng tăng mua tàu bay dồn nén áp lực rất lớn về hạ tầng hàng không. Theo ông, Nhà nước cần tăng cường đầu tư các sân bay, sân đỗ; xã hội hóa đầu tư sân bay; quy hoạch quỹ đất làm nhà ga, sân bay, mở rộng đường cất hạ cánh.

“Tại nước ta, đường bay quốc tế cạnh tranh khốc liệt nhưng doanh thu tốt hơn vì nội địa tuyến ngắn giá bị khống chế theo quy định. Với tình hình quá tải, slot (giờ cất hạ cánh) tới sân bay quan trọng không tăng thì các hãng có thể chuyển hướng bay đường trục nhu cầu lớn, hệ số sử dụng ghế cao hoặc duy trì đường bay du lịch mùa cao điểm, còn lại tập trung bay quốc tế,” ông Cường bày tỏ quan điểm.

Từ đó, ông cho rằng, đường bay nội địa không tăng mà sẽ cắt giảm, trong khi đó tăng đường bay quốc tế, điều này có thể thay đổi bức tranh về vận tải hàng không của Việt Nam.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thứ 5 thế giới về lượt khách hàng năm trong giai đoạn 2015-2035, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,7%/năm, cao hơn mức 3,9%/năm của thế giới và 4,6%/năm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn hạ tầng sân bay đang diễn ra ở hầu hết các sân bay lớn, đặc biệt nghiêm trọng là sân bay Tân Sơn Nhất (trong khi sân bay Long Thành phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành), sân bay Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng… cũng đang dần quá tải.

 

Bị cạnh tranh gay gắt, Vietnam Airlines hạ chỉ tiêu kinh doanh

Trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa cạnh tranh gay gắt, Vietnam Airlines vừa hạ nhiều chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 so với kế hoạch ban đầu.

 

Hòa giải bất thành, tiếp viên khởi kiện Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines

Cho rằng Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines chèn ép lao động, bố trí công việc không đúng nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian dài..., một nam tiếp viên quyết định khởi kiện.

 

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp vì nữ hành khách bị vỡ túi ngực

Sáng 26/7, trên chuyến bay VN1262 từ TP HCM đi Vinh, một nữ hành khách đã bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ vì chênh lệch áp suất trên máy bay.