Vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng: Muốn được bảo vệ, hãy đầu tư theo đúng pháp luật

Thứ ba, 10/04/2018, 11:04 AM

15.000 tỷ đồng của hơn 32.000 tài khoản đăng ký đầu tư tiền ảo iFan và Pincoin cho thấy một vấn đề rất mâu thuẫn đang tồn tại ở Việt Nam: Dù tiền ảo không được công nhận tại Việt Nam, nhưng vì kỳ vọng quá nhiều vào khả năng sinh lời mơ hồ của nó, không ít người đã đổ cả gia sản mà không hề suy tính.

Vụ việc hàng ngàn nhà đầu tư bị chiếm đoạt tài sản bởi Ifan và Pincoin đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng trước những mô hình mạo danh là góp vốn, chia sẻ lợi nhuận, nhưng trên thực tế là lợi dụng sơ hở của pháp luật Việt Nam để trục lợi.

Khó có thể đòi lại tiền từ Modern Tech và iFan

vu-lua-dao-tien-ao-15-nghin-ty-dong-mao-danh-nguoi-noi-tieng-de-up-sot-32-nghin-nguoi
Nhà đầu tư căng băng-rôn tố cáo Modern Tech lừa đảo hôm 8/4 tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Đến nay, nhìn nhận vấn đề có thể thấy rõ dấu hiệu lừa đảo của công ty Modern Tech. Trước hết, đó là việc công ty này đăng ký trụ sở kinh doanh ảo, thuê mặt bằng nhưng trên thực tế không hề sử dụng mặt bằng ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho việc kinh doanh của mình. Điểm thứ 2 là các hoạt động kêu gọi góp vốn từ người dân rất mập mờ, sử dụng trái phép hình ảnh của người nổi tiếng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên,…v.v để quảng bá.

Điểm thứ 3, cũng là điểm quan trọng nhất, đấy là hình thức kêu gọi người dân góp tiền kinh doanh tiền ảo (bitcoin) hiện nay bị cấm tại Việt Nam. Tuy nhiên, Modern Tech đã sử dụng các phương thức khác nhau trong việc thiết lập hợp đồng huy động góp vốn kinh doanh tiền ảo với các nhà đầu tư để lách luật.

Một số công ty kinh doanh tiền ảo thay vì đề cập thẳng đến “tiền ảo, bitcoin” trong các hợp đồng kêu gọi góp vốn đã thay vào đó bằng các hình thức góp vốn đầu tư sử dụng các loại phương tiện, máy móc phân tích dữ liệu và phân chia lợi nhuận từ các sản phẩm tạo ra dựa trên các loại máy này.

Ngay khi ký vào hợp đồng này, nhà đầu tư đã tự thỏa thuận ngầm với Modern Tech về việc đầu tư tiền ảo, hiểu bản chất máy phân tích dữ liệu chính là máy đào tiền bitcoin.

Với các cách thức lập lờ này, rất khó để đòi lại tiền cho các nhà đầu tư khi Modern Tech “lật mặt”, bỏ trốn vì không có căn cứ thể hiện việc khai thác “máy phân tích dữ liệu” này một cách trái pháp luật.

Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì việc sản xuất, lưu thông Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Hoàn toàn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo. Do đó, tuy thiệt hại 15.000 tỷ đồng là một con số quá khủng khiếp, nhưng rất khó để các nhà đầu tư có thể đòi lại tiền. Trong tương lai, sẽ còn xảy ra nhiều vụ tương tự nữa với nhiều nạn nhân và hệ lụy có thể còn thê thảm hơn nữa nếu các nhà đầu tư không cảnh giác với việc đầu tư tiền ảo tại Việt Nam.

Nhà đầu tư cần cảnh giác trước những lời mời siêu lợi nhuận

Hiện tại, trên thị trường có khoảng 1.300 đơn vị tiền tệ mã hóa và được chia ra làm 2 loại:

Loại thứ nhất là tiền của mạng lưới hệ thống Blockchain riêng, ví dụ như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, LiteCoin... Các đồng tiền ảo trong hệ thống blockchain có giá trị và đã được khẳng định giá trị này từ nhiều năm, thông qua hoạt động đầu tư của các công ty lớn trong lĩnh vực tiền công nghệ.

Loại thứ hai chính là các đồng được phát hành nhờ các đợt huy động vốn bằng tiền ảo của các startup, tức là những token được tạo ra dựa trên nền tảng của blockchain khác (được hiểu là đầu tư ICO - là hình thức đi kêu gọi vốn/tiền trước khi làm dự án). Modern Tech chính là điển hình của loại token này.

