Võ sư đánh vợ: Không chỉ là bản chất vũ phu mà còn trái tinh thần võ học

Thứ tư, 28/08/2019, 08:17 AM

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, việc võ sư đánh đập người vợ bồng con 2 tháng tuổi mới sinh... không chỉ thể hiện bản chất vũ phu của người chồng mà còn thể hiện sự vô đạo đức, ác nghiệt với cả con cái, trái với tinh thần võ học.

Võ sư đánh vợHình Anh võ sư Nguyễn Xuân Vinh đánh đập vợ khi đang bồng con nhỏ 2 tháng tuổi khiến dư luận lên án. (Ảnh: Cắt từ clip).

Võ sư đánh vợ là vô đạo đức

Tin tức về vụ việc nam võ sư đánh đập vợ khi bồng con 2 tháng tuổi xảy ra tại căn chung cư trên địa bàn phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận.

Được biết, nạn nhân trong vụ việc là chị Vũ Thu L. (SN 1992) còn người chồng vũ phu đánh đập vợ là võ sư tên Nguyễn Xuân Vinh.

Nguyên nhân việc võ sư đánh đập vợ khi bồng con 2 tháng tuổi trên tay được tiết lộ là chỉ vì người vợ muốn di chuyển chiếc ti vi ra khu vực khác để đứa con lớn xem... Hiện cơ quan Công an đang vào cuộc làm rõ vụ việc này.

Ngay khi clip đăng tải trên các trang mạng xã hội, dư luận đã dậy sóng phê phán hành động vũ phu của vị võ sư đối với vợ mình. Đồng thời, nhiều người lên án hành vi bạo lực với phụ nữ trong gia đình Việt ngày nay. Nhất là khi trước đó cũng từng có những clip ghi lại cảnh chồng đánh đập vợ ngay trước mặt con nhỏ.

Trao đổi với PV sau khi xem đoạn clip, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng: Bạo lực trong gia đình vốn là vấn nạn từ nhiều năm của xã hội Việt Nam. Thậm chí ngay cả bây giờ khi thời đại công nghệ phát triển, văn hóa tiên tiến nhưng trong nhiều gia đình vẫn tồn tại thói trọng nam khinh nữ để rồi dẫn đến việc bạo lực, bạo hành trong gia đình.

Về những tiêu cực vụ việc này mang lại, vị chuyên gia cho rằng: Việc một người chồng nhẫn tâm ra tay đánh đấm người vợ đầu gối tay ấp của mình đã là chuyện không thể chấp nhận nổi bởi nó thể hiện sự bất bình đẳng, ấu trĩ, thói vô đạo đức.

"Đây huống hồ lại là một võ sư thì anh ta lại càng đáng khinh bởi một người học võ bao giờ cũng phải hiểu là dùng võ để đứng về phía kẻ yếu, không bắt nạt kẻ yếu... Đây lại là người vợ mới sinh cho anh ta đứa con được 2 tháng. Trên tay cô ấy còn bế con. Thế không may đánh đập vào người con thì sao?... Tất cả thể hiện rằng anh ta không xứng đáng là một người học võ, càng không đáng mặt làm đàn ông", vị chuyên gia chia sẻ.

Hình ảnh võ sư đánh vợ trước mặt con nhỏ và người giúp việc. (Ảnh: Cắt từ clip).
Hình ảnh võ sư đánh vợ trước mặt con nhỏ và người giúp việc. (Ảnh: Cắt từ clip).

Cũng theo phán đoán của bà Túy, chắc chắn hành vi đánh đập vợ của anh ta không phải lần đầu tiên mà đã diễn ra từ rất lâu. "Thế nên chỉ vì vợ muốn di chuyển cái ti vi anh ta cũng ra tay đánh đập", vị chuyên gia bày tỏ và cho rằng dù vợ mình có thế nào đi nữa nhưng là đàn ông, nhất là người học võ người chồng càng không nên có hành vi đánh đập vợ mình.

Phân tích tiếp về hành vi vũ phu trên, bà Túy cho biết: Người phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ tâm hồn rất nhạy cảm. Có thể chỉ vì một lời nói là họ bị trầm cảm dẫn đến việc mất sữa, sang chấn tâm lý... Huống hồ đây đánh đập như thể kẻ thù.

"Tôi không rõ anh ta là võ sư gì, làm công tác gì ngoài xã hội nhưng ngay cả cái hiểu biết đơn giản, hành vi ứng xử với người đầu ấp tay gối với mình mà còn thế thì không biết anh ta ứng xử thế nào ngoài xã hội? Anh ta dạy võ được cho ai?", Bà Túy chia sẻ thêm.

