Vụ Asanzo nóng trở lại sau phát biểu của ông Phạm Văn Tam

Chủ nhật, 07/07/2019, 19:17 PM

Phản ứng bất ngờ của CEO Phạm Văn Tam khi Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh nhận đổi trả hàng Asanzo đang khiến nghi vấn Asanzo bán hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt nóng trở lại.

vu-asanzo-nong-tro-lai-sau-phat-bieu-cua-ong-pham-van-tam
Phản ứng bất ngờ của CEO Phạm Văn Tam khi Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh nhận đổi trả hàng Asanzo đang khiến nghi vấn Asanzo bán hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt nóng trở lại. Ảnh minh họa

Ông Phạm Văn Tam - CEO của Asanzo - vừa có thông báo gửi nhà phân phối và khách hàng, phản đối việc nhiều nhà bán lẻ trong nước như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim có chính sách thu hồi và đổi trả sản phẩm của Asanzo.

Thông tin được Tri Thức Trực Tuyến chia sẻ, trước động thái thu hồi và đổi trả các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo của nhiều nhà bán lẻ trong nước, ông Phạm Văn Tam đã có thông báo gửi các nhà phân phối và khách hàng.

Cụ thể, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam phản đối chính sách đổi trả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo từ người tiêu dùng hoặc các kênh phân phối tại các địa điểm kinh doanh, trung tâm thương mại.

"Chúng tôi không có chủ trương thu hồi mọi sản phẩm mang thương hiệu Asanzo và không đồng ý, cũng như chấp nhận các chính sách này của khách hàng và đối tác, vì tất cả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo đã và đang được đưa ra thị trường bởi chúng tôi”, CEO của Asanzo khẳng định.

Asanzo cũng cho biết sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến thiệt hại trong quá trình các đối tác tự ý thực hiện chính sách thu hồi và đổi trả sản phẩm mang thương hiệu của công ty này.

Trước đó, loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ cho hay, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.

Trước nghi vấn này, ông Phạm Văn Tam phủ nhận nghi vấn về việc thay đổi nơi sản xuất hàng hóa, ông Phạm Văn Tam khẳng định không lừa dối khách hàng và đang hợp tác với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề.

Theo ông Tam, những sản phẩm này được lắp ráp hoàn toàn ở Việt Nam và được tiêu thụ ở thị trường trong nước, không phải xuất khẩu.

"Chúng tôi hoàn thiện khâu đầu/cuối và kiểm định đảm bảo chất lượng. Vì thế, tôi khẳng định, sản phẩm của Asanzo là Made in Vietnam.

Quan điểm của Asanzo cho rằng, Asanzo sử dụng linh kiện để lắp ráp và gắn nhãn "Made in Vietnam" là không vi phạm pháp luật.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang xúc tiến xây dựng thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu pháp luật quy định hàng hóa lắp ráp tại Việt Nam không được ghi xuất xứ Việt Nam thì Asanzo chấp hành", ông Tam nói.

Liên quan đến nhóm hàng gia dụng vướng cáo buộc do công ty "ma" nhập hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam, ông Tam khẳng định, Asanzo đã ngưng lắp ráp thiết bị điện gia dụng từ nửa đầu năm 2018. Tập đoàn chuyển giao nhóm ngành hàng này cho công ty đối tác.

"Chính vì thế trên thị trường có hai dòng sản phẩm khác nhau về nơi sản xuất nhưng cùng logo Asanzo và modem.

Trong đó, một loại là Asanzo lắp ráp trước đây và dán nhãn hàng Việt Nam. Loại thứ hai do công ty đối tác nhập về, xuất xứ từ Trung Quốc", ông Tam thông tin.

Trước đó do liên quan đến lùm xùm nói trên, một số nhà bán lẻ trong nước đã có động thái ngừng bán các sản phẩm của Asanzo. Các nhà bán lẻ lớn như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim thậm chí còn có chính sách hỗ trợ đổi sản phẩm tivi Asanzo.

Trong diễn biến liên quan, ngày 22/6, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc Tập đoàn Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thì đơn vị này đã tiến hành “tước” danh hiệu HVNCLC của Tập đoàn Asanzo.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý Nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...

 

Asanzo bị xử thua kiện sở hữu trí tuệ

Nghi án bán hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt chưa sáng tỏ, thông tin Asanzo bị xử thua kiện sở hữu trí tuệ, phải bồi thường nguyên đơn 100 triệu đồng.

 

Asanzo đóng băng tài khoản, đại lý ngưng bán hàng sau nghi vấn xuất xứ sản phẩm

Ông Phạm Văn Tam lên tiếng khẳng định, Asanzo đang hợp tác với cơ quan chức năng, làm rõ thông tin về xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, vị CEO cũng nhắc đến thiệt hại của Asanzo thời gian qua.

 

Asanzo, Sunhouse và chuyện thương hiệu Việt với chuỗi giá trị từ Trung Quốc

Cơn bão truyền thông hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt diễn ra trong bối cảnh Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã được ký kết.