Vụ Asanzo: Vẫn chưa có báo cáo gửi Thủ tướng

Chủ nhật, 03/11/2019, 07:46 AM

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ chưa nhận được báo cáo của Bộ Tài chính về vụ Asanzo.

vu-asanzo-van-chua-co-bao-cao-gui-thu-tuong
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ chưa nhận được báo cáo của Bộ Tài chính về vụ Asanzo.

Thông tin trên VTC cho biết, ngày 1/11, trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ chưa nhận được báo cáo của Bộ Tài chính về vụ Asanzo.

Trước đó, săn phòng Chính phủ trước đó có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo nhập hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam bán ra thị trường.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin và báo cáo Thủ tướng.

Tại cuộc họp diễn ra ở Tổng cục Hải quan ngày 28/10 giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Asanzo, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết qua kiểm tra xác định Asanzo có 4 vi phạm gồm vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu (giả mạo nhãn hiệu), vi phạm liên quan đến cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”, vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa và có dấu hiệu trốn thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Asanzo xuất khẩu 661 chiếc tivi nhãn hiệu Asanzo các loại và các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa cho khách hàng tại Nhật Bản.

Quá trình kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường thấy tỷ lệ nguyên vật liệu trên chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1% - 2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.

“Như vậy, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa”, báo cáo của Tổng cục Hải quan nêu.

Theo quy định tại Nghị định trên, đối chiếu thực tế lắp ráp tại cơ sở sản xuất của công ty cho thấy việc lắp ráp thực hiện trên các bàn trải dài, công nhân lắp ráp các sản phẩm bằng tuốc nơ vít, không có dây chuyền, máy móc, thiết bị phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao.

Việc lắp ráp các bộ phận của sản phẩm thông qua các nhân công lao động thủ công để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị hàm lượng gia tăng không cao.

Cũng theo báo cáo, liên quan đến cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”, cơ quan hải quan xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.

Hầu hết sản phẩm nêu trên, Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.