Thứ tư, 11/04/2018, 07:13 AM
  • Click để copy

Vụ lừa đảo bằng tiền ảo 15 nghìn tỷ: Lòng tham đã đánh lừa tất cả

Chia sẻ xung quanh câu chuyện hơn 32.000 người bị lừa đảo bằng tiền ảo iFan với số tiền cáo buộc lên đến 15 nghìn tỷ đồng, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng lòng tham của mỗi người đã đánh lừa chính họ.

vu-lua-dao-bang-tien-ao-15-nghin-ty-long-tham-da-danh-lua-tat-ca
TS Lê Đăng Doanh: "Người dân đã quá dễ dãi khi bỏ tiền đầu tư tiền ảo".

Đánh vào lòng tham

Trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện vụ việc người dân tố cáo dự án iFan của Công ty Modern Tech lừa đảo 15.000 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chính lòng tham của bản thân đã đánh lừa những người này.

Ông Doanh cho biết: Việc người dân bị các đối tượng lừa đảo theo hình thức đa cấp và tiền ảo đã xảy ra rất nhiều, không phải hình thức mới. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo xong vì lòng tham mà người dân vẫn lao vào như thể “thiêu thân”.

“Rất nhiều người dân vẫn trở thành nạn nhân là bởi các đối tượng lừa đảo đã đánh vào lòng tham của mỗi người. Tôi cho rằng, trong vụ việc này người dân đã quá dễ dãi khi bỏ tiền đầu tư. Khi thấy lời hứa của họ với một lãi suất cao, đáng ngờ, lẽ ra họ phải cảnh giác nhưng lại quá dễ tin vì ai cũng muốn nhanh giàu", ông Doanh chia sẻ.

Phân tích thêm về vụ việc này, vị chuyên gia kinh tế đánh giá: “Rất khó khăn để nhà đầu tư lấy lại tiền bởi khi đầu tư vào dự án này người dân không có một căn cứ gì, không có hợp đồng, hóa đơn mà đơn thuần chỉ là lời hứa không có tính ràng buộc tất cả chỉ trao đổi qua mạng”.

Theo ông Doanh, giải pháp tốt nhất cho các chủ đầu tư hiện nay là trình báo công an, tìm cách truy tìm ra thủ phạm, những người đã nhận tiền, lừa đảo.

“Một lưu ý rằng, cái tiền ảo này là tiền kỹ thuật số, cho đến nay chưa có khung pháp lý để kiểm soát, giám sát kể cả trên thế giới. Chính vì vậy nó biến động rất thất thường", ông Doanh chia sẻ.

Tự chơi phải tự chịu

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này nếu đúng người dân bị lừa đảo thì những người trong dự án iFan sẽ bị khép vào tội lợi dùng mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đó những người này sẽ bị truy tố và xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

vu-lua-dao-bang-tien-ao-15-nghin-ty-long-tham-da-danh-lua-tat-ca
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: "Việc đòi lại tiền của nhà đầu tư rất khó".

Theo luật sư Thơm, việc đầu tiên cần làm là người dân thu thập những giao dịch, bằng chứng chứng minh dự án iFan lừa đảo chiếm đoạt tiền của mình rồi sau đó trình báo cơ quan công an, an ninh mạng để đơn vị này vào cuộc.

“Người dân phải thu thập được những lần giao dịch qua mạng với ai, số tiền bao nhiêu để tố cáo công an, an ninh mạng. Nhưng xét lại thì việc đòi lại tiền cũng rất khó, bởi lượng người tham gia dự án này quá lớn, không biết đầu tư cho ai, không biết mặt người mà mình đầu tư và khả năng những người nhận tiền đã tẩu tán tài sản", ông Thơm nhận định.

Còn theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này không thể nói Modern Tech bán hàng đa cấp. Lý do là Nghị định số 42 năm 2014, được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 40 năm 2018 quy định về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp, chỉ áp dụng đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp là hàng hóa, trong khi tiền ảo không được coi là một loại hàng hóa, nên không thuộc quản lý của Nghị định này.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, pháp luật Việt Nam hiện không coi tiền ảo là một loại tài sản hay quyền tài sản. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng tiền ảo được phát hành tại Singapore, trong khi pháp luật của Singapore lại thừa nhận tính hợp pháp đối với tiền ảo.

“Giả sử hoạt động việc phát hành này là hợp pháp (tại Singapore) thì tại Việt Nam khi chưa có hành lang pháp lý cho loại hình này, người chơi đều phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình,” Luật sư Nguyễn Minh Anh nói.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ xem thực sự hoạt động phát hành này có đúng hay không, ví dụ có công nghệ nền tảng blockchain hay không, đây là nền tảng công nghệ mà không ai có thể can thiệp vào, kể cả cha đẻ của nó. Chẳng hạn, nếu phát hành 20 triệu tiền ảo, người chơi chỉ được phép “đào” trong số 20 triệu tiền ảo đó, nếu đã nhân ra tức là lừa đảo.

Ngoài ra phải xem hoạt động của Modern Tech có đúng theo dạng phát hành hay không. Nếu có dấu hiệu tham gia đầu tư và được cam kết lợi nhuận bao nhiêu phần trăm thì rõ ràng có dấu hiệu lừa đảo, bởi khi phát hành, nhà phát hành sẽ đưa ra mức giá ban đầu chứ không phải là mức giá “vòng vèo” qua bao nhiêu người.

vu-lua-dao-bang-tien-ao-15-nghin-ty-long-tham-da-danh-lua-tat-ca
Hơn 32.000 người bị lừa đảo với số tiền trên 15 nghìn tỷ đồng?

Ngay cả việc Modern Tech phát hành đúng theo luật (tại Singapore), nhưng cách thức vận dụng lại sai luật thì cũng có thể có dấu hiệu của tội Lừa đảo hay Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn nếu họ làm đúng theo quy định của pháp luật, khi mức giá tiền ảo giảm xuống là chuyện bình thường và người chơi (nhà đầu tư) buộc phải chịu hậu quả về hành vi của mình theo quy định của pháp luật nước sở tại cho phép phát hành đồng tiền.

Trong quá trình đó, nhà phát hành sử dụng hành vi bất hợp pháp để kêu gọi, chiếm đoạt tiền thì rõ ràng là hành vi lừa đảo.

Các luật sư cũng đưa ra đánh giá rằng: Cần phải xem đây là hình thức đầu tư tiền ảo phát hành tại Singapore hay chỉ mượn danh bên Singapore để hoạt động chủ yếu ở Việt Nam. Đồng thời cần phải xem xét có dấu hiệu lừa đảo theo mô hình tiền ảo kinh doanh theo phương thức đa cấp hay không. Cùng với đó là xem xét công ty mẹ bên Singapore có được phép phát hành tiền ảo hay không, hay đưa ra thông tin giả để lừa dối khách hàng ở Việt Nam.

 

Người bị tố cầm đầu nhóm Ifan lừa 15 nghìn tỷ đồng bằng tiền ảo lần đầu lên tiếng

Ông Diệp Khắc Cường, người bị tố cùng với nhóm sáng lập tiền ảo Ifan - Công ty Modern Tech - chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng, vừa lên tiếng khẳng định không liên quan đến vụ việc lừa đảo.

 

Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng: Muốn được bảo vệ, hãy đầu tư theo đúng pháp luật

15.000 tỷ đồng của hơn 32.000 tài khoản đăng ký đầu tư tiền ảo iFan và Pincoin cho thấy một vấn đề rất mâu thuẫn đang tồn tại ở Việt Nam: Dù tiền ảo không được công nhận tại Việt Nam, nhưng vì kỳ vọng quá nhiều vào khả năng sinh lời mơ hồ của nó, không ít người đã đổ cả gia sản mà không hề suy tính.

 

Vụ tiền ảo 15.000 tỷ đồng: Người dân ngỡ ngàng vì công ty dùng trụ sở ‘ma’

Sau khi công ty Modern Tech bị người dân tố lừa đảo 15 nghìn tỷ đồng bằng tiền ảo iFan, dư luận thêm bàng hoàng khi được biết trụ sở đăng ký kinh doanh của công ty này không một bóng người. Theo phản ánh, Modern Tech thực chất chỉ thuê địa chỉ kinh doanh ảo chứ không hề có bất cứ hoạt động nào tại toà nhà.