Vụ Chủ tịch xã bị đánh ghen tại trụ sở: Chồng của nữ cán bộ có thể bị xử lý vì phá cửa?

Thứ sáu, 17/06/2022, 06:02 AM

Một băn khoăn được đặt ra trong vụ Chủ tịch xã bị đánh ghen tại trụ sở là chồng của nữ cán bộ có bị xử lý vì đập vỡ cửa kính để bắt quả tang vụng trộm không?

Hình ảnh nhạy cảm tại hội trường nhà văn hóa xã được cho là ông Chủ tịch xã và bà Chủ tịch hội Phụ nữ. (Ảnh: Cắt từ clip).

Hình ảnh nhạy cảm tại hội trường nhà văn hóa xã được cho là ông Chủ tịch xã và bà Chủ tịch hội Phụ nữ. (Ảnh: Cắt từ clip).

Sự việc Chủ tịch UBND xã bị đánh ghen ngay tại trụ sở đang khiến dư luận xôn xao. Sự việc đánh ghen xảy ra khoảng 13h45 ngày 12/6 vừa qua. Hai người trong sự việc là ông Trương Văn G. - Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ (Thạch Thành, Thanh Hóa) và bà T.T.H. - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã này.

Chủ tịch xã và Chủ tịch Hội Phụ nữ sẽ bị xử lý thế nào?

Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hành vi ngoại tình, quan hệ bất chính với đồng nghiệp tại trụ sở cơ quan là vi phạm nghiêm trọng đạo đức lối sống, người cán bộ có hành vi này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật còn việc đánh ghen, gây tổn hại đến tài sản của cơ quan nhà nước thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ việc ngoại tình, đánh ghen, trong đó có cả trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức nhà nước, điều này cho thấy đã có sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức xã hội. Hành vi ngoại tình, không chung thủy không những vi phạm đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, vi phạm quy định của luật hôn nhân và gia đình, đối với người vi phạm là cán bộ thì hành vi này là vi phạm đạo đức lối sống và cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật", luật sư Cường nói.

Theo luật sư, với thông tin sự việc đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như vậy thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trụ sở UBND xã Thành Mỹ (Thạch Thành, Thanh Hóa).

Trụ sở UBND xã Thành Mỹ (Thạch Thành, Thanh Hóa).

"Với những chứng cứ mà người đàn ông đã ghi hình được cung cấp cho cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ mối quan hệ với giữa ông Chủ tịch UBND xã và nữ Chủ tịch Hội phụ nữ này như thế nào? Có quan hệ ngoài hôn nhân hay không?

Việc hai người trong phòng khóa trái cửa trong phòng làm việc, ngay trong giờ hành chính và không mặc quần áo có phải là hành vi quan hệ tình dục, ngoại tình, vi phạm đạo đức lối sống cán bộ hay không?", luật sư Cường phân tích.

Trong trường hợp nội dung tố cáo là đúng, các chứng cứ thể hiện qua clip, các chứng cứ khác cho thấy đã có hành vi ngoại tình, vi phạm luật hôn nhân và gia đình, vi phạm đạo đức lối sống của cán bộ thì ông Chủ tịch UBND xã này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật đảng và kỉ luật về mặt chính quyền, có thể sẽ ở những mức cao như cách chức, khai trừ ra khỏi đảng, buộc thôi việc...

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ mối quan hệ bất chính (nếu có) phát sinh từ thời điểm nào, trong thời gian qua đã có những hành vi vi phạm đạo đức lối sống nào khác hay không?

Ngoài ra, sẽ làm rõ quá trình công tác, vị cán bộ này có hoàn thành nhiệm vụ hay không, đã từng vi phạm kỷ luật hay chưa?

Được biết, vị Chủ tịch UBND xã còn có liên quan vụ 12 con dê "đi lạc vào nhà quan" trước đây, vậy vụ việc này đã xử lý triệt để hay chưa ? Việc xử lý kỷ luật trước đây cũng như việc thuyên chuyển công tác, tiếp tục bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã có đúng quy định pháp luật hay không? Từ đó để giải quyết triệt để, công bằng, đúng pháp luật đối với vị cán bộ này.

Chồng nữ cán bộ đập vỡ cửa kính trụ sở xã bắt quả tang vợ "không mặc quần áo trong phòng với Chủ tịch" có bị xử lý không?

Một trong những thắc mắc được đặt ra trong vụ Chủ tịch xã bị đánh ghen tại trụ sở là chồng của nữ cán bộ có bị xử lý vì đập vỡ cửa kính để bắt quả tang vợ "không mặc quần áo trong phòng với Chủ tịch" có bị xử lý không?

Luật sư Cường nhận định: Đối với người chồng đã thực hiện hành vi vì clip để ghi lại chứng cứ về hành vi ngoại tình của vợ mình và người đàn ông khác thì đây là hành vi pháp luật không cấm, tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm hành vi vì ghen tuông mà xâm phạm trái pháp luật đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi thu thập thông tin, đăng tải các thông tin lên mạng xã hội được thực hiện như thế nào?

Căn phòng được cho là nơi xảy ra vụ việc đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra. (Ảnh: Dân Trí).

Căn phòng được cho là nơi xảy ra vụ việc đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra. (Ảnh: Dân Trí).

Trong trường hợp có hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, đến sức khỏe và tài sản của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, người "đánh ghen quá đà" sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể là bị xử phạt hành chính, thậm chí trong một số tình huống có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi đập cửa kính được thực hiện như thế nào, nhằm mục đích gì và thương tích của người phụ nữ do mật gì gây ra?

Trong trường hợp hành vi đập cửa kính là bất đắc dĩ, không còn cách nào khác và thiệt hại cũng không lớn, mục đích là để thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội thì có thể xác định đây là tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật. Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết sẽ được loại trừ trách nhiệm pháp lý.

Điều 23 Bộ luật hình sự quy định: Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước có được xác định là tình thế cấp thiết hay không, có mục đích có Ý làm hư hỏng tài sản hay không để làm căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp thiệt hại không lớn, người gây thiệt hại tự nguyện bồi thường, đây là hành vi trong tình thế cấp thiết để ghi lại những chứng cứ vi phạm pháp luật thì có thể sẽ không bị xử lý.

Pháp luật cho phép nạn nhân và những người khác có quyền ghi lại các bằng chứng để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, có quyền cung cấp các bằng chứng vi phạm pháp luật của người khác cho cơ quan chức năng. Trong quá trình thực hiện hành vi để ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật, có thể gây thiệt hại nhỏ hơn hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì có thể được coi là tình thế cấp thiết và được loại trừ trách nhiệm pháp lý.

Xôn xao clip Chủ tịch xã "không mảnh vải che thân" với Chủ tịch Hội Phụ nữ ngay tại công sở: (Nguồn: Báo Người Lao Động).