Vụ Pate Minh Chay là hệ quả tất yếu khi cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm?

Thứ tư, 02/09/2020, 11:22 AM

Vụ việc Pate Minh Chay gây ngộ độc khiến nhiều người phải giật mình bởi sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng trong việc cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm.

Vụ Pate Minh Chay gây ngộ độc bộc lộ cách quản lý lỏng lẻo.

Vụ Pate Minh Chay gây ngộ độc bộc lộ cách quản lý lỏng lẻo.

Lỗ hổng Pate Minh Chay ở đâu?

Vụ việc Pate Minh Chay có khuẩn độc clostridium botulinum gây ngộ độc cho hàng loạt người đang khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng.

Bản chất của Pate Minh Chay là một loại thực phẩm chức năng (TPCN) do doanh nghiệp tự công bố chất lượng, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP HCM): Căn cứ Luật an toàn thực phẩm và nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì hiện nay điều kiện để làm một sản phẩm thực phẩm buộc cơ sở sản xuất phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phải công bố hợp quy sản phẩm (nghĩa là công bố chất lượng sản phẩm, khi làm công bố hợp quy, nhà sản xuất phải lấy mẫu để kiểm nghiệm).

Muốn vậy, cơ sở sản xuất phải làm hồ sơ nộp Cục An toàn thực phẩm, trong đó cơ sở sản xuất phải chứng minh nguồn gốc nguyên vật liệu, pháp nhân doanh nghiệp, khu sản xuất chế biến, nhân viên đã tập huấn an toàn thực phẩm...

Cơ sở sản xuất Pate Minh Chay đóng cửa. (Ảnh: Thanh Niên).

Cơ sở sản xuất Pate Minh Chay đóng cửa. (Ảnh: Thanh Niên).

Sau 15 ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra thực tế. Nếu đạt điều kiện, Cục An toàn thực phẩm sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm, còn việc công bố hợp quy sản phẩm sẽ công bố định kỳ 6 tháng 1 lần.

Thông thường, đoàn kiểm tra kết hợp giữa UBND và Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng có thể lấy mẫu để kiểm tra. Còn các lỗi phát sinh trong khâu sản xuất, chế biến thì cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Thảo cho rằng đây cũng là một lỗ hổng trong quá trình sản xuất sản phẩm thực phẩm bởi cơ quan chức năng không thể kiểm tra mẫu của từng lô hàng.

Mỗi ngày Cục ATTP 'cho ra lò' hàng chục "bùa hộ mệnh" TPCN

Theo khảo sát của PV, thời gian qua, Cục ATTP mỗi ngày cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho hàng chục sản phẩm của hàng chục doanh nghiệp.

Rất nhiều doanh nghiệp sau đó sử dụng giấy này như thể "bùa hộ mệnh", một chứng nhận pháp lý của cơ quan Y tế để quảng cáo, rao bán thực phẩm chức năng, thậm chí biến chúng thành thần dược chữa bệnh... đánh lừa người tiêu dùng.

Mỗi ngày Cục ATTP cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm cho hàng chục sản phẩm TPCN. (Chỉ trong ngày 1/9 đã có 10 sản phẩm của 10 doanh nghiệp được cấp giấy).

Mỗi ngày Cục ATTP cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm cho hàng chục sản phẩm TPCN. (Chỉ trong ngày 1/9 đã có 10 sản phẩm của 10 doanh nghiệp được cấp giấy).

Thế nhưng khâu hậu kiểm, giám sát các sản phẩm của cơ quan chức năng gần như bỏ ngỏ, chỉ đến khi báo chí, dư luận lên tiếng thì những vi phạm mới được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Đơn cử như vụ việc TPCN có tên Koras dạ dày do Công ty TNHH Dược phẩm Hợp Nhất (địa chỉ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Nguyễn Việt Bắc (SN 1991, quê Thanh Hóa) làm chủ được chúng tôi phản ánh hồi tháng 12/2019 vừa qua.

