Vụ xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn: Đến bao giờ mới xử lý dứt điểm?

Thứ bảy, 11/01/2020, 11:25 AM

Đã có nhiều cán bộ, công viên chức của huyện Sóc Sơn bị xử lý kỷ luật trong vụ việc xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn. Tuy nhiên, những sai phạm vẫn chưa xử lý dứt điểm.

k1

Đã có 51 cán bộ, công viên chức của Sóc Sơn bị kỷ luật liên quan đến vụ việc xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn.

Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn xây dựng biệt thự thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết: Đã có hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật.

Ông Mạnh cho biết, năm 2019, huyện Sóc Sơn đã triển khai hơn 40 cuộc kiểm tra về kỷ cương hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra 32 đơn vị sự nghiệp trực thuộc về thực hiện phân cấp trong công tác tổ chức bộ máy.Qua đó phát hiện và xử lý kỷ luật 51 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 10 lãnh đạo cấp huyện và 13 lãnh đạo cấp xã có vi phạm.

Về việc xử lý cán bộ vi phạm đất rừng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, ông Mạnh thông tin: Huyện Sóc Sơn đã xử lý hơn 80 trường hợp các tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức và 9 tổ chức Đảng, từ Ban Thường vụ huyện ủy đến Đảng ủy các xã, thị trấn.

“Huyện đã hoàn tất việc xử lý cán bộ từ tháng 7/2019. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại liên quan đến nội dung xác nhận hồ sơ mua - bán, chuyển nhượng đất đai. Thanh tra thành phố đã chuyển hồ sơ này cho công an thành phố. Thời gian tới, công an thành phố sẽ tiếp tục triển khai theo kết quả điều tra”, ông Mạnh nói.

Trả lời câu hỏi vì sao còn có sự chậm trễ trong xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn huyện, ông Mạnh cho rằng, những vi phạm đất đai đã có hồ sơ trong các năm 2017 và 2018, UBND huyện xử lý đạt trên 50%.

Các trường hợp tiếp tục gửi đơn khiếu nại, Tổng thanh tra Chính phủ đã yêu cầu thành phố và huyện giải quyết, do đó địa phương tạm dừng cưỡng chế vi phạm.

Ngày 30/12/2019 vừa qua, Phó Chủ tịch thành phố đã ký văn bản giải quyết một trong những kết quả khiếu nại này. Sau khi có kết quả, huyện sẽ rà soát lại phần lập hồ sơ và tổ chức việc cưỡng chế các công trình vi phạm còn lại.

“Công tác xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng mặc dù đã được tập trung nhưng tiến độ còn chậm và tồn đọng. Việc xử lý vi phạm thanh tra đất rừng ở xã Minh Trí theo kiến nghị và đơn của người dân nhưng thành phố mới ban hành kết quả giải quyết thanh tra. Thời gian tới, huyện sẽ xử lý dứt điểm 30 trường hợp còn tồn tại thuộc đất rừng Minh Phú và Minh Trí”, ông Mạnh khẳng định.

Khiển trách Phó Chủ tịch huyện và nguyên Chủ tịch huyện

Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã kiểm điểm trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ từ 2005 đến 2020 và các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan.

rên cơ sở báo cáo của huyện Sóc Sơn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có thông báo về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008 - 2018.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ năm 2006 đến nay) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật cảnh cáo.

Về mặt chính quyền, UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật (vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật) là 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh) 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp, và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.