Vụ bắt Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm: 'Ăn không từ thứ gì'

Thứ năm, 23/04/2020, 09:30 AM

Việc Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 đồng phạm bị bắt vì nâng khống giá thiết bị y tế chống dịch Covid-19, khiến nhiều người phẫn nộ, đề cập đến việc tiêu cực này Chủ tịch Hà Nội từng nói "mang tiếng với cộng đồng quốc tế".

Bị can Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội. (Ảnh: Bộ Công an).

Bị can Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội. (Ảnh: Bộ Công an).

"Ăn" cả thiết bị phòng dịch

Tin tức về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt giam đối với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm và 6 đồng phạm trong vụ việc liên quan đến mua sắm thiết bị xét nghiệm dịch Covid-19, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc" toàn xã hội chung tay, có những tấm gương ông cụ, bà cụ không quản khó khăn đến góp từng cân gạo ủng hộ việc chống dịch hay việc các cháu nhỏ dành tiền mừng tuổi để mua khẩu trang ủng hộ chống dịch thì hành vi câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước của Nguyễn Nhật Cảm cùng cán bộ CDC và các đối tượng, khiến nhiều người lên án.

Như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu khi đề cập đến việc tiêu cực trong lĩnh vực này: "Nếu chúng ta để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân, mà còn có tội. Bản thân cán bộ, công chức, viên chức còn góp 1 ngày lương để ủng hộ cho mặt trận này, chúng ta được giao nhiện vụ này mà có biểu hiện, việc làm móc ngoặc, nâng khống giá lên để tham ô, tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với địa bàn TP, cả nước mà cả cộng đồng quốc tế”.

Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, suốt thời gian qua cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19 như “chống giặc”, những người chiến sĩ áo Blue là những người chiến sĩ xung kích trên tuyến đầu, toàn dân là một trận tuyến, đồng lòng, chung sức trong một trận chiến sống còn.

Tuy nhiên, vẫn có một số tổ chức, cá nhân đáng lên án bởi hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế như tại CDC Hà Nội.

“Hành vi trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế tại CDC Hà Nội là hành vi táng tận lương tâm, ăn không từ thứ gì. Trong khi ngân sách nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người dân đã thực hiện các hoạt động từ thiện, quyên góp, ủng hộ vào quỹ chống dịch và giúp đỡ người nghèo khó trong phòng dịch thì các đối tượng này lại lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng vị trí công tác để trục lợi trên nỗi lo sợ, trên nguồn ngân sách hạn hẹp, từ xương máu của nhân dân”, Luật sư Cường bày tỏ.

Đối diện hình phạt nặng

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.“Lợi dụng bệnh dịch để trục lợi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, các đối tượng này cần phải bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật”, Luật sư Cường cho biết.

Theo luật sư: Hiện các bị can đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 222 Bộ Luật hình sự 2015.

Theo đó, trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng đã thực hiện hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu hoặc chuyển nhượng thầu trái phép gây thiệt hại cho nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.

7 bị can trong vụ án nâng khống giá thiết bị phòng chống dịch Covid-19.

7 bị can trong vụ án nâng khống giá thiết bị phòng chống dịch Covid-19.

Trong trường hợp thiệt hại đến 1.000.000.000 đồng, các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

“Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích phải làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để có căn cứ xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò đồng phạm, đối tượng nào là chủ mưu cầm đầu, đối tượng nào là đối tượng thực hành (trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội), đối tượng nào với vai trò giúp sức, xúi giục để phân hóa vai trò đồng phạm, làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án và có hình phạt phù hợp đối với từng đối tượng”, Luật sư Cường cho biết.

Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng này ngoài việc thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ thì sẽ bị khởi tố thêm về tội danh này.

Bởi, trong các hoạt động có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ nhà nước trong việc làm sai công vụ thì rất có thể có hành vi có người thi hành công vụ đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người khác (người đưa tài sản).

Pháp luật quy định người nào đưa tiền, tài sản để yêu cầu cán bộ công chức nhà nước thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa tài sản thì đó là hành vi đưa hối lộ, còn người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản của người có yêu cầu này là người nhận hối lộ. Tội danh được quy định tại điều 354 và điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Cường cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài, diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế đất nước.

Việc huy động nguồn vốn cũng như sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước vào việc phòng chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được diễn ra, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, mua sắm thiết bị máy móc trong các cơ sở y tế sẽ tiếp tục được thực hiện.

Bởi vậy, việc phát hiện xử lý các hành vi trục lợi từ nguồn ngân sách phòng chống dịch bệnh như thế này là hết sức cần thiết.Theo các văn bản của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an và các chỉ đạo của Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây để thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh thì những vụ án như thế này có thể xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử nhanh, công khai, kịp thời để tuyên truyền cho hoạt động phòng chống dịch.

“Vụ án này được phát hiện, xét xử kịp thời, nghiêm minh sẽ là bài học để răn đe cho các đối tượng bất chấp đạo đức, táng tận lương tâm, ăn chặn tiền của nhà nước, bòn rút nguồn ngân sách chống dịch đang có gặp nhiều khó khăn trong thời điểm chống dịch hiện nay”, Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.

Bài liên quan