Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Chuyên gia chỉ cách loại bỏ chất độc Styren

Thứ năm, 17/10/2019, 06:39 AM

Theo các chuyên gia hóa học muốn loại bỏ chất độc Styren cần phải biết chất Styren phát hiện ở trong nước sạch sông Đà dưới dạng nào từ đó sẽ có cách loại bỏ.

vu-nuoc-sach-song-da-nhiem-dau-chuyen-gia-chi-cach-loai-bo-chat-doc-styren
Theo các chuyên gia hóa học muốn loại bỏ chất độc Styren cần phải biết chất Styren phát hiện ở trong nước sạch sông Đà dưới dạng nào từ đó sẽ có cách loại bỏ.

Kết quả phân tích mẫu nước sông Đà cấp cho người dân có chứa Styren vượt quy chuẩn từ 1,5 đến 3,65 lần. Nguyên nhân là do hiện tượng đổ trộm dầu thải trên thượng nguồn nơi lấy nước cấp sông Đà.

Phân tích từ góc độ chuyên gia hóa học, ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam cho biết styren là một loại chất độc hại, có thể có trong xăng dầu và gây hại sức khỏe con người.

Theo nghiên cứu, styren là chất lỏng có khả năng tạo thành hỗn hợp khí gây nổ lớn nếu cất giữ trong các thùng rỗng và có chứa nhiều tạp chất, gây ô nhiễm môi trường. Hơi styren rất nguy hiểm, gây kích ứng mạnh với da và mắt. Hít phải hơi styren sẽ gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương...

Tuy nhiên, theo ông Bái, việc phát hiện styren trong sự cố dầu thải tràn vào nước sạch vẫn chưa hẳn là thông tin cuối cùng, vì có thể còn tồn lưu chất khác và cần phân tích.

Ông Bái cho biết hiện đã có Công ty SOS Môi trường chuyên về ứng phó các sự cố tràn dầu lên xử lý. Tuy nhiên, thông thường chỉ xử lý được phần dầu nổi, còn dầu đã qua sử dụng - tức đã có biến đổi hóa học thì việc xử lý sẽ khó khăn hơn.

Theo GS. Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Styren là hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu.

Ông nói Styren thường được dùng để sản xuất các sản phẩm nhựa plolystyren, polyme như hộp xốp đựng đồ ăn, sợi thủy tinh...

vu-nuoc-sach-song-da-nhiem-dau-chuyen-gia-chi-cach-loai-bo-chat-doc-styren
Muốn loại bỏ chất độc Styren cần phải nắm được đây là dạng nào

Đối với cơ thể con người, nếu bị nhiễm chất Styren với hàm lượng cao, trong thời gian dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh và cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư thực quản, tuyến tụy...

Nói về việc loại bỏ styren trong nước sạch sông Đà, trả lời trên Trí Thức Trẻ, GS.TS Lưu Văn Bôi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Hóa học (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cũng cho rằng, cần phải làm rõ xem chất Styren phát hiện ở trong nước sạch sông Đà dưới dạng nào.

Ông nói, Styren thường được dùng dưới 2 dạng là dung môi và dùng để sản xuất các sản phẩm như polyme.

"Nếu Styren là xốp thì không tan trong nước còn Styren ở dạng dung môi thì nhẹ hơn nước và không tan trong nước. Do đó, có thể vớt được, dùng phao quây lại để thu gom", GS Bôi nói.

Nhưng, theo GS Bôi ở đây cần phải nắm được là dầu thải của các loại động cơ, xử lý bề mặt... thì trong đó, có đủ thứ chất bẩn, kim loại, muối kim loại các chất phụ gia...

"Những chất này có thể tan trong nước và đây chính là nguyên nhân gây độc, bẩn, mùi. Tuy nhiên, do không lấy mẫu, không tham gia làm xét nghiệm nên tôi không thể biết những chất có trong đó là gì và mức độ ra sao.

Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ và thông tin cho nhân dân được biết", GS Bôi nói.

vu-nuoc-sach-song-da-nhiem-dau-chuyen-gia-chi-cach-loai-bo-chat-doc-styren
Lẽ ra một nhà máy nước lớn như sông Đà phải có hệ thống giám sát tự động từ xa, để khi xảy ra sự cố sẽ kịp thời xử lý.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng ô nhiễm nguồn nước là vấn đề rất nghiêm trọng. Vì thế, vụ việc đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn nói trên có thể sẽ ảnh hưởng đến cả triệu người dân ở hạ lưu.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong những sự cố lớn về nguồn xảy ra trong thời gian vừa qua, đặc biệt là vụ việc nêu trên, có thể thấy nhiều bất cập và lúng túng trong khâu giám sát. Điều này không chỉ khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước không được đảm bảo, mà còn gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng tới nhu cầu sinh hoạt và sức khỏe con người.

Theo ông, lẽ ra một nhà máy nước lớn như sông Đà phải có hệ thống giám sát tự động từ xa, để khi xảy ra sự cố sẽ kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, khi phát hiện dầu thải ở đầu nguồn nước, phía nhà máy phải đưa ra những cảnh báo kịp thời và cơ quan chức năng cần ra phát ngôn, cung cấp thông tin. Người dân phải được quyền thông tin đầy đủ về sự việc, mức độ ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình.

“Qua sự việc trên, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra và làm rõ trách nhiệm đối với phía nhà máy nước để xảy ra sự cố này,” ông Tứ nhấn mạnh.