Thứ năm, 19/09/2019, 07:55 AM
  • Click để copy

Vietracimex đầy rẫy tai tiếng 'để đời', liên quan đến BOT Bắc Thăng Long

Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) không chỉ để lại các tai tiếng trong lĩnh vực bất động sản mà còn là chủ đầu tư của BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài từng bị tài xế phản đối. Thật bất ngờ khi với đầy rẫy tai tiếng như thế mà Vietracimex vẫn được Hà Nội tin tưởng giao cho thực hiện dự án nhà ở Sóc Sơn.

Tài xế tụ tập phản đối Vietracimex đặt sai vị trí trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. (Ảnh internet).
Tài xế tụ tập phản đối Vietracimex đặt sai vị trí trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. (Ảnh: IT).

Như đã phản ánh, ngày 9/9 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký Quyết định số 4983/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu nhà ở tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/500.

Điều khiến dư luận bất ngờ nhất đó là đơn vị được Hà Nội tin tưởng giao tổ chức lập quy hoạch cho dự án này lại là Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) - doanh nghiệp đang vướng vào những lùm xùm liên quan đến việc “bỏ hoang” siêu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Càng đáng nói hơn khi lật mở lại lý lịch của Vietracimex cho thấy doanh nghiệp này dính đầy rẫy những bê bối trong hàng loạt các dự án đã thực hiện mà không riêng gì siêu đô thị Kim Chung – Di Trạch như đã nêu ở trên.

Theo giới thiệu, Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.

Trải qua gần 60 năm hoạt động, Vietracimex đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành. Hiện tại Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm: Bất động sản, Sản xuất công nghiệp, Năng lượng và Thương mại dịch vụ.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty này là ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Tổng công ty.

Bê bối ở BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài

Từ cuối năm 2018 đến khoảng tháng 3/2019, dư luận từng ồn ào về vụ việc Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 tiến hành cho các nhân viên tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn Quốc lộ 2, tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Trước đó, từ ngày 18/12/2018, trạm BOT này bị cánh tài xế phản đối việc thu phí.

Nhiều tài xế cho rằng, việc xe “không đi đường tránh nhưng vẫn phải trả tiền” là một điều phi lý. Từ đó, hàng trăm lái xe nhiều lần tập trung phản đối việc thu phí của trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, yêu cầu cơ quan chức năng buộc chủ đầu tư dỡ trạm BOT này và chuyển về tuyến tránh TP Vĩnh Yên.

Đáng nói hơn, ít nhất 2 lần TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT dừng thu phí và di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về vị trí đường tránh TP Vĩnh Yên. Bởi đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - hình ảnh của đất nước.

Thế nhưng, mọi chuyện vẫn đâu vào đó khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: "Năm 2013, theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội di rời trạm BOT này tới vị trí khác, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, đề nghị ngân sách mua lại hoặc sáp nhập BOT này vào BOT Vĩnh Yên - Nội Bài. Song sau khi Chính phủ họp, xin ý kiến các Bộ ngành đã chỉ đạo Bộ GTVT vẫn tiếp tục thu phí.

Lý giải việc Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, Thứ trưởng Công cho biết, có 2 lý do, đó là: Bây giờ hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, nếu phá vỡ hợp đồng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, phá vỡ các quy định tại hợp đồng, nhà đầu tư sẽ kiện. Thứ hai, là tuyến đường đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài không còn là tuyến đường độc đạo. Giờ còn có tuyến đường từ Hà Nội lên Nội Bài theo hướng cầu Nhật Tân, không thu phí...

Theo hợp đồng được ký kết, Vietracimex 8 được đặt trạm BOT Bắc Thăng Long - Hà Nội và thu phí từ đầu năm 2011 để hoàn vốn cho dự án ở Vĩnh Phúc, thời gian thu phí là 16 năm 10 tháng 11 ngày.

Theo Giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 18/12/2017, Vietracimex 8 có vốn điều lệ 250 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập là CTCP Xây dựng và Phát triển Cơ sở hạ tầng 9 (1,8%), CTCP Đầu tư Xây dựng Việt Nhật (1,8%) và Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex - 96,4%). Hay nói cách khác, Vietracimex 8 là công ty con của Vietracimex - doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông Võ Nhật Thăng.

Thâu tóm 93,37% cổ phần hóa của tổng công ty

Theo tài liệu có được, vào năm 2016, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 111/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng trong việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng và trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại các đơn vị được thành lập từ việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng theo Quyết định số 217/2004/QĐ-TTg ngày 31/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông báo của Thanh tra Chính phủ.
Thông báo của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra chỉ rõ, Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan liên quan đã thực hiện không đúng yêu cầu của đề án trong việc chuyển tất cả các Công ty thành viên thành công ty con của Vietracimex; thiếu tránh nhiệm trong việc thực hiện đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, để người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietracimex (ông Võ Nhật Thăng) làm trái quy định, nghĩa vụ người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trái quy định trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường ngày 3/6/2006, chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ DNNN thành công ty cổ phần mà ông Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm tới 93,37% vốn điều lệ.

