Vụ triệu tập cán bộ CDC: Mua máy xét nghiệm giá cao hơn thị trường nhiều lần?

Chủ nhật, 19/04/2020, 08:42 AM

Thông tin việc Bộ Công an đã gọi một số cán bộ của CDC, Chủ tịch Hà Nội cho biết: Nhiều dấu hiệu tình trạng tăng giá vẫn diễn ra. Không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm và CDC Hà Nội.

Hình ảnh người dân xếp hàng dài test nhanh COVID-19. (Ảnh: IT).

Hình ảnh người dân xếp hàng dài test nhanh COVID-19. (Ảnh: IT).

Mua máy giá cao hơn thị trường?

Tin tức về việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã mời một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) làm việc xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19, đang được dư luận hết sức quan tâm.

Thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo thành phố về phòng chống dịch COVID-19 sáng 17/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đã chỉ đạo Công an thành phố và ngành công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu tình trạng tăng giá vẫn diễn ra. Không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm và CDC Hà Nội.

Báo Tuổi Trẻ TP HCM trong bài viết: "Vì sao Bộ Công an triệu tập một số cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội?" đưa ra thông tin khiến nhiều người rúng động. Đó là những tiết lộ về việc mua bán máy móc cao gấp nhiều lần so với giá thị trường.

Cụ thể theo báo này: Thời gian vừa qua CDC Hà Nội có mua thêm một hệ thống xét nghiệm realtime PCR, do số lượng mẫu nghi nhiễm COVID-19 cần xét nghiệm gia tăng (Hà Nội đã có 2 máy tương tự, một đơn vị đối tác cũng cho mượn 6 máy), đủ khả năng xét nghiệm 2.000 – 2.500 mẫu/ngày (chạy 24/24 giờ).

Về giá thành thiết bị, loại Hà Nội đã mua là hệ thống bao gồm đầy đủ các máy kèm theo như máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu (realtime PCR) khoảng 7 tỉ đồng. Trong khi đó, một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết giá một hệ thống xét nghiệm như thế này không quá 4 tỉ đồng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền xác nhận ngay sau khi cơ quan Công an làm việc với một số cán bộ CDC, Sở Y tế đã đến kiểm tra toàn bộ hồ sơ chứng từ, hợp đồng liên quan đến thiết bị này.

Ông Hiền cho biết, đoàn kiểm tra của sở chưa phát hiện sai sót mà mới thấy một số chi tiết nhỏ có thể “nhầm” như ngày ký hợp đồng, ngày lấy máy…

Về giá của thiết bị, ông Hiền cho biết còn một số tỉnh thành khác mua thiết bị tương tự Hà Nội, cũng với mức giá trên dưới 7 tỉ đồng. “Chúng tôi đang đợi cơ quan chức năng xem xét cụ thể sai ở đâu, bộ phận nào sai sót sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Hiền nói.

Theo phản ánh: Không chỉ Hà Nội có tình trạng mua hệ thống xét nghiệm giá cao mà đã có nhiều tỉnh thành mua thiết bị này với giá khoảng 7 tỉ đồng, cao hơn so với thị trường.

Đáng chú ý, dự trù trang thiết bị phòng chống dịch cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (dự trù ký ngày 26/3) cho tình huống bệnh nhân gia tăng, giá một máy realtime PCR được dự trù tới 15 tỉ đồng, máy tách chiết 2 tỉ đồng.

Cả hệ thống xét nghiệm này nếu mua theo dự trù và báo giá của doanh nghiệp cung cấp lên tới 17 tỉ đồng, cao gấp 4-5 lần so với thị trường. Được biết, có 4-5 tỉnh thành phía Bắc và miền Trung đã mua hệ thống thiết bị realtime PCR với giá xấp xỉ 7 tỉ đồng, mức giá cao hơn so với thị trường thông thường.

Thậm chí có 2 tỉnh đã mua hệ thống thiết bị cũng 7 tỉ đồng/hệ thống, nhưng lại là hệ thống “đóng”, chỉ có thể xét nghiệm các virus, vi khuẩn gây bệnh theo danh mục sẵn, còn COVID-19 là bệnh mới, không bao gồm trong danh mục sẵn này.

Tham nhũng trong dịch bệnh là có tội với dân, mang tiếng với Quốc tế

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao cho Sở Y tế và Quản lý thị trường, Công an TP tăng cường kiểm tra với các đơn vị, cá nhân, cửa hàng bán trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước khử khuẩn, máy thở, rà soát làm sao không để các đơn vị này bán tăng giá.

Sở Y tế và các quận, huyện được phân bổ ngân sách thì chủ động rà soát lại toàn bộ kết quả việc mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát, không để tiêu cực xảy ra.

Chủ tịch Hà Nội nói rằng: "Nếu chúng ta để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân, mà còn có tội".

"Bản thân cán bộ, công chức, viên chức còn góp 1 ngày lương để ủng hộ cho mặt trận này, chúng ta được giao nhiện vụ này mà có biểu hiện, việc làm móc ngoặc, nâng khống giá lên để tham ô, tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với địa bàn TP, cả nước mà cả cộng đồng quốc tế”, ông Chung nhấn mạnh.

Ông yêu cầu việc mời Ban Kinh tế ngân sách của HĐNĐ TP vào giám sát toàn bộ quá trình này, cần thiết mời cả MTTQ giám sát một cách công khai, minh bạch.

Lãnh đạo TP đề nghị Phó chủ tịch TP Nguyễn Doãn Toản phụ trách tài chính, Phó chủ tịch Ngô Văn Quý phụ trách văn xã và Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác chỉ đạo liên quan việc lập kế hoạch, quản lý tài chính mua sắm vật tư trang thiết bị y tế. Không được mua sắm riêng mà phải mua sắm chung.

“Mua đúng, mua đủ, không để lãng phí, đảm bảo hiệu quả. Nếu để lãng phí khâu này thì sẽ rất phản cảm”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Bài liên quan