Vụ mất 245 tỉ đồng tại Eximbank: Lập Vi bằng, quay clip để tránh ngân hàng phủi trách nhiệm

Chủ nhật, 25/02/2018, 17:55 PM

Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, qua vụ khách hàng mất 245 tỉ đồng tại Eximbank người gửi tiền cân nhắc các biện pháp để đảm bảo an toàn cho số tiền gửi như quay clip quá trình làm thủ tục hồ sơ, lập Vi bằng..., biện pháp này để tránh ngân hàng phủi trách nhiệm khi xảy ra mất tiền.

tsls-bui-quang-tin-lap-vi-bang-toan-bo-qua-trinh-giao-dich-de-tranh-ngan-hang-phui-trach-nhiem
Một phòng giao dịch của Eximbank ở TP HCM. Ảnh chỉ có tính minh họa

Mới đây, vụ việc bà Chu Thị Bình - khách hàng thân thiết của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã chứng khoán: EIB) bị Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh Lê Nguyễn Hưng rút ruột tài khoản 245 tỉ đồng, bỏ trốn ra nước ngoài gây xôn xao dư luận.

Vụ việc càng thu hút sự quan tâm của dư luận khi Eximbank thay vì trả số tiền cho khách hàng lại đưa ra quan điểm sẽ trả tiền khi có phán quyết của tòa án.

Câu hỏi lúc này được dư luận, khách hàng Eximbank quan tâm số tiền 245 tỉ đồng của bà Bình có được Eximbank trả lại hay phải đợi đến khi bắt được nghi can, phiên tòa diễn ra mới giải quyết? Cũng như việc làm thế nào để người gửi tiền tại ngân hàng có thể đảm bảo an toàn cho tài sản của mình?

Eximbank không thể phủi trách nhiệm

Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM; Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, việc Eximbank muốn đưa vụ việc ra toà và chờ đến khi có phán quyết của tòa mới chi trả tiền cho bà Bình là không phù hợp. Bởi trong vụ việc này tồn tại hai quan hệ, một là giao dịch dân sự giữa khách hàng và ngân hàng, hai là quan hệ hình sự.

“Với quan hệ dân sự, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền cho dù bất cứ lý do gì. Bởi người gửi tiền chỉ tin tưởng và gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải với bất cứ cá nhân nào làm việc tại ngân hàng.

tsls-bui-quang-tin-lap-vi-bang-toan-bo-qua-trinh-giao-dich-de-tranh-ngan-hang-phui-trach-nhiem
Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM; Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng Lập Vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch để tránh ngân hàng phủi trách nhiệm. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tiền khi gửi vào ngân hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ quản lý và bảo toàn tiền gửi của khách hàng. Nếu mất mát, thất thoát thì ngân hàng phải bồi thường cho khách và không phải chờ phán quyết của toà án”, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín trong trường hợp ngân hàng cố tình không chịu trả tiền, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng. Còn sau đó, ngân hàng muốn lấy lại tiền từ ông Hưng, thì ngân hàng sẽ khởi kiện lại ông này ra toà. Và khi nào tòa án phán quyết Eximbank là bên bị thiệt hại thì khi đó ông Hưng có trách nhiệm trả lại tiền cho ngân hàng.

Trong vụ việc xảy ra tại Eximbank, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nêu lên lỗ hổng hay nói chính xác hơn là bài học cho khách hàng, đặc biệt khách hàng VIP. Tiến sĩ Bùi Quang Tín phân tích, từ nhiều năm nay, hàng loạt ngân hàng đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ hoặc hàng trăm tỷ đồng (VIP).

Theo đó, khách VIP thường không đến quầy ngân hàng để giao dịch để tránh mất thời gian mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch... của ngân hàng thay thế họ thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền.

Những "đặc quyền" của khách hàng VIP theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín sẽ mang lại không ít rủi ro. Có những rủi ro đến từ những vấn đề pháp lý trong giao dịch khách hàng như ủy quyền, quyết định, đại diện, chữ ký...

Từ đó, một số cán bộ nhà băng lợi dụng kẽ hở này, sự tin cậy của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, trong đó điển hình nhất là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như của VietinBank lừa hàng nghìn tỷ đồng và mới nhất là ông Lê Nguyễn Hưng của Eximbank.

