Vụ Hồ Duy Hải: ĐBQH gửi kiến nghị tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội

Thứ năm, 14/05/2020, 18:28 PM

Các Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân đã gửi kiến nghị cho rằng cần làm rõ những vấn đề dư luận đặt ra sau phiên Giám đốc thẩm “vụ án Hồ Duy Hải”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Lê Thanh Vân đã gửi kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Lê Thanh Vân đã gửi kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải.

Diễn biến mới nhất liên quan đến phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Mới nhất, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện đã gửi kiến nghị tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo nội dung văn bản kiến nghị của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Ngày 8/5, TAND Tối cao tuyên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải gây sự bức xúc trong xã hội.

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, "dư luận cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đã dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội, vấn đề "cấm kỵ" trong lĩnh vực hình sự. Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó "không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".

Ông Nhưỡng nêu quan điểm: Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã không xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra, có thể nói nhiều vấn đề khuất tất bị che lấp đã được dư luận nêu bức xúc trong suốt thời gian qua như thời gian thực hiện hành vi phạm tội, thời điểm nạn nhân chết, các vi phạm trong việc thu giữ dấu vân tay, mẫu máu, vật chứng…, đặc biệt là việc loại trừ các nghi can khác trong vụ án.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không có quy định nào cho phép Hội đồng thẩm phán TANDTC phán quyết về việc kháng nghị của VKSND Tối cao đúng hay không đúng pháp luật.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo Ban cán sự đảng TAND Tối cao, Ban cán sự đảng VKSND Tối cao, Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Ban Nội chính; Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Chủ tịch nước về vụ án trên.

Đồng thời, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có báo cáo riêng vụ việc Hồ Duy Hải tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội;

Tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải.

Hội đồng thẩm phán phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Hội đồng thẩm phán phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Một ĐHQH khác là ông Lê Thanh Vân - ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách QH cũng đã gửi kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của TANDTC trong phiên tòa giám đốc thẩm "vụ án Hồ Duy Hải".

Trong bản kiến nghị, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng phiên giám đốc thẩm có dấu hiệu vi phạm quy định về yêu cầu đảm bảo tính vô tư, khách quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, quy định tại các điều 21, 49, 53 của Bộ luật tố tụng hình sự, khi người từng quyết định không chấp nhận kháng nghị nay lại làm chủ tọa phiên tòa.

Cùng với đó, theo ông Vân, là dấu hiệu vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 15 của bộ luật này về xác định sự thật vụ án.

Tự đặt ra một dạng quy định bất thành văn, không hề có trong pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự khi cho rằng "sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, vô tình khuyến khích vi phạm pháp luật trong tố tụng hình sự.

Bài liên quan