Đánh vợ trước mặt con trẻ ảnh hưởng vô cùng

Một điểm đáng chú ý được chuyên gia Lê Thị Túy lưu tâm đó là ảnh hưởng của những đứa trẻ trước việc bố mẹ chúng không hạnh phúc. Nhất là việc các cháu phải chứng kiếm cảnh bố đánh đập mẹ trước mặt mình.

"Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bố mẹ ly hôn, sống không hạnh phúc, đánh đập chửi bới nhau, ngoại tình... thường chúng rất bị ảnh hưởng tâm sinh lý.

Hình ảnh đứa trẻ chứng kiến bố đánh đập mẹ được chia sẻ trên mạng hôm 20/8. (Ảnh: Chụp màn hình).
Hình ảnh đứa trẻ chứng kiến bố đánh đập mẹ được chia sẻ trên mạng hôm 20/8. (Ảnh: Chụp màn hình).

Bố mẹ là những bài học đầu đời và thiết thực nhất cho con trẻ vì thế hãy ứng xử văn minh trước mặt con nếu muốn điều tốt cho con mình. Ngược lại nó sẽ ảnh hưởng tâm lý và học thói xấu cũng ngay từ bố mẹ.

Có nhiều đứa trẻ phải đi điều trị tâm lý khi chúng không thể cân bằng lại sau khi chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Trẻ thấy cuộc sống gia đình không có sự ổn định, không có được sự vui vẻ, hạnh phúc.

Điều đó sẽ tạo ra sự nghi ngờ nhất định của trẻ đối với bố mẹ. Khi nghi ngờ như vậy sẽ biến đổi tâm sinh lý của trẻ, có thể từ một đứa trẻ rất tự tin biến thành đứa trẻ thiếu tự tin và ngại giao tiếp với mọi người", chuyên gia Lê Thị Túy phân tích thêm.

Cũng theo bà Túy, trong những vụ việc như thế này, vai trò của các cơ quan như Hội liên hiệp phụ nữ, cơ quan bảo vệ phụ nữ trẻ em cần khẩn trương vào cuộc, thể hiện vai trò để có những chia sẻ cũng như tìm ra giải pháp tốt nhất cho người phụ nữ và những đứa trẻ.

Thậm chí, bà cho rằng pháp luật cần phải xử lý nghiêm những người chồng vũ phu như đoạn clip để các hành vi nói trên không lặp lại trong xã hội văn minh.

Võ sư dùng sức mạnh đánh vợ là đi ngược tinh thần võ đạo

Chia sẻ với báo giới về việc võ sư đánh vợ khi bồng con nhỏ, võ sư Đoàn Bảo Châu cho rằng, vụ việc cụ thể cần phải xem xét từ hai phía. Tuy nhiên, dù sao hành động của võ sư Nguyễn Xuân Vinh là không nên.

“Nói chung, phụ nữ chân yếu tay mềm, mà mình lại là người học võ dùng sức mạnh để đánh họ thì đó là không công bằng, đáng lên án”, võ sư Đoàn Bảo Châu nói.

Theo võ sư Châu, người học võ luôn luôn được thấm nhuần tư tưởng võ sỹ đạo, tinh thần thượng võ, học võ là để rèn luyện cho mình về tinh thần và thể chất, khi mình mạnh mẽ lên thì có nghĩa vụ bảo vệ những người yếu hơn mình trong xã hội.

“Những người nóng tính thường có những hành động rất đáng tiếc, thiếu suy nghĩ và trong cuộc sống sẽ gặp những thiệt thòi. Mà chính họ là người bị thiệt thòi trước, song đến những người xung quanh bị thiệt thòi như: vợ, con... Không phải là dân võ, mà gia đình nào cũng vậy thôi”, võ sư Đoàn Bảo Châu tâm sự.

 

Làng nghề đồ chơi truyền thống tất bật mùa Trung thu

Cuối tháng 7 âm lịch, tại làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), nhiều hộ gia đình đang tất bật sản xuất hàng loạt trống, mặt nạ giấy bồi, đầu lân... để kịp cung cấp cho thị trường Tết Trung thu.

 

Thừa Thiên Huế có bao nhiêu người sử dụng trái phép chất ma túy?

Qua rà soát, cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế phát hiện có 1.445 người sử dụng và nghi sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó, có 775 người sử dụng, 670 người nghi sử dụng.

 

Tin bão mới nhất ngày 28/8: Vào Biển Đông, thành bão số 4 và tiếp tục mạnh thêm

Tin bão mới nhất ngày 28/8 cho biết: sáng sớm nay, cơn bão Podul sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2019.