Thứ năm, 16/05/2019, 21:16 PM
  • Click để copy

Vụ Khaisilk 2 năm vẫn chưa có kết luận điều tra: 'Bộ Công an nên vào cuộc'

Trước những trả lời của đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) về vụ việc Khaisilk, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, Bộ Công an nên vào cuộc để có kết luận nhanh chóng công bố cho dư luận.

Vụ việc Khaisilk xảy ra 2 năm vẫn chưa có kết luận điều tra. (Ảnh: IT).
Vụ việc Khaisilk xảy ra 2 năm vẫn chưa có kết luận điều tra. (Ảnh: IT).

Tiếp thông tin về vụ bê bối Khaisilk (Công ty Khải Đức của đại gia Hoàng Khải) bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam gây phẫn nộ dư luận xảy ra năm 2017.

Trước những trả lời của đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) rằng "vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra", dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh rằng: Bao giờ Công an Hà Nội mới kết thúc điều tra và công bố kết quả đến dư luận? Tại sao vụ việc điều tra lại kéo dài như vậy dù sự việc đã xảy ra gần 2 năm (11/2017)?

Đặc biệt, vụ việc này đã được Bộ Công Thương đưa ra kết luận trước đó và mới đây một vụ việc buôn lậu xảy ra tại Nhật Cường mobile cũng được Cơ quan CSĐT Bộ Công an phanh phui và nhanh chóng khởi tố được dư luận hoan nghênh, đồng thuận cao.

Trao đổi với PV, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng bày tỏ thắc mắc rằng: "Tại sao việc điều tra đối với Khaisilk lại kéo dài như thế?".

Vị ĐBQH này cho rằng, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội nên có báo cáo với Bộ Công an về vụ việc Khaisilk và nếu Công an Hà Nội cảm thấy quá khó khăn, không thể đưa ra kết luận sớm thì nên chuyển để Bộ Công an làm. Đồng thời, ông Hòa đưa vụ việc Nhật Cường mobile buôn bán hàng lậu mới đây được Bộ Công an điều tra, khởi tố làm ví dụ cho việc điều tra nhanh chóng.

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng Bộ Công an nên vào cuộc vụ Khaisilk.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng Bộ Công an nên vào cuộc vụ Khaisilk.

"Người dân và cả doanh nghiệp họ đều rất mong chờ kết luận của cơ quan chức năng, kéo dài ngày nào là ảnh hưởng đến cả người dân và doanh nghiệp ngày ấy. Tóm lại họ có vi phạm hay không vi phạm. Không thể cứ trả lời là đang điều tra mà không biết bao giờ việc điều tra sẽ kết thúc, chẳng lẽ kéo dài vài năm nữa thì dư luận vẫn phải chờ sao? Việc kéo dài này khiến nhiều người dị nghị, nghi ngờ rằng vụ việc này chìm xuồng...", ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Trước đó như đã thông tin, sau nhiều ngày đặt lịch làm việc, chiều 13/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) đã cử cán bộ tiếp phóng viên và trao đổi thông tin chính thức.

Trước câu hỏi phóng viên về quá trình điều tra việc vụ việc Khaisilk, ông Tưởng Duy Hiệu - Điều tra viên Phòng Cảnh sát Kinh tế cho biết, đúng là sự việc đang được được Phòng thụ lý điều tra, xác minh. Theo ông Hiệu, đơn vị chỉ điều tra đối với cửa hàng tại 113 Hàng Gai còn trụ sở công ty Khải Đức tại TP HCM thì các đơn vị tại TP HCM làm.

"Cơ quan điều tra hiện nay vẫn đang điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin gì" - ông Hiệu nói và từ chối nhiều câu hỏi của phóng viên.

Ông Hiệu cũng nói rằng: "Bao giờ có kết quả chính thức thì anh em sẽ có trả lời chính thức, còn bây giờ chưa thể cung cấp gì thêm... Vẫn đang điều tra, nó còn liên quan đến các nội dung bí mật của ngành, liên quan đến hoạt động điều tra nữa". Đồng thời cho biết: Chưa biết khi nào điều tra xong và cũng không trả lời câu hỏi về thời điểm tiếp nhận hồ sơ vụ việc.

Trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: Theo quy định của luật hiện hành, trong vòng 20 ngày từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.

Về thời hạn điều tra, luật sư Tú cho biết: Tùy theo mức độ của vụ án, việc điều tra có thể kéo dài hơn từ 1 đến 2 tháng. “Vậy nhưng kéo dài đến hơn 1 năm như vụ Khaisilk thì chưa từng có từ trước đến nay”, luật sư Tú nêu quan điểm.

Theo vị luật sư này, hoạt động điều tra là một hoạt động bí mật theo pháp lệnh của nhà nước. Tuy nhiên, kết quả điều tra không nhất thiết phải giữ bí mật. Với những vụ việc dư luận quan tâm thì cũng nên công bố để dư luận được biết.

Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng: “Có thể nói hành vi vi phạm gian lận thương mại của Khaisilk là quá rõ ràng”.

“Tháng 12/2017 Bộ Công Thương đã ban hành kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk) về các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất/gia công, xuất nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp này.

Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của công ty này. Một nội dung đáng lưu ý là giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm ("100% silk").

Như vậy, Khaisilk đã vi phạm Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với tội “Lừa dối khách hàng”… Với tội danh này ông Hoàng Khải có thể phải bị áp dụng mức án tù từ 01 năm đến 05 năm”, luật sư Bình nhận định.

Về thời gian điều tra vụ việc, luật sư Bình cho biết, theo quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn điều tra đối với 1 vụ án hình sự là không quá 12 tháng (được gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng). Vì thế, một vụ việc xảy ra gần 2 năm vẫn chưa có kết luận điều tra là dấu hiệu bất thường.

 

'Vụ Khaisilk gần 2 năm vẫn điều tra là dấu hiệu bất thường'

Theo luật sư Diệp Năng Bình, hành vi vi phạm của Khaisilk đã được Bộ Công Thương chỉ ra là rất rõ ràng. Thế nhưng, gần 2 năm xảy ra, Cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận điều tra, chưa công khai cho dư luận được biết là một dấu hiệu bất thường.

 

ĐBQH Lê Thanh Vân: ‘Chắc chắn phải có bảo kê thì Nhật Cường mới lộng hành như vậy’

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định phải có một nhân vật nào đó, lực lượng nào đó che chắn thì Công ty Nhật Cường mới có thể làm ăn bất chính, bất hợp pháp kéo dài như vậy.