Trách nhiệm này được Thanh tra Chính phủ quy trách nhiệm cho lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, cán bộ cơ quan liên quan thời kỳ 2005 - 2006.

Dự án thủy điện liên tiếp xảy ra sự cố

Cuối năm 2014, báo chí đưa tin về sự cố thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng điện Long Hội làm chủ đầu tư - Công ty con của Vietracimex) bất ngờ bị sập đã khiến 12 công nhân bị mắc kẹt, tính mạng đe dọa. Sau hơn 80 giờ giải cứu, cuối cùng hơn 1.000 người đã cứu được 12 công nhân an toàn. 

Hầm thủy điện Đạ Dâng, nơi xảy ra vụ sập hầm khiến 12 công nhân mắc kẹt gần 4 ngày. (Ảnh: Dân Việt).
Hầm thủy điện Đạ Dâng, nơi xảy ra vụ sập hầm khiến 12 công nhân mắc kẹt gần 4 ngày. (Ảnh: Dân Việt).

Đến cuối năm 2017, nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, Hà Giang) cũng xảy ra sự cố xả nước hồ chứa làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 và khiến nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, thủy điện Bắc Mê do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex làm chủ đầu tư, khởi công tháng 11/2014, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý 1/2018.

Đáng nói, qua kiểm tra cho thấy: Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex chưa phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, điện lực,…

Bên cạnh đó, mặc dù chủ đầu tư chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực nhưng nhà máy thủy điện Bắc Mê đã phát điện thương mại 1 tổ máy từ ngày 14/9/2017 và đang vận hành truyền tải điện năng từ nhà máy vào lưới điện 220kV khu vực. Việc tích nước, xả nước hồ thủy điện Bắc Mê đã làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 (địa phận tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng).

Đường quốc lộ 34 bị sụt lún nghiêm trọng. (Ảnh: Dân Trí).
Đường quốc lộ 34 bị sụt lún nghiêm trọng. (Ảnh: Dân Trí). 

Theo báo Dân Trí, tại Thông báo số 360/TB-UBND ngày 7/12/2017 của UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện Bắc Mê, Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex vẫn còn một số tồn tại như: Công trình không có giấy phép xây dựng; đơn vị chưa thực hiện việc nghiệm thu và bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương theo quy định; công trình đường dây 220kV đã được vận hành nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế; chưa có hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án;…

KĐT Kim Chung - Di Trạch đắp chiếu hơn 10 năm

Trên lĩnh vực bất động sản dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch là điển hình tai tiếng của Viettracimex.

Dự án bất động sản Kim Chung - Di Trạch được phê duyệt từ năm 2007 và có mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng sau hơn 1 thập kỷ trôi qua nơi đây gần như vẫn là bãi đất hoang thả cỏ mọc khi hàng loạt các công trình dang dở, biệt thự xây lên nhưng không có người ở.

Với hàng loạt các bê bối như trên, dư luận thắc mắc rằng Hà Nội căn cứ vào đâu để tiếp tục tin tưởng giao cho doanh nghiệp này thực hiện dự án? Và có nên giao dự án cho doanh nghiệp có lý lịch đầy rẫy tai tiếng như Viettracimex?

Hình ảnh cọc sắt phơi mưa nắng tại khu đô thị nghìn tỷ Kim Chung - Di Trạch. (Ảnh: IT).
Hình ảnh cọc sắt phơi mưa nắng tại khu đô thị nghìn tỷ Kim Chung - Di Trạch. (Ảnh: IT).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thành- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Nếu năng lực của chủ đầu tư không đủ điều kiện để đảm bảo dự án đang làm mà lại triển khai thêm dự án khác thì điều đó bất khả thi.

Nhưng cũng có trường hợp, dự án cũ đang bế tắc, khi thực hiện dự án mới lại có những tác động tích cực. Chủ đầu tư có thể tập trung vào dự án mới để khai thác lợi thế, hỗ trợ cho dự án cũ và giải pháp đó phải được đánh giá một cách chặt chẽ và đảm bảo sự liên kết giữa hai dự án. Nếu như không có sự liên kết sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tiến độ phát triển chung của đô thị”.

 

Trụ sở Alibaba sáng điện cả đêm, Nguyễn Thái Luyện bị áp giải lên xe cảnh sát

Quá nữa đêm vẫn còn cả trăm cảnh sát được vũ trang và huy động cho công tác khám xét tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba. Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT bị áp giải lên xe cảnh sát.

 

Trường St.Nicholas bị 'tuýt còi' vì xây dựng không đúng giấy phép

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết việc hình thành trường St. Nicholas là không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và giấy phép xây dựng được cấp.

 

Công an TP HCM chưa xác nhận bắt Nguyễn Thái Luyện

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989), Tổng giám đốc Công ty Alibaba về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, cơ quan này chưa xác nhận bắt Chủ tịch Nguyễn Thái Luyện.