Vụ Mường Thanh kiện Chủ tịch TP Đà Nẵng: Liệu có phải chiêu cầu giờ 'né' phá dỡ sai phạm?

Thứ tư, 01/01/2020, 07:50 AM

Trong khi Đà Nẵng chuẩn bị cưỡng chế việc xây dựng trái phép tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà thì doanh nghiệp này lại gửi đơn kiện Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn và Chánh Thanh tra Sở Xây dựng. Điều này khiến dư luận đặt ra rằng việc cưỡng chế sai phạm liệu có phải dừng lại và rằng có phải doanh nghiệp định câu giờ?

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà. (Ảnh: Dân Trí).
Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà. (Ảnh: Dân Trí).

Mường Thanh kiện tất

TAND TP Đà Nẵng xác nhận đơn vị này vừa nhận được đơn bổ sung khởi kiện của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) kiện chính quyền Đà Nẵng liên quan đến các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, cưỡng chế tháo dỡ phần sai phạm của dự án này.

Người bị kiện là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn và Chánh Thanh tra Sở Xây dựng.

Được biết, ngoài việc khởi kiện, Chủ đầu tư còn có đơn kiến nghị gửi UBND quận Ngũ Hành Sơn. Trong đó đề cập đến thông báo của quận về việc chấp hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc thực hiện di dời người và tài sản, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, dịch vụ Internet, cáp truyền hình… tại các căn hộ vi phạm.

Chủ đầu tư nêu đang tiến hành khởi kiện UBND TP Đà Nẵng tại TAND TP Đà Nẵng nên UBND quận Ngũ Hành Sơn không được phép buộc thực hiện việc di dời con người, tài sản và kiến nghị tạm ngưng thực hiện các hành vi trên để chờ kết quả xét xử của Tòa án.

Liệu có phải chiêu trò câu giờ?

Việc Mường Thanh khởi kiện chính quyền Đà Nẵng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: "Liệu rằng việc cưỡng chế vi phạm có bị dừng lại chờ quyết định của Tòa án, và rằng đây có phải chiêu câu giờ của doanh nghiệp?".

Theo một số luật sư, trong nhiều trường hợp kiện cáo như trên thì chính quyền sẽ chờ quyết định của tòa án.

"Tuy nhiên, nếu chờ như thế thì chính quyền đã mắc bẫy câu giờ của đối tượng sai phạm. Nếu xác định các căn cứ là đúng thì nên thực hiện kiên quyết, không nên dây dưa... Tôi gặp nhiều vụ việc tranh chấp, xử lý kiểu này sau đó bên sai có đơn kiện ra tòa án thì chính quyền vẫn "nằm im" để chờ", vị luật sư chia sẻ.

Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho hay: Hồ sơ khởi kiện đã được nộp cho Tòa án. Tòa phải xem xét, đánh giá hồ sơ xem có tạm đình chỉ việc thi hành quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm của Mường Thanh hay không.

Trình tự được thực hiện theo Luật tố tụng hành chính. Trong đó, người khởi kiện có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ… tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện.

Như vậy, doanh nghiệp có quyền nộp đơn đề nghị tòa án tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Luật tố tụng hành chính cũng nêu, trường hợp tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục. Vì vậy, việc có áp dụng biện pháp tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính hay không phải được tòa án quyết định.

Trước khi chưa có bất kỳ văn bản có hiệu lực pháp luật nào từ tòa án đình chỉ việc thi hành các quyết định hành chính xử lý vi phạm của Mường Thanh thì quyết định của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vẫn phải được thi hành.

Trường hợp nếu có căn cứ, tòa án tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì việc đó mới được ngừng lại. Sau này, nếu tòa tuyên doanh nghiệp thắng kiện, thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường thiệt hại do việc thực hiện quyết định hành chính sai.

Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (quận Ngũ Hành Sơn).

Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà được Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp phép năm 2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm. Trong đó, từ tầng 2 đến tầng 5 được cấp phép xây dựng làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chuyển đổi công năng và xây 4 tầng trên thành 104 căn hộ.

Ngày 26/9/2016, Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư và yêu cầu ngừng thi công phần công trình vi phạm. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục thi công và rao bán 104 căn hộ trên.

Đầu tháng 12/2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã thông báo kế hoạch cưỡng chế công trình sai phạm với chủ đầu tư tại dự án này. Việc cưỡng chế dự kiến bắt đầu từ 2/2020 và kết thúc vào tháng 10/2020.

 

Khởi tố vụ chuyển nhượng 43 ha đất công ở Bình Dương

Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án vụ chuyển nhượng 43 ha đất công của Tổng Công ty Sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt TCT Bình Dương) để điều tra làm rõ sai phạm.

 

Năm 2020: Bỏ hoang đất đai bị phạt 20 triệu đồng, lấn chiếm bị phạt 1 tỷ đồng

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, quy định nhiều mức phạt mới về vi phạm đất đai.