Vinamilk, TH True MIlk tham gia đấu thầu sữa học đường Hà Nội

Thứ tư, 17/10/2018, 15:41 PM

Ngoài Vinamilk, TH True MILK một doanh nghiệp khác khá xa lạ là Công ty Thịnh Anh tham gia đấu thầu Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

Sua-Hoc-Duong
Ngoài Vinamilk, TH True MILK một doanh nghiệp khác khá xa lạ là Công ty Thịnh Anh tham gia đấu thầu Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Ảnh minh họa

Ngày 10/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mở thầu Chương trình Sữa học đường. Theo đó, có 3 đơn vị chính thức tham gia đấu thầu là Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk Food), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty TNHH Thịnh Anh.

Trong 3 đơn vị tham gia đấu thầu, ngoại trừ Thịnh Anh là cái tên khá xa lạ với thị trường sữa, Vinamilk và TH Milk Food là 2 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sữa hàng đầu Việt Nam.

TH Milk Food là một công ty con của Tập đoàn TH, được thành lập vào tháng 2/2009. TH Milk Food phát triển trang trại bò sữa và cung cấp nguyên liệu, hiện có vốn điều lệ là 3.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2016, doanh thu của TH Milk Food năm 2016 đạt 2.704 tỷ đồng, tăng 1,12% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 203 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2015.

Vinamilk có vốn điều lệ 14.514 tỷ đồng. Doanh nghiệp có hệ thống 10 trang trại tại Việt Nam và tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) đạt hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày.

Tính đến hết năm 2017, Vinamilk nắm giữ hơn 50% thị phần sữa nước, hơn 80% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần trong ngành hàng sữa bột tại Việt Nam. Doanh thu của Vinamilk năm 2017 đạt 51.041 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 10.287 tỷ đồng.

Nhà thầu cuối cùng nộp hồ sơ tham dự gói thầu nói trên là Công ty TNHH Thịnh Anh. Công ty được thành lập vào tháng 5/1999 và hiện có vốn điều lệ 5 tỷ đồng.

vinamilk-th-true-milk-tham-gia-dau-thau-sua-hoc-duong-ha-noi
Vinamilk, TH True MIlk tham gia đấu thầu sữa học đường Hà Nội. Ảnh minh họa

Theo quy định hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định chấm bởi một đơn vị tư vấn độc lập. Sau khi đóng thầu khoảng từ 20 đến 30 ngày, Hà Nội sẽ công bố đơn vị trúng thầu. Khi có thông tin chính thức về đơn vị trúng thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố rộng rãi để học sinh, phụ huynh biết.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã bàn giao cho đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, sau đó sẽ báo cáo cho chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn độc lập này do Sở thuê ngoài.

Trước đó, ngày 5/7/2018, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 6 Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020. Đề án có thời gian thực hiện từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020.

Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học, mỗi lần uống 1 hộp 180ml. Sẽ có khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học được hưởng thụ.

Đề án đặt ra mục tiêu, tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đạt trên 40% và đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, canxi và vitamin D. Và sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học xuống dưới 5,5%. Đồng thời, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%.

Học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, diện chính sách được uống sữa miễn phí. Ngân sách thành phỗ hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Mức giá 1 hộp sữa dự kiến là 6.800 đồng/1 hộp.

Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học 2018- 2019 vừa tổ chức, nhiều phụ huynh các trường tiểu học tại Hà Nội đều có chung phản ánh, sau khi giới thiệu cho phụ huynh về chương trình sữa học đường nói trên, Ban Giám hiệu của các trường đều bày tỏ mong muốn các phụ huynh ủng hộ cho chủ trương của ngành Giáo dục, của nhà trường.

Vậy đề án là tự nguyện hay không tự nguyện? Đây là câu hỏi chung của tất cả các bậc phụ huynh có con em đang trong độ tuổi tham gia vào chương trình sữa học đường trên địa bàn TP Hà Nội. Nhiều bậc phụ huynh còn tỏ ra khá lo lắng khi thiếu thông tin về chương trình sữa học đường và về hãng sữa cũng như chất lượng của loại sữa sẽ được triển khai trong chương trình liệu có đảm bảo hay không.

 

Sữa học đường Hà Nội có gì khác biệt với sữa trên thị trường?

Nhiều phụ huynh vẫn lo lắng đặc biệt về chất lượng sữa trong chương trình Sữa học đường Hà Nội liệu có đủ vi chất, dinh dưỡng như quảng cáo, cam kết.

 

Sữa học đường Hà Nội: TH true Milk ‘so găng’ Vinamilk?

Liên quan đến đề án Sữa học đường, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chưa chọn hãng sữa. Tuy nhiên theo đánh giá câu chuyện đấu thầu Sữa học đường tại Hà Nội dường như chỉ là chuyện của hai "ông lớn" TH true Milk và Vinamilk.

 

Những vụ ngộ độc sữa trong trường học khiến phụ huynh e ngại chương trình Sữa học đường

Lo lắng của phụ huynh về chất lượng sữa trong chương trình Sữa học đường sắp được Hà Nội triển khai là hoàn toàn có cơ sở khi trước đó nhiều vụ việc ngộ độc do uống sữa tại nhà trường.