Sau khi có pháp nhân, Modern Tech và các công ty tương tự tích cực đưa ra các hoạt động quảng bá, thu hút nhà đầu tư. Các công ty dạng này thường sẽ thổi phồng giá đồng tiền hoặc không xác định được giá trị thực, nhà đầu tư không hề có cơ sở dữ liệu trên thị trường để đánh giá, phân tích... Với lợi nhuận kì vọng cao, gấp 4-5 lần số vốn bỏ ra trong vòng 1 năm, nên nhà đầu tư rất dễ mắc bẫy.

Thêm vào đó, các công ty ICO thường biến tướng hình thức đầu tư thành một mô hình đa cấp, trả thêm lợi nhuận cho các nhà đầu tư kêu gọi người mới tham gia hệ thống. Modern Tech cam kết trả thêm 8% số tiền nhà đầu tư thứ cấp bỏ ra cho người đứng phía trên của chuỗi. Lợi nhuận có vẻ quá rõ và quá lớn nên các nhà đầu tư mong muốn làm giàu nhanh chóng đã bị rơi vào bẫy một cách ngọt ngào.

Hoạt động góp vốn của nhà đầu tư cũng được diễn ra nhanh chóng, thường không có hợp đồng rõ ràng như đã nói ở trên. Sau khi huy động xong tiền, trong quá trình hoạt động họ sẽ chuyển đổi hình thức trả lợi nhuận bằng đồng tiền có giá trị thấp hoặc có thể biến mất luôn. Nhà đầu tư không biết tìm công ty ở đâu để đòi quyền lợi.

Đầu tư như thế nào để được bảo vệ quyền lợi

vu-lua-dao-tien-ao-15000-ty-dong-muon-duoc-bao-ve-hay-dau-tu-theo-dung-phap-luat
Nhà đầu tư chứng khoán Trần Tuấn Tài. Ảnh: NVCC

Mấu chốt của vụ lừa đảo siêu khủng 15.000 tỷ này chính là con số cam kết lợi nhuận mà Morden Tech đã đưa ra để thu hút đầu tư: Lợi nhuận ít nhất 48%/tháng (!!!) và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng. Đây là một con số lợi nhuận hiếm thấy với bất cứ hình thức đầu tư nào. Nếu chỉ nhìn con số lợi nhuận như Morden Tech đưa ra mà không xem xét bất cứ yếu tố đảm bảo nào khác, khả năng các nhà đầu tư bị mắc bẫy là rất lớn.

Nói về nhu cầu làm giàu của các nhà đầu tư trong vụ tiền ảo 15.000 tỷ đồng này, ông Trần Tuấn Tài, một chuyên gia đầu tư chứng khoán ở TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Sự việc đầu tư vào đồng tiền iFan cho thấy nhu cầu tham làm giàu nhanh luôn tồn tại, đặc biệt là nhu cầu vừa muốn làm giàu nhanh vừa muốn được nhà nước bảo hộ khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, vì hiện nhà nước chưa có chế tài đối với đồng tiền ảo, các nhà đầu tư nên quan tâm đến việc nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi pháp lý cho nhà đầu tư đối với các sản phẩm trái phiếu ở sàn giao dịch”.

Cũng theo ông Tài, trên thị trường tiền ảo, không phải không có những mã sinh lời lên đến 48%/tháng. Tuy nhiên, để bắt được khả năng sinh lời này, nhà đầu tư phải thực sự hiểu rõ về nó. “Thông thường các đơn vị thu hút tiền đầu tư dựa trên cho thấy lãi quá khứ của sản phẩm. Trong quá khứ, có những tháng những đồng tiền điện tử tăng 48% thật, nhưng lãi quá khứ không có nghĩa giá cũng sẽ như vậy trong tương lai. Nhà đầu tư cần phải hiểu tính pháp lý của sản phẩm, hiểu cơ cấu hoạt động của sản phẩm dẫn đến kỳ vọng lợi nhuận tương lai”, ông Tài nhận định.

Trước việc mong muốn được nhà nước bảo vệ khi có vấn đề xảy ra trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư nên lựa chọn cho mình phương án đầu tư thông minh hơn. Ông Trần Tuấn Tài chia sẻ: “Nên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là thị trường vừa được pháp luật bảo vệ, vừa có lãi kỳ vọng không thua con số 48%/tháng khi chọn đúng công cụ. Ví dụ mã VN30F1801 đã từng có lãi ít nhất 80% sau một tháng”.

 

Vụ lừa đảo tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng: Mạo danh người nổi tiếng để 'úp sọt' 32.000 người?

Để tăng thêm lòng tin, lôi kéo được các nhà đầu tư, iFan từng khẳng định đã hợp tác với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, ca sĩ như: Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP... nghệ sĩ Hoài Linh. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ đã lên tiếng khẳng định bị lợi dụng tên tuổi và hoàn toàn không liên quan đến dự án tiền ảo này.