Vụ SEVEN.am cắt mác Trung Quốc 'vì khách kêu ngứa': Thị trường không phải sân khấu hài

Thứ hai, 11/11/2019, 07:09 AM

Ông chủ thời trang SEVEN.am là diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh xác nhận với báo chí có nhập hàng Trung Quốc, đôi khi cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa. Tuy nhiên câu trả lời trên bị nhiều người cho là ngụy biện, coi thường dư luận, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.

Trả lời của diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh - ông chủ Thời trang SEVEN.am rằng cắt mác Trung Quốc vì khách kêu ngứa bị đánh giá là ngụy biện.
Trả lời của diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh - ông chủ Thời trang SEVEN.am rằng cắt mác Trung Quốc vì khách kêu ngứa bị đánh giá là ngụy biện.

Nói cắt mác Trung Quốc vì khách kêu ngứa là ngụy biện

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến các thông tin phản ánh "tố cáo" nhãn hiệu thời trang SEVEN.am Nguyễn Vũ Hải Anh thuộc Công ty Cổ phần MHA có dấu hiệu "cắt gốc, thay mới", cắt mác Trung Quốc.

Trả lời báo chí trước lùm xùm này, doanh nhân Nguyễn Vũ Hải Anh - ông Chủ của thời trang SEVEN.am cũng là gương mặt quen thuộc với khán giả trong seri hài "Làng ế vợ" nhiều năm qua cùng một số phim truyền hình... đã xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn.

Diễn viên hài đồng thời là ông chủ hãng thời trang SEVEN.am khẳng định: "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ "đây là hàng Trung Quốc".

Thế nhưng câu trả lời "cắt mác vì khách hàng kêu ngứa" của ông chủ hãng thời trang SEVEN.am đang khiến dư luận phẫn nộ, nhiều bạn đọc và chuyên gia đánh giá đây là câu trả lời mang tính ngụy biện, không trung thực. Thậm chí nhiều bạn đọc nói rằng, diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh đang diễn hài trước dư luận bởi ai cũng hiểu việc cắt mác sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng là hành động tối kỵ trong kinh doanh.

Chị Lý một độc giả chia sẻ: "Tôi thi thoảng vẫn mua sắm tại hãng thời trang SEVEN.am, tôi rất thất vọng trước sự việc. Tôi cho rằng, khách hàng không thiếu tay cũng không lười đến mức không cắt được cái mác sản phẩm nếu cảm thấy ngứa. Mà nói như họ thì khó chấp nhận bởi không phải khách hàng nào cũng kêu để mác sẽ gây ngứa. Mác là chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tại sao lại phải kêu?"

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế khi được hỏi cũng đánh giá câu trả lời của ông chủ hãng thời trang SEVEN.am là ngụy biện.

Bình luận sự việc với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cách giải thích của ông chủ SEVEN.am Nguyễn Vũ Hải Anh rất khó chấp nhận.

“Đây là ngụy biện của một gian thương! Nhãn mác là những thứ thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chứ không thể thích cắt đi, may lại là được”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, những phân trần của ông Nguyễn Vũ Hải Anh là thiếu thuyết phục và có dấu hiệu lừa dối khách hàng. “Nếu ông chủ SEVEN.am khẳng định không cắt mác Trung Quốc để thay bằng nhãn hiệu của mình thì phải chứng minh được những sản phẩm đó được sản xuất ở đâu, trang thiết bị thế nào và có thiết kế riêng không? Nếu không chứng minh được những điều này, ông Nguyễn Vũ Hải Anh đang lừa dối khách hàng.

Công đoạn cắt chữ Trung Quốc tại kho SEVEN.AM. (Ảnh: Cắt từ clip của báo Tuổi Trẻ Thủ Đô).
Công đoạn cắt chữ Trung Quốc tại kho SEVEN.AM. (Ảnh: Cắt từ clip của báo Tuổi Trẻ Thủ Đô).

Theo đánh giá của chuyên gia Lê Đăng Doanh, vụ việc Seven.am cắt mác này đang có dấu hiệu rất giống với vụ Khaisilk và Asanzo.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Khải Silk, SEVEN.am là những doanh nghiệp đang bán hàng thương hiệu vì thế giá trị gia tăng rất lớn. Họ khiến khách hàng tin rằng, sản phẩm đó đều được họ thiết kế và sản xuất ở Việt Nam. Khách hàng khi đến với các thương hiệu này đều chấp nhận bỏ một số tiền lớn để trả thêm cho nguyên liệu, thiết kế nhưng những gì họ nhận được, giá trị lại không đúng mong muốn.

"Trong trường hợp đúng SEVEN.am cắt mác Trung Quốc dán nhãn của mình thì cũng giống như Khaisilk, nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả. Còn nếu nặng thì có thể chiếu theo tội lừa đảo khách hàng", ông Doanh nói.

Để xảy ra những câu chuyện như Khaisilk, Asazo, theo ông Doanh việc này một phần là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để lại. Khi Mỹ áp đặt thuế cao lên các hàng hóa của Trung Quốc, khiến giá thành sản phẩm của nước này luôn cao vọt. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng tìm cách xuất sang một số nước không bị áp thuế như Việt Nam. Sau đó, các sản phẩm này được gắn mác Việt đi Mỹ để tránh thuế.

Ngoài ra, vì giá thành hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc thường rẻ hơn, do đó, các công ty Việt vì “hám lợi” thường nhập về rồi gắn mác thương hiệu của mình để thu lợi bất chính.

“Những vụ việc này gây tổn hại rất lớn đến nền kinh tế. Nó không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những thương hiệu Việt làm ăn nghiêm túc. Khi đứng trên trường quốc tế, chắc chắn sẽ có những nghi ngờ và có những quy định gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu, giao dịch của Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp có tâm sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, ngân sách nhà nước vì thế sẽ giảm đi”, ông Doanh bày tỏ.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Cùng nêu ý kiến, chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu rõ: Đây không không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam dán nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc, mà đã trở thành “vấn nạn” chung bởi trước đó ông chủ thương hiệu Khaisilk cũng thừa nhận Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam.

"Có như vậy là bởi hàng Việt Nam và thương hiệu Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi quản lý nhà nước như lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, Công an kinh tế phải đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, ngăn chặn từ gốc là khu vực biên giới, không nên để hàng lậu, hàng giả lọt tới thị trường nội địa mới ngăn chặn thì quá muộn.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cơ quan nhà nước có chịu làm hay không bởi có không ít trường hợp chính cán bộ Nhà nước “bảo kê” cho buôn lậu, sản xuất hàng giả".

Ông chủ của thời trang SEVEN.am là diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh khá quen thuộc với khán giả truyền hình trong các bộ phim hài. (Ảnh: IT).
Ông chủ của thời trang SEVEN.am là diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh khá quen thuộc với khán giả truyền hình trong các bộ phim hài. (Ảnh: IT).

Trong khi đó chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cũng cho rằng, việc việc SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc nhưng gán mác "made in Vietnam" là cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị khởi tố theo Luật hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn.

Tuy nhiên để ngăn chặn tận gốc, không để xảy ra những sai phạm tượng tự bên cạnh lực lượng chức năng, cơ quan quản lý quyết liệt ngăn chặn còn đòi hỏi cơ quan xây dựng pháp luật cần đẩy nhanh việc sửa đổi pháp lý theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt, bởi mức xử phạt hành vi sản xuất hàng giả hiện quá nhẹ không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

“Đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng là không đáng kể so với khoản lợi nhuận quá lớn từ việc sản xuất lưu thông hàng giả. Điều này khiến tội phạm trong lĩnh vực này dễ dàng tái phạm và vi phạm ngày càng gia tăng”, ông Phạm Bá Dục nêu rõ.

Có thể truy cứu hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cũng cho rằng việc một doanh nghiệp thương mại cắt nhãn mác hàng hoá để dán mác thương hiệu khác vào là hành vi lừa dối khách hàng.

Theo quy định của pháp luật thì lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng khi thực hiện hợp đồng mua, bán.

Hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp nếu có khách hàng mà thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì người lừa dối khách hàng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Lừa dối khách hàng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan thuế sẽ làm rõ các sai phạm, trách nhiệm khác của doanh nghiệp này trong việc xuất nhập khẩu, kê khai nộp thuế. Nếu đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét giải quyết. Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự về các tội danh như: trốn thuế, buôn lậu, lừa dối khách hàng thì vẫn có thể xem xét trách nhiệm bằng chế tài hành chính nếu có vi phạm.

“SEVEN.am là một thương hiệu có tiếng trong thời gian gần đây, việc kinh doanh của công ty này có ảnh hưởng lớn đến thị trường và quyền lợi của rất nhiều người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, mức độ vi phạm để có hình thức xử lý cho phù hợp”, luật sư Cường nói.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/vu-seven-am-cat-mac-trung-quoc-vi-khach-keu-ngua-thi-truong-khong-phai-san-khau-hai-141366.html