Vụ tăng giá điện: Kiểm toán Nhà nước có thể vào cuộc

Thứ năm, 30/05/2019, 18:51 PM

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc việc tăng giá điện, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đang giao Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào kế hoạch kiểm toán 2019 nội dung về giá điện.

vu-tang-gia-dien-kiem-toan-nha-nuoc-co-the-vao-cuoc
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đang giao Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào kế hoạch kiểm toán 2019 nội dung về giá điện. Ảnh minh họa

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội diễn ra chiều ngày 30/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành khoảng 10 phút giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ông nói về nguyên nhân và thời điểm tăng giá điện, biểu giá điện và việc kiểm soát chi phí của Tập đoàn Điện lực EVN.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tổng chi phí đầu vào của ngành điện năm 2019 tăng thêm khoảng 20.032 tỷ đồng. Trong đó điều chỉnh giá than 2 đợt với khoản tiền 5.412 tỷ đồng; điều chỉnh giá than trộn vào than nhập khẩu là 1.920 tỷ; tăng giá khí trong bao tiêu 5.852 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí trên bao tiêu 600 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá 5.042 tỷ đồng.

“Để đảm bảo bù đắp chi phí tăng thêm và lợi nhuận tối thiểu cho EVN là 3%, doanh nghiệp này và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án tăng giá là 7,31%; 8,36% và 9,26%. Thường trực Chính phủ đã xem xét rất kỹ và chọn phương án 8,36%”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó thủ tướng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ ngành phối hợp cùng EVN liên quan tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng, minh bạch chi phí đầu vào. Theo tính toán, hao hụt điện năng năm 2018 đạt 6,83%, giảm được 0,37% so với mục tiêu 2020 của Chính phủ. Chính phủ cũng yêu cầu EVN giảm 7% chi phí thường xuyên hàng năm.

Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cũng nhấn mạnh Chính phủ đang yêu cầu tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý, mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện, rà soát nghiên cứu xây dựng mô hình bán lẻ điện cạnh tranh phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc này sẽ thí điểm vào năm 2021.

Trước đó, thảo luận tại hội trường, liên quan giá điện, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bộ Công Thương đã có tờ trình về việc tăng giá điện, giá xăng dầu dài gần 20 trang với rất nhiều con số khẳng định Bộ làm đúng.

“Lấy ví dụ bản thân là bác sĩ, cho dù phác đồ đúng nhưng bệnh nhân không tốt lên thì tôi phải xem xét lại. Nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai có thể sai. Lúc này phải dừng lại suy xét, không bảo thủ, che giấu sai lầm.

Vậy nên, khi rất nhiều người dân phản ứng bức xúc, Bộ Công thương phải tìm các giải pháp rút kinh nghiệm phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát của mình trong thời gian qua trong việc điều hành giá xăng dầu.

Tại sao nguồn gốc sâu xa, có việc độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán, truyền tải điện”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu kết thúc phần phát biểu của mình.

201505221628182264_DSC_8312 - ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương  Ninh Thuận
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

Phát biểu thẳng thắn về giá điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nói rằng, từ thủa khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi".

Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên kỳ tăng giá điện vừa qua rất mập mờ, cần làm sáng tỏ; có hay không giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% như doanh nghiệp công bố.

Ông Cương cho hay, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, một người dân nêu vấn đề đáng suy nghĩ là, "cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao ấy vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp, tối thiểu 100 – 150 kw/h, chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo, khó khăn".

"Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn, không phải tiết kiệm bằng mọi giá. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, vì cứ tăng xong đổ cho thời tiết là hợp lý nhất đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói.

vu-tang-gia-dien-kiem-toan-nha-nuoc-co-the-vao-cuoc
Giá điện làm nóng nghị trường Quốc hội hôm nay 30/5.

Ngoài ra, EVN cho rằng giá điện của Việt Nam thấp so với các nước nhưng đó là so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào; doanh nghiệp độc quyền như EVN được nhà nước ưu đãi đủ thứ, "có giống nhau đâu mà so sánh và chưa kể đến thu nhập đầu người của Việt Nam thấp". Trong khi đó, ở một nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn "thì sao chẳng thấy ai so sánh".

"Cứ ra rả rằng tăng giá điện thì các bên đều được lơi nhưng thực tế thì người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy", ông Cương nói và nêu vấn đề, lần nào tăng giá điện cũng nói là để có nguồn kinh phí tái đầu tư ngành điện, nhưng một doanh nghiệp độc quyền luôn thua lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không?.

Vị đại biểu nói thêm, "lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có thực hiện được hay không? Tôi nghe một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và thất thoát do chậm tiến độ là tất yếu".

Ông Nguyễn Sỹ Cương đề nghị công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện để cho thấy bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN.

 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Phía Trung Quốc chưa chuyển tài liệu chứng nhận an toàn

Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa được cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống...

 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: EVN chọn đúng lúc trời nắng nóng để tăng giá điện...

Thảo luận về việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, tăng giá điện ai cũng nói lợi nhưng lợi đâu chẳng thấy...

 

'Tẩy chay' Huawei, Mỹ tăng cường nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ Việt Nam

5 tháng đầu năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%...