Vụ Địa ốc Alibaba: Bộ Xây dựng nói 'trách nhiệm chính thuộc về địa phương'

Thứ ba, 01/10/2019, 06:26 AM

Tại buổi họp báo quý III, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trách nhiệm chính để xảy ra vụ Alibaba là của các địa phương, Bộ Xây dựng nói đã làm hết trách nhiệm.

vu-dia-oc-alibaba-bo-xay-dung-noi-trach-nhiem-chinh-thuoc-ve-dia-phuong
Tại buổi họp báo quý III, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trách nhiệm chính để xảy ra vụ Alibaba là của các địa phương, Bộ Xây dựng nói đã làm hết trách nhiệm.

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Quang Hùng, buổi họp báo quý III/2019 của Bộ Xây dựng nóng lên với nhiều câu hỏi của báo giới đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ Xây dựng khi để vụ việc Địa ốc Alibaba lừa đảo người tiêu dùng trong thời gian dài, tại nhiều địa phương.

Trong phần trả lời, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, không nhận trách nhiệm mà cho cho rằng Bộ Xây dựng đã làm đúng chức trách.

Vị này dẫn Luật Kinh doanh bất động sản quy định Bộ Xây dựng có trách nhiệm thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản, phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát các dự án.

“Trách nhiệm chính là của các UBND trong việc thanh tra, kiểm tra dự án, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, cho phép chuyển nhượng”, ông Ninh nói.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho biết sau khi Thủ tướng đã có chỉ thị 11 thực hiện các giải pháp thực hiện ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đốc thúc.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh nói rõ tình hình nhiều dự án thực hiện trái quy định, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, chuyển nhượng khi không đủ điều kiện.

“Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai thông tin để người dân được biết”, ông nói. 

Liên quan vụ địa ốc Alibaba, ngày 30/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM bổ sung danh sách 16 người có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. Trong số đó có cả cha mẹ ruột của Nguyễn Thái Luyện.

Những người có liên quan gồm: bà Huỳnh Thị Ngọc Như (quê Đồng Nai, Phó giám đốc Alibaba phụ trách đối ngoại), ông Nguyễn Văn Kiên (ngụ quận 2, TP.HCM), ông Trần Phúc Thạnh (quê Bình Định), Bùi Minh Đức (quê Bình Dương), Trần Huy Phúc (quê Đồng Tháp), Trương Thị Hồng Ngọc (quê Bình Dương), Nguyễn Trung Trường (quê Đắk Lắk), Trịnh Minh Pháp (quê Gia Lai), Huỳnh Thị Hạnh Trang (quê Gia Lai), Vi Thị Hiền (quê Nghệ An), Trang Chí Linh (quê An Giang), Trần Hữu Sơn (quê Đắk Lắk), Vũ Văn Trần Quang, Lưu Thị Tiền… và cha mẹ của Nguyễn Thái Luyện là Nguyễn Văn Huấn và Thái Thị Túc.

Hiện những người này đều bị phong tỏa tài sản để phục vụ điều tra mở rộng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM: Qua điều tra ban đầu, xác định các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử).

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, xác định tất cả các "dự án" do Công ty Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như các đối tượng quảng cáo (không có và không thể có sản phẩm giao cho khách hàng như quảng cáo, giới thiệu cũng như nội dung hợp đồng đã ký kết).

Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng.

Quá trình điều tra được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và có đầy đủ tài liệu, chứng cứ có thể khẳng định Nguyễn Thái Luyện vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba đã chủ mưu, cầm đầu trong vụ việc này. Luyện đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên), thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân) đứng tên, tự vẽ ra 40 "dự án" không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận..., chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho các khách hàng.

Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng thu được hơn 2.500 tỷ đồng.