Virus Corona vẫn sống sót khi bị đốt nóng đến 60 độ C

Thứ ba, 14/04/2020, 21:27 PM

Chủng virus Corona SARS_CoV_2 mới gây bệnh Covid-19 có thể sống sót khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao tới 60 độ C, thí nghiệm của một nhóm các nhà khoa học Pháp cho hay.

SARS_CoV_2 gây bệnh Covid-19 có thể sống sót trong 1 giờ bị làm nóng tới 60 độ C.

SARS_CoV_2 gây bệnh Covid-19 có thể sống sót trong 1 giờ bị làm nóng tới 60 độ C.

South China Morning Post ngày 14/4 đưa tin, giáo sư Remi Charrel và các đồng nghiệp tại Đại học Aix-Marseille ở miền Nam Pháp đã đốt nóng virus Corona SARS_CoV_2 gây bệnh Covid-19 đến 60 độ C (140 độ F) trong một giờ và thấy rằng một số mẫu không chỉ sống sót mà vẫn có thể nhân lên.

Các nhà khoa học đã phải tăng nhiệt độ đến mức gần như sôi để tiêu diệt hoàn toàn virus.

Kết quả nghiên cứu chưa nhận được phản biện khoa học và được chia sẻ trên nền tảng tài liệu y học bioRxiv.org ngày 11/4.

Theo đó, nhóm của ông Remi Charrel đã cấy virus Corona được lấy và phân lập từ một bệnh nhân ở Berlin, Đức, sau đó cấy vào tế bào thận của khỉ xanh châu Phi - một vật liệu chủ tiêu chuẩn cho các xét nghiệm hoạt động của virus.

Các tế bào được cho vào các ống nghiệm với hai loại môi trường khác nhau, một loại "sạch" và một loại "bẩn". Loại bẩn tức là có protein động vật để mô phỏng ô nhiễm sinh học trong các mẫu thực tế.

Sau khi bị đốt nóng tới 60 độ C, các chủng virus trong môi trường "sạch" đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.  Tuy nhiên, một số trong các mẫu "bẩn" vẫn sống sót.

Nghiên cứu nhận thấy quá trình xử lý bằng nhiệt độ cao đã làm giảm rõ rệt nguy cơ lây nhiễm, nhưng lượng virus còn sống sót vẫn đủ khả năng bắt đầu một vòng lây nhiễm mới.

Nghiên cứu này có ý nghĩa lớn với các nhân viên phòng thí nghiệm. Hiện tại, phương pháp khử trùng ở 60 độ C trong 1 tiếng đã được các phòng xét nghiệm áp dụng để xử lý mẫu bệnh phẩm chứa nhiều loại virus khác nhau, trong đó có chủng Ebola.

Tuy nhiên, đối với SARS_CoV_2, ông Remi Charrel và các cộng sự thấy rằng biện pháp này chỉ đảm bảo vô hiệu hóa được mẫu xét nghiệm có nồng độ virus thấp, các mẫu có nồng độ virus cực cao vẫn còn rủi ro lớn.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ cao hơn có thể giúp giải quyết vấn đề. Khi nâng nhiệt độ lên 92 độ C trong 15 phút thì virus bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, mức nhiệt quá cao có thể phá hủy mẫu bệnh phẩm và giảm độ nhạy của xét nghiệm.

Các nhà khoa học đề nghị cơ sở y tế dùng hóa chất để vô hiệu hóa virus thay vì phương pháp nhiệt độ, đồng thời khuyến nghị cần có biện pháp để cân bằng giữa sự an toàn của nhân viên phòng thí nghiệm và hiệu quả xét nghiệm.

Một nhà vi trùng học nghiên cứu chủng virus Corona mới tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết các cơ sở thí nghiệm của Trung Quốc đã nhận thức được rủi ro đối với nhân viên phòng thí nghiệm và có biện pháp phòng ngừa thêm.

Mọi nhân sự xử lý mẫu xét nghiệm cần mang độ bảo hộ toàn thân (hazmat), ngay cả khi virus đã được vô hiệu hóa.

Thí nghiệm trên của các nhà khoa học Pháp cung cấp thông tin có giá trị nhưng tình hình trong đời thực có thể phức tạp hơn nhiều so với mô phỏng phòng thí nghiệm.

Virus Corona này hoạt động hoàn toàn khác trong các môi trường khác nhau.

Có hy vọng rằng đại dịch ở Bắc Bán cầu sắp tới sẽ giảm bớt khi nhiệt độ tăng. Một số nghiên cứu cho rằng các nước nhiệt đới có ít ca nhiễm hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể do các yếu tố khác, như sức mạnh của các nỗ lực giảm thiểu của chính phủ và khả năng xét nghiệm. Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện một tín hiệu đáng báo động rằng Covid-19 có thể tiếp tục lan rộng suốt mùa hè.

Bài liên quan