Thứ ba, 10/04/2018, 14:21 PM
  • Click để copy

Vụ hơn 10.000 hộp sữa từ thiện bị tiêu hủy: ‘Cán bộ làm sai phải bỏ tiền túi ra mà đền’

Nhận định văn bản của Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai ban hành là mấu chốt dẫn đến sự hiểu nhầm khiến hơn 10.000 hộp sữa từ thiện phải tiêu hủy, luật sư cùng cựu đại biểu Quốc hội cho rằng những cán bộ làm sai phải tự bỏ tiền ra đền bù.

vu-hon-10000-hop-sua-tu-thien-bi-tieu-huy-can-bo-lam-sai-phai-bo-tien-tui-ra-ma-den
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị những người làm sai phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả trong vụ tiêu hủy 10.000 hộp sữa từ thiện.

Liên quan đến vụ việc hơn 10.000 hộp sữa từ thiện bị tiêu hủy do hiểu nhầm văn bản xảy ra trên địa bàn xã Suối Thầu (Sa Pa, Lào Cai), nhiều ngày sau vụ việc đã có rất nhiều độc giả bày tỏ bức xúc về sự tắc trách của những người ra văn bản.

Nhiều bạn đọc kiến nghị rằng, những người mắc sai phạm trong vụ việc này thay vì “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì nên bị xử lý bằng cách bỏ tiền túi ra mua lại 10.000 hộp sữa để bù cho các cháu học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An bày tỏ: “Đây là sự việc nghiêm trọng bởi đối với trẻ em vùng cao thì việc được giúp đỡ hộp sữa là rất đáng quý. Đằng này những 10.000 hộp sữa mà mang đi tiêu hủy hết…”

Bà An cho rằng, thay vì xử lý bằng hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc thì những cán bộ làm sai cần phải bỏ tiền ra mua sữa để đền vào. “Không thể việc gì sai cũng có thể rút kinh nghiệm sâu sắc được, phải xử lý nghiêm, yêu cầu họ tự bỏ tiền túi ra khắc phục hậu quả”.

Còn luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhìn nhận: “Đầu tiên, phải khẳng định rằng với nội dung trong văn bản số 988/VPUBND-VX do Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai ban hành, người đọc hoàn toàn có khả năng hiểu rằng phải ngừng phát miễn phí tất cả các loại sữa chứ không chỉ ngừng phát riêng một loại nào”.

Theo luật sư Thanh, căn cứ vào nội dung này có thể thấy trách nhiệm thuộc về người ban hành công văn chứ không phải trách nhiệm thuộc về người đọc và thực hiện theo công văn (xã, trường).

Luật sư Giang Hồng Thanh bày tỏ: “Hơn 10.000 hộp sữa, tương đương với khoảng 2.000 lít sữa tươi bị tiêu hủy, quả thực vô cùng lãng phí. Nếu số lượng sữa này được phân phát sử dụng, sẽ tăng cường đáng kể giá trị dinh dưỡng cho học sinh nghèo vùng  sâu vùng xa”.

Đáng chú ý, luật sư Thanh cũng cho rằng, các cá nhân, tổ chức có sai phạm cần tự bỏ kinh phí để mua bù hơn 10.000 hộp sữa cho các em thì mới thể hiện họ có tinh thần trách nhiệm, có ý thức khắc phục hậu quả khi để xảy ra sự việc.

“Tôi cho rằng với những thiệt hại đã xảy ra, việc "Rút kinh nghiệm sâu sắc" không phải là biện pháp hữu hiệu để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các các bộ công chức, đặc biệt là người giữ vai trò lãnh đạo trong vụ việc này. Việc rút kinh nghiệm sâu sắc như là một cách thức xí xóa sai phạm, "huề cả làng".

