WHO tuyên bố dịch Ebola là ‘tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu’

Thứ năm, 18/07/2019, 11:25 AM

Ngày 17/7, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố dịch Ebola là ‘tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu” khi vi rút này đã lây nhiễm hơn 2.500 người và giết chết gần 1.700 người ở Congo trong một năm qua, New York Times đưa tin.

Một nạn nhân của dịch Ebola đang được chôn cất hôm 14/7 ở Congo.
Một nạn nhân của dịch Ebola đang được chôn cất hôm 14/7 ở Congo.

Dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo hiện được coi là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong một tuyên bố chính thức hôm 17/7.

WHO quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu sau khi có những yếu tố khiến cho việc chống lại dịch bệnh Ebola trở nên cấp bách hơn trong những tuần gần đây. Các yếu tố đó gồm: căn bệnh này đã đến Goma, một thành phố có gần hai triệu người; ổ dịch đã hoành hành trong một năm; Vi rút Ebola đã bùng phát trở lại ở những nơi đã từng xảy ra dịch bệnh; vùng nóng dịch bệnh đã mở rộng về mặt địa lý ở phía đông bắc Congo gần Rwanda và đã xâm nhập vào Uganda.

Các quan chức y tế cũng đang cảm thấy thất vọng khi dịch bệnh vẫn còn dù đã sử dụng rộng rãi vắc-xin.

Đây là lần thứ tư WHO cân nhắc có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu liên quan đến dịch Ebola ở Congo hay không. Ba lần trước đó, tổ chức này đã quyết định không công bố mặc dù một số cơ quan viện trợ và các quan chức y tế công cộng đã kêu gọi tổ chức này làm như vậy với hy vọng sẽ thu hút thêm tiền hỗ trợ và nhân viên y tế để đối phó với dịch bệnh.

Trong khi đó, các quan chức chính phủ Congo nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về việc gián đoạn thương mại hoặc hạn chế đi lại.

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu thường được ban hành  một cách rất dè dặt, chỉ dành cho các vụ dịch gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và có thể lan sang các quốc gia khác.

Cho tới nay mới chỉ có 4 tuyên bố như vậy được ban hành, bao gồm dịch cúm năm 2009; sự hồi sinh của bệnh bại liệt ở một số quốc gia, dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014; dịch virus Zika năm 2016.

Dịch Ebola ở Congo bắt đầu từ một năm trước, với những trường hợp đầu tiên được xác nhận vào tháng 8/2018. