Thứ ba, 12/11/2019, 07:10 AM
  • Click để copy

Vụ Seven.AM bị nghi cắt mác Trung Quốc: Ông Nguyễn Vũ Hải Anh nói do nhân viên tự ý

Giải thích về việc cắt mác Trung Quốc, ông chủ Seven.AM Nguyễn Vũ Hải Anh thừa nhận sai sót trong khâu quản lý xuất xứ hàng hóa và nói rằng: "Đã rà soát hệ thống và phát hiện do sơ xuất phía nhân viên ở kho". Đồng thời cho rằng, vì khách hàng kêu ngứa....! 

Thương hiệu Seven.AM gắn với tên tuổi diễn viên Hài Nguyễn Vũ Hải Anh. (Ảnh: IT).
Thương hiệu Seven.AM gắn với tên tuổi diễn viên Hài Nguyễn Vũ Hải Anh. (Ảnh: IT).

Diễn biến mới nhất vụ việc thời trang Seven.AM bị tố một số sản phẩm có dấu hiệu cắt nhãn mác Trung Quốc, gây xôn xao dư luận.

Mới đây, doanh nhân diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh - Chủ thương hiệu thời trang Seven.AM tiếp tục có những trả lời liên quan về vụ việc, trong đó thừa nhận sai sót và cho biết, lỗi là do phía nhân viên ở kho. Đồng thời giữ nguyên ý kiến cắt mác là do khách hàng kêu ngứa.

Cụ thể: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô trong bài "ông chủ Seven.AM thừa nhận sai, nhận trách nhiệm với người tiêu dùng" thông tin: Trong buổi làm việc với báo vào sáng 11/11, ông Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết, thương hiệu thời trang Seven.AM được xây dựng với định hướng là dòng thời trang may mặc mang thương hiệu Việt Nam.

Những năm qua, hầu hết các mẫu sản phẩm may mặc gồm: quần, áo, chân váy, đầm, áo khoác…. được xác định là dòng sản phẩm chủ lực của thương hiệu này, những sản phẩm này đều được thiết kế, gia công trong nước và được may tem mác Seven.AM ghi rõ xuất xứ "Made in Vietnam".

Đáng chú ý, bên cạnh những dòng sản phẩm may mặc chủ lực nói trên, Công ty Cổ phần MHA có đặt mua hàng theo mẫu của Seven.AM  từ Trung Quốc một số loại phụ kiện như túi, ví... Những dòng sản phẩm này cũng mang thương hiệu Seven.AM.

Ngoài ra, do nhu cầu về trang phục Thu - Đông của khách hàng có xu hướng gia tăng, công ty cũng đã nhập thêm một số lượng nhỏ sản phẩm áo len, áo dạ và khăn.

Ông chủ Seven.AM thừa nhận: "Đối với những sản phẩm này, chúng tôi có sai sót trong khâu quản lý xuất xứ hàng hóa do nhà cung cấp cung ứng, đã không gắn nhãn phụ cho sản phẩm, dẫn tới việc khi tới tay người tiêu dùng chưa thực sự được minh bạch về nguồn gốc xuất xứ".

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Vũ Hải Anh khẳng định không chủ trương may tem mác Seven.AM lên những sản phẩm này.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra quần áo tại Seven.AM.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra quần áo tại Seven.AM. (Ảnh: Báo Giao Thông).

Về việc một số sản phẩm gắn thẻ bài tên Seven.AM như ghi nhận được, ông Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết đã rà soát hệ thống và phát hiện do sơ xuất phía nhân viên ở kho và yêu cầu toàn bộ phận chấn chỉnh lại để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, giải thích về việc những sản phẩm được nhập về còn lưu trữ trong kho phải trải qua qua 3 bước xử lý như điều tra của báo chí, ông Nguyễn Vũ Hải Anh trần tình: "Việc làm này cũng do trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường có một vài khách hàng kêu ngứa nên chúng tôi cho nhân viên cắt bỏ".

"Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì theo chủ trương là không gắn mác SEVEN.AM. Các nhân viên ở cửa hàng cũng phải nói rõ đây là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, đặc thù của bán hàng thời trang may mặc là thời gian làm ngắn hạn nên các cửa hàng cũng thay đổi nhân viên liên tục dẫn đến tình trạng những người mới chưa được đào tạo bài bản cách giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho khách hàng”.

Liên quan đến vụ việc này, trong sáng 11/11, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã chia thành 5 Tổ tiến hành kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.AM.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hoá đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Đồng thời, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định. Chính vì vậy, Đội Quản lý thị trường số 14 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ. 

Thế nhưng theo báo Giao Thông: Tại thời điểm kiểm tra, ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần MHA, sở hữu thương hiệu Seven.AM cho biết, đơn vị chỉ làm thương mại, không sản xuất. Sau khi thiết kế sẽ chuyển sản cho Công ty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh (Công ty Bảo Anh) may thành phẩm. "Tất cả các sản phẩm Seven.AM được sản xuất trong nước".

Hơn 9.000 sản phẩm của Seven.AM bị niêm phong sau buổi kiểm tra.
Hơn 9.000 sản phẩm của Seven.AM bị niêm phong sau buổi kiểm tra.

Trước đó, phát ngôn "cắt mác vì khác kêu ngứa" của diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh bị nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng là ngụy biện, diễn hài trên thị trường. Bởi lẽ việc cắt bỏ mác là điều cấm kỵ trong kinh doanh thời trang vì việc cắt mác sẽ khiến người dùng không biết nguồn gốc của sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cách giải thích của ông chủ Seven.AM Nguyễn Vũ Hải Anh rất khó chấp nhận.

“Đây là ngụy biện của một gian thương! Nhãn mác là những thứ thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chứ không thể thích cắt đi, may lại là được”, ông Doanh nói.

Trong khi đó chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cũng cho rằng, việc việc Seven.AM nhập hàng Trung Quốc nhưng gán mác "made in Vietnam" là cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị khởi tố theo Luật hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn.

Các luật sư thì cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, điều tra và truy cứu hình sự nếu sự việc đúng như điều tra của báo chí.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/vu-seven-am-bi-nghi-cat-mac-trung-quoc-ong-nguyen-vu-hai-anh-noi-do-nhan-vien-tu-y-141468.html