Vụ Asanzo: Đừng khởi tố... rồi ‘chìm nghỉm’ như Khaisilk

Thứ tư, 24/07/2019, 17:39 PM

Liên quan vụ việc nhập hàng Trung Quốc gắn mác Asanzo, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án "Buôn lậu" đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Sa Huỳnh.

vu-asanzo-dung-khoi-to-roi-chim-nghim-nhu-khaisilk
ông an xác định vụ công ty Sa Huỳnh nhập hàng Trung Quốc gắn mác Asanzo là có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế.

Ngày 24/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã khởi tố vụ án "Buôn lậu" đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Sa Huỳnh.

Hành vi vi phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sa Huỳnh do Cục Hải quan Thành phố phát hiện, điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố.

Trước đó, ngày 7/9/2018, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra container số hiệu FCIU8689004 chứa hàng hóa do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sa Huỳnh nhập từ Trung Quốc về cảng IDC Phước Long. Công ty này khai báo hải quan hàng hóa nhập khẩu là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh, tổng giá trị hàng hóa hơn 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc ghi nhãn hiệu Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản. Mặc dù hồ sơ hải quan thể hiện hàng hóa có xuất xứ (C/O) Trung Quốc, toàn bộ lò nướng trong container này hoàn toàn không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ.

Việc Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án "Buôn lậu" đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Sa Huỳnh khiến dư luận lại nhớ vụ Khaisilk.

vu-asanzo-dung-khoi-to-roi-chim-nghim-nhu-khaisilk
Vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc đội lốt hàng Việt gây bức xúc dư luận. Ảnh minh họa

Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Sức khỏe Cộng đồng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, đang tiến hành điều tra.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, vào cuối năm 2017, lực lượng quản lý thị trường, trực tiếp là Cục Quản lý thị trường lúc đó, đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khải Silk có việc giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khaisilk tức là “Made in Việt Nam”.

Sau đó quản lý thị trường đã lập biên bản, tiếp tục mở rộng việc kiểm tra, thành lập một tổ kiểm soát, kiểm tra liên ngành gồm nhiều bộ, ngành cơ quan, mở rộng ra trên phạm vi toàn quốc, kiểm tra trên toàn bộ hệ thống của Khải Silk.

Có thể thấy, có rất nhiều sản phẩm vi phạm tương tự, tức là giả mạo xuất xứ và chúng tôi đã ban hành các hồ sơ liên quan đến các hành vi vi phạm của Khải Silk.

“Ngày 30/10/2017, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã chuyển những hồ sơ này sang Công an TP Hà Nội. Theo chúng tôi biết thì Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, hiện nay đang thực hiện các bước điều tra theo đúng quy định hiện hành”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

vu-asanzo-dung-khoi-to-roi-chim-nghim-nhu-khaisilk
Về vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, đang tiến hành điều tra. Ảnh Hoàng Lực.

Nêu quan điểm của Chính phủ về vụ việc xử lý doanh nghiệp buôn bán hàng giả, hàng nhái như Khaisilk, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vấn đề hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái tạo ra thị trường không tốt, ảnh hưởng xấu người tiêu dùng. Đây những nhiệm vụ hết sức khó khăn, lâu dài.

Vụ Khaisilk lừa dối người tiêu dùng Việt Nam bán khăn lụa Trung Quốc đội lốt khăn lụa Việt Nam bắt đầu với việc ngày 17/10/2017, khi Công ty V. (Hà Nội) đặt mua 60 khăn lụa tơ tằm của Khaisilk tại cửa hàng 113 Hàng Gai (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), kích thước 50x50cm, giá 644.000 đồng/cái để làm quà tặng cho đối tác.

Đến ngày 23/10 ông Đặng Như Quỳnh thuộc Công ty V. chia sẻ vụ việc khăn lụa Khaisilk lên Facebook cá nhân, kèm hình ảnh sản phẩm và ngay lập tức thu hút quan tâm của cộng đồng dư luận.

Ngày 25/10, ông Hoàng Khải – ông chủ của Khaisilk đã thừa nhận bán khăn “made in China”.

vu-asanzo-dung-khoi-to-roi-chim-nghim-nhu-khaisilk
Ngày 25/10/2017, ông Hoàng Khải – ông chủ của Khaisilk đã thừa nhận bán khăn “made in China”.

Sau khi vụ việc xảy ra, ngày 26/10, Bộ Công thương chính thức yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan vụ việc trên, báo cáo về bộ trước ngày 28-10, và đề nghị hướng xử lý, nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái...

Ngày 11/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức, thành viên của Tập đoàn Khaisilk. Trong đó nêu rõ, Công ty Khải Đức chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Theo Bộ Công Thương, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).

Ngoài ra, Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn, có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác. Đồng thời, công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này....

Dù chỉ rõ sai phạm, vụ án được khởi tố điều tra nhưng gần 2 năm, Khaisilk bị xử lý ra sao? Ông chủ doanh nghiệp này là ông Hoàng Khải phải chịu trách nhiệm như thế nào vẫn là dấu hỏi chưa biết bao giờ có câu trả lời.

 

Liên quan đến Asanzo, 27 doanh nghiệp bị Tổng cục Hải quan kiểm tra

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, 27 doanh nghiệp liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa của Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sẽ bị kiểm tra xuất xứ linh kiện nhập khẩu.

 

Asanzo - Kẽ hở luật pháp, hưởng lợi lớn từ nhãn ‘Made In Việt Nam’

Tròn một tháng sau khi báo Tuổi Trẻ đăng, phát tuyến bài điều tra nghi vấn bán hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt của Asanzo. Từ nghi vấn Asanzo gian dối, có thể thấy doanh nghiệp đang hưởng lợi lớn từ việc dán nhãn "Made in Vietnam".

 

Gắn mác 'Made in Việt Nam', nếu Asanzo đúng vậy ai sai?

Chính việc thiếu những quy định về việc hàng hóa thế nào thì được coi là “sản xuất tại Việt Nam” dẫn đến tranh cãi về viêck Asanzo dán mác "Made in Việt Nam".