Với Trung Quốc, thịt lợn quan trọng hơn thương chiến?

Thứ bảy, 14/09/2019, 10:17 AM

Một hệ quả rất rõ của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là đẩy giá cả trong nước tăng cao. Đối với nhu yếu phẩm như thịt lợn, đây là cú hồi mã thương có thể làm đau cả nền kinh tế trị giá 12 nghìn tỷ USD.

heo1.jpg
Nguồn cung thịt lợn Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng vì dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Reuters

CNN cho hay, it nhất 4 thành phố hoặc tỉnh là nơi sinh sống của khoảng 130 triệu người đã bắt đầu đưa thịt lợn đông lạnh trong kho dự trữ ra thị trường nhằm ổn định giá cả và tăng nguồn cung.

Trung Quốc là đất nước tiêu thu nhiều thịt lợn nhất thế giới, gần 50% tổng tiêu thụ toàn cầu. Citigroup ước tính thịt lợn chiếm tới 75,4% tổng lượng thịt được tiêu thụ tại Trung Quốc. Nó là thực phẩm chính phổ biến trong hầu hết hộ gia đình Trung Quốc.

Nguồn cung thịt lợn ổn định rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị kỉ niệm 70 năm ngày quốc khánh.

Các chuyên gia cho biết việc nhiều thành phố Trung Quốc phải dùng kho dự trữ thịt lợn là ví dụ mới nhất cho thấy Trung Quốc đang cố gắng đối phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, có thể động thái này vẫn chưa đủ để giải quyết vấn dề.

Thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới đã bị tàn phá bởi sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi. Hơn 100 triệu con lợn đã chết vì dịch bệnh này vào năm ngoái. Hơn nữa, số lượng lợn được nuôi cũng giảm vì người nông dân không muốn nuôi khi đang có dịch. Nguồn cung thịt lợn giảm đã khiến giá thịt lợn tăng gần 50% trong năm ngoái.

Kho dự trữ thịt lợn chiến lược của Trung Quốc được thành lập vào những năm 1970 như một cách để đối phó với các trường hợp khẩn cấp và ổn định giá cả khi cần thiết. Ngoài thịt được giữ trong kho lạnh, chính phủ Trung Quốc cũng giữ một kho dự trữ lợn sống, sẽ phát hành cho nông dân trong thời gian thiếu.

“Thịt lợn có ý nghĩa quan trọng cả về phương diện lạm phát và ổn định xã hội tại Trung Quốc, do đó chính phủ phải can thiệp”, các chuyên gia Citigroup đánh giá.

Trên khắp Trung Quốc, giá thịt lợn đã tăng gấp đôi kể từ tháng 7, đạt mức cao kỷ lục, từ 30 nhân dân tệ tới 33 nhân dân tệ mỗi kg, vượt qua dự đoán của các nhà phân tích. Lần cuối cùng giá thịt lợn đạt mức tương tự, vào tháng 6 năm 2016, chúng đã đạt đỉnh 31,56 nhân dân tệ mỗi kg, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn.

Không chỉ thịt lợn, giá cả nhiều mặt hàng tại Trung Quốc cũng đang leo thang. CNBC cho biết trong tháng 8, giá thịt bò, cừu và gà tăng 11,6-12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trái cây tăng tới 24% sau khi đã vọt lên 39% hồi tháng 7.

Trong ngắn hạn, nguồn cung thấp hơn - bị làm trầm trọng thêm bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ - sẽ có nghĩa là giá sẽ cao hơn. “Trước tình hình này, giá sẽ tiếp tục tăng và đồng thời, mức tiêu thụ sẽ giảm”, ông Chenjun Pan, nhà phân tích cao cấp về protein động vật tại Rabobank nói.

Thương chiến làm tổn hại ngành chăn nuôi gia súc Trung Quốc

thitlon-4820-1568348491.jpg
Hình ảnh hài hước về tình trạng khan hiếm thịt lợn tại chợ Lập Tử Lục, một chợ bán thịt lợn bình ổn giá ở thành phố Nam Ninh. Ảnh: Nhật báo kinh doanh Thành Đô.

Quan chức Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc gần đây có tuyên bố trấn an người dân về ảnh hưởng của cuộc thương chiến lên thịt lợn. Theo đó, ông Xin Guochang đến từ bộ này tuyên bố: "Nhập khẩu thịt lợn của Mỹ chiếm chưa tới 0,2% sản lượng thịt của Trung Quốc, do đó, tranh chấp thương mại với Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn và giá thịt lợn ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi tiến hành biện pháp trả đũa Mỹ là tăng thuế áp lên hàng nhập khẩu đến từ quốc gia này, Trung Quốc đã tạo ra một cú hồi mã thương vào chính nền kinh tế của mình. Đòn đánh ngay lập tức tác động đến ngành chăn nuôi - ngành nhạy cảm nhất quốc gia đông dân nhất thế giới. Thuế tăng cùng thắt chặt chi tiêu đã đẩy giá tiêu dùng trong nước cao lên. Thịt lợn là nhu yếu phẩm, cũng sẽ là sản phẩm chăn nuôi chịu tác động lớn nhất của việc tăng thuế, bất chấp hàng nhập khẩu ngành này nhiều hay ít. 

Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ nhân dân tệ tiền trợ cấp cho người tiêu dùng để giảm bớt gánh nặng giá cả cho người tiêu dùng kể từ tháng Tư. Đồng thời, Bắc Kinh thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khác như mở kho dự trữ thịt đông lạnh, xuất 16 triệu tấn thịt lợn, bán rẻ hơn thị trường 10% để nhằm ổn định giá cả. Họ cũng đã lên kế hoạch tăng số lượng lợn trong thành phố lên 400.000 con vào cuối năm nay và đến năm 2025 thành lập bốn cơ sở chăn nuôi lợn, với mục tiêu sản xuất 450.000 con lợn mỗi năm.

Mỹ tặng quà Trung quốc nhân dịp quốc khánh, Trung Quốc "lại quả"

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 11/9 rằng Mỹ đồng ý đề nghị của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về việc hoãn tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc sang ngày 15/10 để tránh gia tăng căng thẳng cho ngày quốc khánh của Trung Quốc, Reuters đưa tin.

"Chúng tôi đã đồng ý, như một cử chỉ thiện chí, chuyển ngày tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD (từ 25% lên 30%), từ ngày 1/10 sang ngày 15/10”, ông Trump viết trên Twitter.

Ông nói rằng đó là sự chấp nhận lời đề nghị của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và do thực tế là Trung Hoa sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh (1/10).

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng bất ngờ cho ngừng đánh thuế 10% đối với một số mặt hàng nông sản. Bắc Kinh trong tuần này đã thông báo sẽ mua lại nông sản của Mỹ như thịt lợn và đậu nành, mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp có giá trị nhất của Mỹ. 

Các nhà nhập khẩu tư nhân Trung Quốc mua hơn 600.000 tấn đậu nành, giao dịch lớn nhất trong hơn một năm qua, dự kiến sẽ được vận chuyển từ các cảng xuất khẩu Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ từ tháng 10 đến tháng 12.

Mua sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn là điều kiện chính của Mỹ cho một thỏa thuận thương mại, nhưng hai bên vẫn xa cách trong những vấn đề khác.

Những giao dịch này là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể hạ nhiệt sau khi giảm xuống mức thấp vào tháng trước khi Trung Quốc ngừng mua nông sản của Mỹ để đối phó với mối đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Sẽ nhượng bộ?

Nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics (Singapore) dự báo chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc sẽ vượt qua mức 4% vào năm 2020, cao hơn mục tiêu 3% do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đặt ra. 

Forbes dẫn lời nhà kinh tế Daniel Ahn thuộc BNP Paribas (New York, Mỹ) dự báo GDP Trung Quốc sẽ chỉ đạt 5,9% trong năm 2019 và 5,6% năm 2020. Nomura và Barclays thậm chí còn bi quan hơn khi cho rằng tăng trưởng Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 5-5,5% trong năm 2020.

Giới quan sát cho biết với việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng và quyết định cho phép các chính quyền địa phương vay tiền để đầu tư vào hạ tầng, Bắc Kinh quyết định tạm hoãn chiến dịch giảm nợ để bảo vệ nền kinh tế.

Nhưng với nước cờ này, Trung Quốc phải chấp nhận rủi ro bom nợ 34.000 tỷ USD tiếp tục phình to. Bắc Kinh đang mắc kẹt trong thế lưỡng nan, khi bị cả "thiên nga đen" (nguy cơ kinh tế suy giảm) và "tê giác xám" (nợ phình to) vây hãm. 

Do đó, áp lực “nhượng bộ” càng đè nặng lên chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, theo giáo sư Xiangfeng Yang thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế (Bắc Kinh, Trung Quốc), dù Trung Quốc có thực sự nhượng bộ và hai bên tiếp tục đàm phán, hiện tượng kinh tế Mỹ và Trung Quốc “phân ly” trên thực tế vẫn đang xảy ra.

“Bất kỳ một thỏa thuận nào cũng chỉ là thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, và chiến tranh kinh tế sẽ kéo dài. Kể cả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không tái đắc cử năm 2020, căng thẳng cũng sẽ không hạ nhiệt”, giáo sư Yang dự báo. Nhà kinh tế Ahn cũng đưa ra quan điểm tương tự.

 

Trung Quốc bắt đầu phải ăn vào kho dự trữ thịt lợn khẩn cấp

CNN ngày 12/9 cho hay, cuộc khủng hoảng thịt lợn của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ đến mức một số thành phố đã bắt đầu phải dùng đến nguồn dự trữ thịt lợn đông lạnh chiến lược quý giá.

 

Ngoại trưởng Malaysia gọi đồng cấp Trung Quốc là 'anh em', đồng ý đối thoại song phương về Biển Đông

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah gọi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị là “người anh em của tôi” và đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại chung với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.