Ngoài ra theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, trong những vụ việc mất tiền trên cũng có phần chủ quan của khách hàng VIP khi "giao phó" toàn bộ tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng hoặc cứ ký khống giấy tờ, như trường hợp bà Bình mất hàng trăm tỷ đồng tại Eximbank. Lẽ ra, theo quy trình giao dịch tại nhà, thường từ 2 đến 3 nhân viên ngân hàng trở lên.

Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Nên khi nhân viên ngân hàng có liên hệ thì bà Bình đã trả lời bận. Đây là kẽ hở để ông Hưng lợi dụng chiếm đoạt tiền.

"Dù là khách hàng VIP cũng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào để tránh rủi ro. Rủi ro lớn nhất vẫn là con người, mà con người thì khó kiểm soát nhất dù có hàng loạt quy định văn bản", ông Tín nói.

Đồng thời theo Tiến sĩ Tín sai phạm cố ý của chính cán bộ ngân hàng là một nguyên nhân thường trực gây nên hậu quả rủi ro từ các giao dịch tiền gửi. Do đó các ngân hàng không thể lơ là được yếu tố này và chỉ có thẳng thắn nhìn nhận đây là một nguy cơ tiềm ẩn, thì việc quản lý rủi ro mới có hiệu quả.

Lập Vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch

Nêu một số khuyến cáo, biện pháp để người gửi tiền tại ngân hàng có thể đảm bảo an toàn cho tài sản của mình. Tiến sĩ LS Bùi Quang Tín cho biết, người gửi không nên giao dịch ngoài trụ sở mà đến thẳng các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để trực tiếp giao dịch.

Truy nã quốc tế nguyên PGĐ Eximbank

Ngày 24/2, thông tin từ văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 - Bộ Công an) cho biết C44 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP HCM, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

C44 xác định bị can Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài nên phát lệnh truy nã quốc tế bị can này.

Bị can Hưng sinh năm 1971 tại Đồng Nai, có hộ khẩu thường trú tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Theo Báo Tuổi Trẻ)

Khi nộp tiền khách hàng lưu ý ghi đầy đủ thông tin và thông số vào các chứng từ; chỉ nhận lại chứng từ, văn bản khi có chữ ký của giao dịch viên và dấu xác nhận của ngân hàng.

"Người gửi tiền có thể lưu giữ lại bằng chứng bằng việc sử dụng thiết bị di động, điện tử quay lại video clip toàn bộ quá trình giao dịch của mình.

Nếu giao dịch số tiền lớn, người gửi tiền nên cân nhắc về việc mời đơn vị thừa phát lại đến ngân hàng để lập Vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch của mình", Tiến sĩ Tín nêu giải pháp.

Việc lập Vi bằng sẽ phát sinh chi phí, tuy nhiên so với những rủi ro tiềm ẩn cho số tiền gửi của mình, thì những chi phí phát sinh đó không hề cao. Ngoài ra, người dân nên chọn những Ngân hàng uy tín trong hệ thống và chưa phát sinh những tiền lệ thất thoát tiền của người gửi để giao dịch.

Khách hàng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng. Tuyệt đối không ký khống bất cứ giấy tờ gì kể cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu, nếu không thực sự hiểu rõ.

"Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác, không truy cập các đường link lạ có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản đánh cắp dữ liệu.

Khách hàng cần đăng ký biến động số dư qua tin nhắn sms, thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, sổ tiết kiệm và ngay lập tức liên hệ với ngân hàng khi phát hiện những bất thường đối với tài khoản của mình", Tiến sĩ Bùi Quang Tín tư vấn.

 

Vụ mất 245 tỉ đồng Eximbank: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đảm bảo an toàn tiền gửi

Sau vụ việc khách hàng bị mất 245 tỉ đồng tại Eximbank, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

 

Vì sao ngân hàng Thụy Sĩ là nơi gửi tiền an toàn nhất thế giới?

Các ngân hàng Thụy Sĩ có đầy đủ các yếu tố để trở thành nơi gửi tiền an toàn nhất thế giới, từ thủ tục mở tài khoản cực kì chặt chẽ đến hệ thống bảo mật thông tin khách hàng gần như tuyệt đối.

 

Vụ mất 245 tỉ đồng tại Eximbank: Nếu ngân hàng phủi tay, còn ai dám gửi tiền?

Theo Luật sư Trương Thanh Tú trong vụ việc mất 245 tỉ đồng tại Eximbank ngân hàng lấy lý do chờ phán quyết của tòa thực chất phủi trách nhiệm, cách làm như vậy sẽ không ai dám gửi tiền vào ngân hàng