Theo đó, mặc dù bản chất chỉ là viên uống TPCN nhưng trên mạng sản phẩm Koras dạ dày này bỗng dưng được biến thành một loại thuốc thần dược chữa bệnh dạ dày được Công ty TNHH Dược phẩm Hợp Nhất phối hợp với chuyên gia Liên Xô sản xuất.

Cũng chỉ bằng tờ giấy tiếp nhận đăng ký sản phẩm với dấu đỏ và chữ ký của Cục ATTP, sản phẩm TPCN này sau đó ngang nhiên quảng cáo được Bộ Y tế chứng nhận và bán cho người tiêu dùng trong thời gian dài.

Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm được cơ sở sử dụng như bùa hộ mệnh để đán lừa người tiêu dùng như thể một chứng nhận về chất lượng.

Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm được cơ sở sử dụng như bùa hộ mệnh để đán lừa người tiêu dùng như thể một chứng nhận về chất lượng.

Sau khi chúng tôi phản ánh, phải rất lâu, rất nhiều lần trao đổi, Sở Y tế Hà Nội mới yêu cầu đại diện Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả sau đó chỉ là nhắc nhở và không có căn cứ xử phạt vì Công ty này không nhận việc quảng cáo trên là do Công ty làm mà đổ cho đối tác khác...

Đối chiếu lại vụ việc Pate Minh Chay nhiều người dân không hết lo lắng khi cách quản lý, giám sát, cấp giấy tờ của cơ quan quản lý y tế, Cục ATTP hiện nay.

Pate Minh Chay tự công bố những gì?

Theo báo cáo của người đại diện và căn cứ bản tự công bố, cơ sở này sử dụng các nguyên liệu: chân nấm hương hữu cơ, chân nấm hương, mộc nhĩ, nấm hương khô, nấm hương khô organic, nấm đùi gà to, nấm đùi gà non, nấm sò yến, nấm sò (nấm bào ngư), nấm rơm, hạt dẻ cười, hạt bí đỏ, hạt hướng dương, đậu xanh, gạo, hạnh nhân, dầu hướng dương, dầu ô liu, hạt điều, hạt óc chó, lạc, bột mì, nước tương, bột nêm, hạt tiêu, muối tre, nước mắm từ thực vật.

Nhưng tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm (hợp đồng, hóa đơn); chưa cung cấp được các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1/7 - 28/8 để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngày 20/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội trực tiếp đi kiểm tra cơ sở sản xuất sản phẩm pate Minh Chay và lấy mẫu pate xét nghiệm.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nơi đây không đạt yêu cầu về điều kiện sản xuất như: trang thiết bị, vệ sinh, hệ thống cống rãnh thoát nước. Chi cục đã giao Trung tâm y tế H.Đông Anh thực hiện tạm ngừng hoạt động đối với cơ sở này, yêu cầu khắc phục.

Các sở đá bóng trách nhiệm

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/9, Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Cách đây 3 ngày, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo 3 sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT), Y tế, Công thương kiểm tra, báo cáo.

Theo bà Lan, vụ patê Minh Chay liên quan Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới, trách nhiệm trong vụ việc này thuộc ngành nông nghiệp.

Việc cấp giấy an toàn thực phẩm thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở NN&PTNT. Tháng 5/2020, chi cục đã có kiểm tra chất lượng và thông báo các mẫu đều đạt tiêu chuẩn.

Bà Lan cho biết sau khi xảy ra ngộ độc với người tiêu dùng, Sở NN&PTNT đã đến kiểm tra, làm việc với công ty, lấy 11 mẫu để xét nghiệm, nên "vụ việc này không thuộc trách nhiệm của Sở Công thương".

Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ cho hay: Đại diện Sở NN&PTNT cho biết "có tham gia đoàn nhưng đầu mối, thông tin là bên Sở Y tế chủ trì".

Ông Chu Phú Mỹ - giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội xác nhận lực lượng chức năng của sở đã cùng Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất patê Minh Chay. Sở Y tế là đơn vị đầu mối đánh giá, phân tích sau khi đi kiểm tra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) Bộ NN&PTNT cho biết: Chiều 31/8 Nafiqad đã có công văn yêu cầu sở NN&PTNT các tỉnh thành trên cả nước và ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Bài liên quan