Vụ ĐH Đông Đô cấp bằng giả: Điều tra sai phạm 2 cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT

Thứ bảy, 28/11/2020, 14:17 PM

Liên quan đến sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô, Cơ quan điều tra yêu cầu xử lý vi phạm tại Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Giáo dục ĐH thuộc Bộ GD&ĐT.

Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả cho hàng trăm người, trong số đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả.

Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả cho hàng trăm người, trong số đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả.

Hai cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT có trách nhiệm gì trong vụ ĐH Đông Đô?

Liên quan đến vụ án Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả cho nhiều người, trong số đó có hàng chục trường hợp sử dụng bằng giả để bảo vệ tiến sĩ..., được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ngoài việc truy tố các bị can thuộc ĐH Đông Đô, Cơ quan an ninh điều tra còn xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2.

Báo Tuổi Trẻ TP HCM dẫn trao đổi từ đại diện Bộ GD&ĐT cho hay: Đến thời điểm hiện tại bộ chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của Cơ quan điều tra Bộ Công an về vụ án cấp bằng giả của Trường ĐH Đông Đô. Các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc.

Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô; đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

Ai tiếp tay cho ĐH Đông Đô sai phạm?

Báo Người Lao Động đưa tin: TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, phân tích: Đã có lỗ hổng quản lý, thiếu sự phối hợp, giám sát giữa các vụ liên quan của Bộ GD&ĐT.

"Hiện nay, khi các trường được tự chủ mở ngành cũng không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Trách nhiệm của bộ là kiểm tra, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, bộ cũng có thể có sự tác động cần thiết nếu các trường tổ chức đào tạo ở các ngành mà nhu cầu thị trường không nhiều, làm mất cân đối cung cầu thị trường lao động" - TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng trong hoạt động tuyển sinh của các trường đôi khi vẫn thấy một số nơi tổ chức tuyển sinh trước khi được Bộ GD&ĐT cho phép nên mới có chuyện vụ chức năng của bộ thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ.

"Vấn đề ở Trường ĐH Đông Đô, có thể trong quá trình chờ quyết định cấp phép, trường đã có những vi phạm nên bộ không cấp phép đào tạo văn bằng 2" - PGS Ngoạn nhận định.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, dù là lý do gì đi chăng nữa, việc Trường ĐH Đông Đô có những vi phạm nghiêm trọng như cơ quan điều tra công bố thì sai phạm của Bộ GD&ĐT đã rõ ràng.

Cần công khai những người "mua bằng giả" của Trường ĐH Đông Đô

Cơ quan ANĐT xác định ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.

Trong đó, có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng; 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị.

Đối với 193 người được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

Cơ quan ANĐT đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 trường hợp sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV nhiều chuyên gia giáo dục, các tiến sĩ, giáo sư đều lên án hành vi sử dụng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ, hay thi công chức, làm đẹp hồ sơ cán bộ.

"Cần xử lý nghiêm những người này, là tiến sĩ, thạc sĩ học cao thì cần phải có tự trọng, tư cách đạo đức chứ không phải đi mua bằng giả để lên được tiến sĩ, thạc sĩ...", tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải chia sẻ với PV.

Từ vụ ĐH Đông Đô thấy chuyện báo động việc đào tạo ngoại ngữ ở trường học

Chia sẻ với báo chí, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo đại học và sau đại học (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: "Vụ việc Trường ĐH Đông Đô là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở giáo dục đại học, cũng như người học, nếu cấp chứng chỉ giả, sử dụng bằng giả sẽ tự mình đánh mất uy tín.

Nhưng thông qua vụ việc này tôi cũng thấy có một vấn đề, đó là việc đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam cả cấp phổ thông và đại học hiện nay chưa tốt. Học sinh tốt nghiệp phổ thông, cũng như sinh viên tốt nghiệp đại học rất ít em đạt tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Yêu cầu đầu vào cho nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ B2 là đúng, tuy nhiên để được như vậy cần có lộ trình.

Thực tế đào tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội tôi thấy có rất nhiều em đến từ khu vực nông thôn học rất giỏi, chỉ có tiếng Anh hơi kém do trường THPT dạy chưa tốt, hoặc vì điều kiện khó khăn không thể học thêm tiếng Anh.

Nhưng vì các em ấy có năng lực thật sự nên chỉ cần có thời gian là sẽ bù đắp được. Ngoài ra có nhiều chuyển tiếp sinh (tức diện sinh viên làm nghiên cứu sinh) có khả năng đọc tài liệu tiếng Anh để làm nghiên cứu, nhưng nói không tốt, nên chưa thể có bằng B2 ngay. Do đó ĐH Quốc gia Hà Nội có chính sách cho các chuyển tiếp sinh nợ bằng tiếng Anh.

Nếu không làm như vậy thì nhiều em có năng lực nghiên cứu nhưng chưa có bằng B2 tiếng Anh sẽ bỏ ra ngoài đi làm, chỉ làm vài năm là các em không muốn quay trở lại nghiên cứu nữa.

Nên chăng Bộ GD&ĐT điều chỉnh lại yêu cầu đầu vào ngoại ngữ là B1, đầu ra là B2 thì tốt hơn. Hiện nay vì không thể đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT nên nhiều người đã tìm cách lách luật. Không lấy được chứng chỉ quốc tế thì họ xoay ra lấy văn bằng 2 tiếng Anh.

Qua vụ việc này, tôi thấy cần đặt ra vấn đề nâng cao việc đào tạo tiếng Anh ở các cấp học, cần phải thắt chặt kỷ cương đối với các cơ sở giáo dục đại học, giao cho tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì cũng được, tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình".