Thứ hai, 09/04/2018, 12:22 PM
  • Click để copy

Vụ lừa đảo tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng: Mạo danh người nổi tiếng để 'úp sọt' 32.000 người?

Để tăng thêm lòng tin, lôi kéo được các nhà đầu tư, iFan từng khẳng định đã hợp tác với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, ca sĩ như: Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP... nghệ sĩ Hoài Linh. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ đã lên tiếng khẳng định bị lợi dụng tên tuổi và hoàn toàn không liên quan đến dự án tiền ảo này.

vu-lua-dao-tien-ao-15-nghin-ty-dong-mao-danh-nguoi-noi-tieng-de-up-sot-32-nghin-nguoi
Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ trên facebook cá nhân khẳng định không đại diện hình ảnh cho dự án tiền ảo nào.

Sự việc hàng trăm người dân cầm băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech (Quận 1, TP.HCM) để biểu tình, tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo hơn 15 nghìn tỷ đồng từ tiền ảo diễn ra sáng 8/4, gây chú ý từ dư luận.

Theo người dân, Modern Tech là đơn vị đứng ra kết nối với iFan tại Việt Nam, được sáng lập bởi 7 người mang quốc tịch Việt Nam nhưng lại "mang danh" nước ngoài. Cụ thể, dự án tiền ảo iFan gắn mác đến từ Singapore, còn pincoin thì đến từ Ấn Độ… Theo những người tham gia, iFan hứa hẹn với những người đầu từ sẽ thu về lợi nhuận trên 48% mỗi tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu bất cứ ai lôi kéo được thêm người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh “đa cấp” theo kiểu kim tự tháp.

Đáng chú ý, để tăng thêm lòng tin, lôi kéo được các nhà đầu tư iFan tự khẳng định đã hợp tác với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng trong giới nghệ sĩ như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP... nghệ sĩ Hoài Linh. Trên các trang mạng facebook mang tên iFancoin thường xuyên xuất hiện những dòng quảng cáo gắn với hình ảnh những ca sĩ, nghệ sĩ này.

Ngoài ra, còn hứa hẹn xây dựng một ứng dụng công nghệ có thể sử dụng iFan để thanh toán trực tuyến mua vé biểu diễn nhạc, phim, thanh toán khi xem các video.... của các ca sĩ, diễn viên. Nhưng thực chất sau 4 tháng kêu gọi vốn, ứng dụng này vẫn không hề được phát triển.

Sự việc này cuối cùng bị "lật tẩy" là mạo danh để chiếm lòng tin của nhà đầu tư. Đích thân nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng cho biết trong một thông báo trên fanpage rằng anh bị nhóm đa cấp nào đó mượn danh để quảng cáo, thu hút người vào hệ thống.

Trả lời báo chí, nam ca sĩ cho hay: “Họ dựng chuyện và tự cho tôi là người đại diện để PR và huy động vốn các nhà đầu tư. Tôi hoàn toàn không liên quan và đã cảnh cáo nhiều lần bằng tin nhắn và trạng thái trên trang cá nhân. Kêu gọi huy động vốn và lừa gạt là một tội ác, vì sẽ làm những người tham gia tán gia bại sản vì muốn làm giàu nhanh. Việc này khiến hình ảnh, sự uy tín của tôi bị ảnh hưởng”.

Theo nam ca sĩ, không riêng gì đầu tư tiền ảo mà hiện rất nhiều cá nhân và đơn vị làm ăn phi pháp. “Họ quá liều khi dùng hình ảnh nghệ sĩ chúng tôi để quảng cáo cho các sản phẩm bất chính của họ. Đó là những con người, tập đoàn thiếu ý thức và không có đạo đức. Chắc chắn tôi sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để đòi lại danh dự cho mình”. Đàm Vĩnh Hưng cho biết thêm, riêng ngành tóc, từ Bắc – Nam hình ảnh của anh cũng bị sử dụng, treo ở khắp nơi một cách vô tội vạ.

Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động của nhóm này là lừa đảo một cách trắng trợn. Bởi ngay cả những ca sĩ nổi tiếng mà họ quảng cáo là đại diện thương hiệu lại không hề hay biết và khẳng định không là đại diện cho dự án nào hay cuộc chơi về tiền ảo nào.

vu-lua-dao-tien-ao-15-nghin-ty-dong-mao-danh-nguoi-noi-tieng-de-up-sot-32-nghin-nguoi
Người dân căng băng rôn tố cáo đường dây lừa đảo 15.000 tỷ đồng.

Trong diễn biến khác, hiện trên các trang mạng lớn như Facebook, bắt đầu xuất hiện các nhóm như Lion Group - iFan - Pincoin (hội lừa đảo); chiến dịch đưa Lion - iFan - Pincoin đền tội trước công lý, Tiêu Diệt iFan... với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham gia nhằm để "tố giác" hoạt động lừa đảo, "gom tiền" từ các nhà đầu tư và sau đó "bặt vô âm tín".

Theo tố cáo, đến hiện tại, iFan đã kêu gọi được 32 nghìn người cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn. 

Dự án iFan yêu cầu chủ đầu tư phải mua lượng token tối thiểu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất  "khủng" lến đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian sống cho dự án.

Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi mọi người vào để hưởng hoa hồng theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả cho những người trước.

Số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) có lúc tăng đến 0.8 BTC (gần 200 triệu đồng). Công ty này luôn nâng giới hạn để không cho người đầu tư rút. Những nhà đầu tư nộp tiền thật cho công ty rồi sau đó chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình chứ cũng không mong thu hồi lại được.

 

TP HCM: Dân treo băng rôn tố công ty tiền ảo lừa đảo 15 nghìn tỉ đồng

Sáng 8/4, hàng chục người dân đã cầm băng rôn, đơn tố cáo đứng trước cửa Công ty Cổ phần Modern Tech trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP HCM) tố bị công ty này lừa đảo số tiền lên đến hơn 15 nghìn tỷ đồng, với số lượng nạn nhân trên 30.000 người.

 

Giá Bitcoin hôm nay 8/4: Tiền ảo Bitcoin liệu có đang bị thất sủng?

Tiền ảo Bitcoin hiện đang trở thành đứa con ghẻ bị thất sủng nhất của nhiều ông bố, bà mẹ của giới đầu tư khi liên tục lên xuống giá thất thường và có xu hướng tiêu cực.