Vụ khởi tố hành vi buôn lậu hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo: CEO Phạm Văn Tam nói gì?

Thứ năm, 25/07/2019, 06:22 AM

Liên quan đến việc khởi tố hành vi buôn lậu hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo của công ty Sa Huỳnh, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam chính thức lên tiếng.

vu-khoi-to-hanh-vi-buon-lau-hang-tu-trung-quoc-gan-mac-asanzo-ceo-pham-van-tam-noi-gi
Liên quan đến việc khởi tố hành vi buôn lậu hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo của công ty Sa Huỳnh, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam chính thức lên tiếng. Ảnh minh họa

Sáng 24/7, truyền thông đưa tin về việc công ty Sa Huỳnh bị khởi tố vì gian dối khi nhập hàng từ Trung Quốc về gắn mác Asanzo để bán trong nước.

Liên quan đến vụ việc này, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam khẳng định: “Chúng tôi không hề có bất kỳ quan hệ thương mại hay sở hữu gì với công ty Sa Huỳnh, việc Sa Huỳnh sử dụng tên Asanzo trên các sản phẩm nhập khẩu của họ là vi phạm thương hiệu chúng tôi”.

Về thông tin “chuyển hồ sơ 14 công ty cho Bộ Công an” trên báo chí, Asanzo cho biết, 14 công ty được đề cập là đối tác thương mại của Asanzo, nhưng là những pháp nhân riêng biệt, không có quan hệ sở hữu với Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

“Chúng tôi tin tưởng vào sự khách quan của các cơ quan chức năng và sự công bằng của dư luận. Chúng tôi sẽ làm mọi việc để bảo vệ uy tin của thương hiệu Asanzo, cũng như bảo vệ tập thể những con người gắn bó với Asanzo”, thông báo gửi đi của CEO Phạm Văn Tam nêu rõ.

Asanzo, doanh nghiệp điện tử - điện lạnh - đồ gia dụng đang đi lên khi đạt doanh thu hơn 6.000 tỉ đồng năm 2018 và tăng trưởng trung bình 44%/năm. Nhưng doanh nghiệp này đang vấp phải cáo buộc “giả xuất xứ hàng điện gia dụng”.

Cụ thể, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài điều tra, nghi vấn sản phẩm của Tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam. Cụ thể, Asanzo nhập “nguyên chiếc” đồ gia dụng từ Trung Quốc thông qua nhiều công ty nhập khẩu, dán nhãn Asanzo thay vì lắp ráp linh kiện và ghi xuất xứ Việt Nam.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh và báo cáo kết quả về vụ việc trước ngày 30/7/2019.

Trước cáo buộc này, theo thông tin từ ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, khiến kho bãi nhà xưởng của Công ty bị treo hết, đối tác e ngại đòi tiền, gần 2.000 lao động có nguy cơ mất việc... Đó là chưa nói đến những thiệt hại về thương hiệu Công ty khi xuất hiện nhiều lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm Asanzo. Tất cả những hệ lụy này, nếu không sớm tháo gỡ, nhiều khả năng sẽ đẩy doanh nghiệp vào chỗ đình trệ, phá sản. Asanzo cũng cho biết, sẽ khởi kiện báo Tuổi Trẻ ra tòa án dân sự.

vu-khoi-to-hanh-vi-buon-lau-hang-tu-trung-quoc-gan-mac-asanzo-ceo-pham-van-tam-noi-gi
Ảnh báo Tuổi trẻ.

Từ những rắc rối Asanzo gặp phải đã cho thấy những lỗ hổng trong quản lý. Thứ nhất là câu chuyện “made in Vietnam”. Lâu nay, người tiêu dùng thường hiểu “made in Vietnam” nghĩa là hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, từ nguyên liệu đến gia công, chế tác. Nhưng thực tế, theo Nghị định 19/2006/NĐ-CP, cách xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa dựa vào nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa (xuất xứ thuần túy) hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng (xuất xứ không thuần túy).

Thực tế, nhiều hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam", "Sản xuất tại Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam", thậm chí khi nhập về sẽ được thay đổi nhãn mác để đánh lừa người tiêu dung. Đây là các thủ đoạn về gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) của không ít doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan chỉ rõ tại cuộc họp chiều 19/7.

Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết câu chuyện "made in Vietnam" thời gian qua được nhắc đến nhiều khi chúng ta còn có khoảng trống pháp lý trong vấn đề này, đây là kẽ hở để không ít DN lợi dụng. Dù nhập từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở DN, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa.

Điển hình như Công ty CP Xuất nhập khẩu Hiếu Nghĩa nhập khẩu từ Trung Quốc 1.600 đôi giày nhưng trên sản phẩm đã ghi "Made in Vietnam", Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trần Vượng nhập khẩu mặt hàng loa âm thanh từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm đều thể hiện sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Lê Thành Hưng- đại diện Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thì hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu minh bạch, không trung thực trong việc ghi nhãn sản phẩm... Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng hiểu sai về tính năng của hàng hóa, khiến họ bị thiệt hại vì mua phải hàng hóa không đúng với giá trị.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), về nguyên tắc, Nhà nước tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp tự xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa. Song, cũng yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch, trung thực. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

“Một số ít doanh nghiệp làm ăn không chân chính, không thể hiện tên, địa chỉ thông tin rõ ràng, ghi nhãn không trung thực. Đối với những hành vi này chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đặc biệt là theo Nghị định 119 của Chính phủ. Nếu vụ việc nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”- ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Vụ Asanzo: Đừng khởi tố... rồi ‘chìm nghỉm’ như Khaisilk

Liên quan vụ việc nhập hàng Trung Quốc gắn mác Asanzo, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án "Buôn lậu" đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Sa Huỳnh.

 

Vietstar Airlines được chứng nhận người khai thác tàu bay: Sức nóng trên bầu trời và sức ép cho mặt đất...

Cục Hàng không vừa cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) cho 2 loại tàu bay Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300 của Vietstar Airlines.

 

Liên quan đến Asanzo, 27 doanh nghiệp bị Tổng cục Hải quan kiểm tra

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, 27 doanh nghiệp liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa của Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sẽ bị kiểm tra xuất xứ linh kiện nhập khẩu.