Theo tôi trong vụ việc này, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 05 năm 2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức đã quy định rõ mức xử lý, chẳng hạn như hành vi không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng có thể bị áp dụng các mức xử lý như Hạ bậc lương, Giáng chức, Cách chức… tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của hậu quả xảy ra.

vu-hon-10000-hop-sua-tu-thien-bi-tieu-huy-can-bo-lam-sai-phai-bo-tien-tui-ra-ma-den
Luật sư Giang Hồng Thanh.

Nhưng sẽ là chưa trọn vẹn nếu như chỉ xử lý kỷ luật ai đó mà các em học sinh vẫn bị thiệt thòi. Vì vậy tốt nhất các cá nhân, tổ chức có sai phạm cần tự bỏ kinh phí để mua bù hơn 11.000 hộp sữa cho các em. Điều đó thể hiện họ có tinh thần trách nhiệm, có ý thức khắc phục hậu quả khi để xảy ra sự việc”, ông Thanh nêu.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi đại diện Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) bày tỏ sự cảm thông bởi cho rằng đã nhận được công văn xin cảm thông của địa phương.

Được biết, ngày 6/4, Phòng GD&ĐT huyện Sa Pa đã phát đi thông báo số 107/ PGD&ĐT – CMNV do Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Pa - Đỗ Văn Tân gửi Chi nhánh Công ty Cổ phần sữa Việt Nam tại Hà Nội.

Thông báo nêu rõ: “Do sơ xuất không nghiên cứu kỹ các văn bản trên, nên bị nhầm lẫn giữa các đơn vị cung cấp. Vì vậy, 2 đơn vị trường (Trường Mầm non và Tiểu học Suối Thầu) đã không phát cho học sinh số sữa đã nhận từ Chi nhánh Công ty Cổ phần sữa Việt Nam tại Hà Nội.

vu-hon-10000-hop-sua-tu-thien-bi-tieu-huy-can-bo-lam-sai-phai-bo-tien-tui-ra-ma-den
Văn bản của Phòng GD&ĐT Sa Pa phản hồi với công ty CP sữa Việt Nam về vụ việc.

Khi gần hết hạn sử dụng, 2 đơn vị trường đã báo cáo chính quyền xã Suối Thầu và làm thủ tục thiêu hủy số sữa trên vào ngày 5/4/2018.…chúng tôi nhận thực đây là sự việc rất đáng tiếc đã xảy ra, làm ảnh hường phần nào đến uy tín của Chi nhánh Công ty. Chúng tôi đã yêu cầu 2 đơn vị trường báo cáo làm rõ sự việc và kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo đơn vị”.

Trả lời về việc ban hành văn bản mập mờ gây hiểu lầm, ông Vương Trinh Quốc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết đã chỉ đạo cấp Phó là người ký văn bản và người soạn thảo văn bản rút kinh nghiệm sâu sắc.

 

Lào Cai rút kinh nghiệm sâu sắc trong vụ tiêu hủy hơn 10.000 hộp sữa từ thiện

Trong vụ việc tiêu hủy hơn 10.000 hộp sữa từ thiện, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai thừa nhận việc câu từ trong văn bản chỉ đạo của tỉnh không rõ ràng về câu chữ, đồng thời đã yêu cầu người ký và soạn thảo rút kinh nghiệm sâu sắc.

 

Vụ hơn 10.000 hộp sữa từ thiện bị thiêu hủy: Tỉnh Lào Cai nói do hiểu lầm văn bản

Tỉnh Lào Cai cho biết, vụ việc hơn 10.000 hộp sữa từ thiện bị thiêu hủy xảy ra ở xã Suối Thầu (Sa Pa) là do địa phương hiểu lầm văn bản chỉ đạo của tỉnh.

 

Xã nghèo ở Lào Cai cho thiêu hủy hơn 10.000 hộp sữa từ thiện vì nghe thông tin ‘người dùng bị đau bụng’

Chính quyền xã Suối Thầu (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã cho thiêu hủy toàn bộ hơn 10.000 hộp sữa từ thiện chỉ vì nghe thấy thông tin “có người dùng sữa bị đau bụng”.