Vụ bé 2 tuổi bị bắt cóc: Giây phút đọc tin tìm được con trên facebook, người mẹ vỡ òa niềm vui

Chủ nhật, 23/08/2020, 05:08 AM

Mẹ cháu Gia Bảo mừng rỡ, không giấu nổi xúc động sau khi được đoàn tụ với con trai sau 1 ngày mất tích.

Bé Gia Bảo khi chưa bị bắt cóc.

Bé Gia Bảo khi chưa bị bắt cóc.

Đêm 22/8, Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ Nguyễn Thị Thu (SN 1988, Cao Bằng) và Đặng Văn Bằng (SN 1987, trú tại Tuyên Quang) vì nghi có liên quan đến vụ bắt cóc bé trai Nguyễn Cao Gia Bảo ở TP Bắc Ninh.

1h00 sáng ngày 23/8, cháu Gia Bảo, 2 tuổi, bị bắt cóc ở Bắc Ninh, đã được cơ quan chức năng bàn giao lại cho bố mẹ trong niềm hạnh phúc của gia đình và mọi người.

Chia sẻ về việc con mình bị bắt cóc và được lực lượng chức năng giải cứu thành công, mẹ cháu Gia Bảo mừng rỡ: "Tới 9h tối (ngày 21/8 – PV), không thấy cơ quan nào báo cho gia đình, tôi thấy rất lo lắng rất nhiều vì đó là tín hiệu xấu.

Nếu người dân có giữ cháu thì người ta sẽ gửi lên phường để trả lại cho bố mẹ chứ không ai giữ cháu lâu thế. Đến bây giờ khi lực lượng chức năng tìm được cháu, tôi mới thấy nhẹ lòng, rất vui mừng".

"Tôi sẽ chú ý đến con nhiều hơn, tôi sẽ dành nhiều thời gian để bù đắp cho con sau này. Thật sự khi có tin tìm thấy con, mọi người trên facebook biết trước tôi. Tôi mở điện thoại ra và đọc được thông tin các bạn chia sẻ đã tìm được con mình. Lúc đấy niềm vui không còn gì để tả được.

Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người, các cơ quan chức năng đã đến động viên gia đình và cùng giúp đỡ gia đình tìm cháu", mẹ cháu bé nói.

Nhận xét về vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự.Hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân bởi vấn nạn bắt cóc trẻ em đã và đang diễn ra trong xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội.

Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đối với 06 người trở lên;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;d) Làm nạn nhân chết;

đ) Tái phạm nguy hiểm.4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bài liên quan