Vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc: Nguy cơ doanh nghiệp Việt bị ‘thôn tính’

Chủ nhật, 09/06/2019, 16:50 PM

Các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam (M&A) dẫn tới nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm.

von-dau-tu-fdi-tu-trung-quoc-nguy-co-doanh-nghiep-viet-bi-thon-tinh
Các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam (M&A) dẫn tới nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm. Ảnh minh họa

Vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam

Trong 5 tháng đầu năm 2019, trong tổng số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỉ USD. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục đầu tư hơn 2 tỉ USD, còn các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) cũng rót gần 575 triệu USD.

Tính chung lại, lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan) trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 7,6 tỉ USD. Đáng chú ý, trong 7 dự án lớn có tới 5 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2017 đến hết tháng 5/2019, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sang Việt Nam khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng lên so với các năm trước.

Thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chương (TP HCM) nêu quan ngại về sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Theo đại biểu TP HCM, Việt Nam đón đầu tư nước ngoài phải chọn lọc chứ không phải "nhắm mắt tiếp nhận". "Chúng ta cần đề phòng họ đưa những công nghệ đã lỗi thời vào", ông lưu ý. Theo ông, chính sách thu hút đầu tư cần xem lại để không ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp FDI, khiến các công ty trong nước khó cạnh tranh, không thể vươn lên.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhắc tới câu chuyện Standard & Poor's nâng xếp hạng tín dụng Việt Nam từ BB- lên BB, dẫn tới việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Từ năm 2018 đến 2019, làn sóng FDI đổ vào Việt Nam với sự dẫn đầu của Trung Quốc nhờ số lượng dự án đầu tư cao.

von-dau-tu-fdi-tu-trung-quoc-nguy-co-doanh-nghiep-viet-bi-thon-tinh
Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa được cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói: "Vấn đề đặt ra là chúng ta kiểm soát đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như thế nào cho đảm bảo. Chúng ta phải làm sao để chọn lọc nhà đầu tư có công nghệ tốt, đảm bảo yếu tố môi trường, tránh những sự việc tương tự như Formosa Hà Tĩnh. Chúng ta phải lập hàng rào kỹ thuật như thế nào để ngăn ngừa, kiểm tra những công nghệ lỗi thời, chọn lọc lấy những công nghệ tốt".

“Làm sao để bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước, không quá ưu đãi cho FDI, cần bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước. Đó cũng là vấn đề phải tính toán”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc có thể dẫn tới sự dịch chuyển của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Đồng thời do có sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực về hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Sự gia tăng đầu tư của các nhà đầu từ Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc kiểm soát khó khăn.

Đặc biệt, các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập DN Việt Nam (M&A) dẫn tới nguy cơ nhiều DN Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính, thông qua hoạt động mua bán cổ phần...

Để xử lý hiệu quả yêu cầu hạn chế, ngăn chặn dòng vốn FDI chất lượng thấp từ Trung Quốc, Bộ KH&ĐT cho rằng cần khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết thông qua công tác quy hoạch, nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tài nguyên, tiêu chuẩn công nghệ, quy chuẩn, quy cách sản phẩm.

Xuất khẩu sang Mỹ tăng nhưng nhập siêu từ Trung Quốc

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường khó tính như Mỹ tăng mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%.

Tiếp đến là thị trường EU đạt 17,3 tỷ USD, tăng 1,9%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,1%; giày dép tăng 7,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 3,2%. Trung Quốc đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%, trong đó thủy sản giảm 11,8%; điện thoại và linh kiện giảm 56,6%; gạo giảm 78,7%.

Thị trường ASEAN đạt 10,6 tỷ USD, tăng 5,2%, trong đó hàng dệt may tăng 31,6%; sắt thép tăng 19,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,8%. Hàn Quốc đạt 7,9 tỷ USD, tăng 8,9%, trong đó hàng dệt may tăng 16,3%; điện thoại và linh kiện tăng 9,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 7,7%. Nhật Bản đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32,7%; giày dép tăng 16,8%; hàng hệt may tăng 6,5%.

von-dau-tu-fdi-tu-trung-quoc-nguy-co-doanh-nghiep-viet-bi-thon-tinh

Tuy nhiên về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc. Giá trị mặt hàng Việt Nam nhập khẩu 5 tháng đầu năm từ Trung Quốc là 29,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 82,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27,8%; vải tăng 12,7%.

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 19,2 tỷ USD, tăng 1,1%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 11,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 11%. Thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 601,4%; sắt thép tăng 339,6%.

Nhật Bản đạt 7,4 tỷ USD, tăng 0,5%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 380,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,8%; vải tăng 6,8%. Hoa Kỳ đạt 5,8 tỷ USD, tăng 23,6%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 44,3%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 31,1%, bông tăng 17,3%....

Như vậy từ số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy trong 5 tháng đầu năm, trong khi lượng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ tăng mạnh trong đó linh kiện điện tử tăng mạnh nhất. Đồng thời, lượng hàng hóa nhập siêu từ Trung Quốc cũng tăng và cũng tăng chủ yếu linh kiện điện tử.

 

Núp bóng người Việt, người Trung Quốc thâu tóm 'đất đẹp' tại Việt Nam

Có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt thâu tóm các vị trí đất đẹp ở Việt Nam.

 

Tin kinh tế 24h ngày 3/6: Không tăng giá dịch vụ công dồn dập, Trung Quốc ngắm FedEx để ‘trả đũa’ Mỹ…

Tin kinh tế 24h ngày 3/6, Thủ tướng nêu rõ, không được tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, lo ngại xuất khẩu vải sang Trung Quốc, Trung Quốc ngắm FedEx để ‘trả đũa’ Mỹ là thông tin nổi bật kinh tế 24h qua.

 

Tin kinh tế 24h ngày 2/6: Xăng giảm, heo hơi giảm kỉ lục, Trung Quốc ‘tăng thuế’ trả đũa Mỹ

Tin kinh tế 24h ngày 2/6, kênh thông tin tổng hợp kinh tế Việt Nam, đầu tư tài chính, thị trường, doanh nghiệp, giao thương mới nhất trong 24h qua.