Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ: Có thể xử phạt mức án 3 năm tù!

Thứ ba, 27/02/2018, 17:57 PM

Quá trình điều tra, các bảo mẫu khai nhận có đánh vào người, đạp vào bụng, dùng dao gõ vào đầu, dùng vá đánh vào bụng hoặc phạt bằng cách cho đội chồng ghế nhựa lên đầu.

vu-bao-mau-bao-hanh-tre-co-the-xu-phat-muc-an-3-nam-tu
Bị can Linh thừa nhận hành vi của mình.

Chiều 27/2, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 (TPHCM) cho biết cơ quan này đã hoàn tất kết luât điều tra chuyển qua Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Phạm Thị Mỹ Linh (sinh năm 1974, quê Lâm Đồng) và Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1994, quê Đồng Nai) về tội hành hạ người khác theo khoản 2 điều 140 Bộ Luật Hình sự 2015.

Theo kết luận, Phạm Thị Mỹ Linh là chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (địa chỉ tại phường Hiệp Thành, quận 12) được UBND phường Hiệp Thành cấp giấy phép hoạt động vào ngày 14/10/2016.

Cơ sở mầm non Mầm Xanh mỗi tháng trung bình nhận khoảng 30 trẻ chăm sóc. Sau ngày 26/11/2017, do số lượng trẻ đông nên bà Linh thuê thêm 2 bảo mẫu là Nguyễn Thị Đào và Phạm Như Huỳnh (sinh năm 1999, quê Cà Mau).

Các bảo mẫu Linh, Đào và Huỳnh trực tiếp tham gia quản lý, chăm sóc nhưng đã hành hạ các bé được gửi tại đây. Qua làm việc, các bảo mẫu Linh, Đào và Huỳnh thừa nhận hành vi đánh đập, hành hạ nhiều trẻ.

Quá trình điều tra, các bảo mẫu khai nhận có đánh vào người, đạp vào bụng, dùng dao gõ vào đầu, dùng vá đánh vào bụng hoặc phạt bằng cách cho đội chồng ghế nhựa lên đầu.

Sau khi sự việc được phát hiện, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 đã có công văn đề nghị Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM giải thích pháp y tâm thần về việc chậm phát triển tâm thần vận động của các bé có phải do bị bạo hành hay không. Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM đã trả lời rằng chưa có cơ sở khoa học và chứng cứ tại thời điểm đó để nói rằng sự chậm phát triển tâm thần vận động cho là liên quan đến sự hành hạ tại cơ sở Mầm non Mầm Xanh gây ra.

Để xác định nguyên nhân khác, cần phải có thời gian theo dõi tiến triển cũng như cần làm một số test tâm lý tại cơ sở chuyên khoa tâm thần dùng cho trẻ em.

Công an quận 12 kết luận: Bằng thủ đoạn sử dụng bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành giáo dục mầm non để xin cấp phép hoạt động cơ sở mầm non Mầm Xanh nhằm mục đích thu lợi nhưng Linh và Đào đã thiếu đạo đức giáo dục nên hành hạ các cháu trong sự quản lý của mình.

Trong một thời gian dài, Linh, Đào và người liên quan hành hạ rất nhiều cháu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

vu-bao-mau-bao-hanh-tre-co-the-xu-phat-muc-an-3-nam-tu
Cơ sở Mầm Xanh nơi xảy ra vụ việc bạo hành.

Về dân sự, gia đình các cháu bị hành hạ yêu cầu bồi thường hơn 800 triệu đồng. Đến nay, 2 bị can Linh và Đào cùng người liên quan là Phạm Như Huỳnh không có khả năng bồi thường nên TAND quận 12 sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về dân sự, gia đình các cháu bị hành hạ yêu cầu bồi thường hơn 800 triệu đồng. Đến nay, 2 bị can Linh và Đào cùng người liên quan là Phạm Như Huỳnh không có khả năng bồi thường nên TAND quận 12 sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với Phạm Như Huỳnh, xét tính chất và mức độ chưa đến mức xử lý hình sự, do vậy Công an quận 12 không đề nghị xử lý. Tuy nhiên, công an đã có thông báo gửi về địa phương để quản lý, giáo dục cô này.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Được quy định rõ tại điều 4 luật trẻ em năm 2016. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo luật sư Hưng, nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật hình sự 1999. Với tình tiết là phạm tội với trẻ em, mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo khoản 2 điều 110 Bộ luật hình sự.

Còn nếu hành vi đối xử tàn ác này mà gây thương tích cho người bị hành hạ, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự.

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) cho biết: “Từ những vụ việc bạo hành dư luận quan tâm thời gian qua ở tỉnh Đồng Nai, quận Thủ Đức, Gò Vấp (TPHCM)... cho thấy các vụ việc diễn ra ở nhà trẻ tự phát, không có giấy phép hoặc có cơ sở được cấp phép nhưng hoạt động rất tùy tiện”.

“Có cơ sở chúng tôi xuống kiểm tra thì người nuôi dạy trẻ không có hồ sơ nghiệp vụ về sư phạm mầm non, cơ sở vật chất không đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Là một phụ nữ, một người mẹ, tôi thấy cần có những biện pháp rất nghiêm khắc đối với những cơ sở giữ trẻ thiếu điều kiện sinh hoạt, thiếu vệ sinh và an toàn”, bà Nữ nói.

Theo bà Nữ, khi tiếp xúc để tìm hiểu nguyên do vì sao bạo hành trẻ, một số cô giải thích do nóng tính, công việc giữ trẻ thời gian từ sáng đến tối, trẻ có lúc tăng động nên xảy ra hành vi đánh trẻ. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm, trong đó đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Và các cô cần lưu ý đây là trẻ em.

Bà Nữ cũng khuyến cáo: “Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ, không thể giao hết trách nhiệm cho nhà trường. Khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, hành hạ, bị ngược đãi, nhà trường và phụ huynh cần bình tĩnh, thông báo đến cơ quan gần nhất”.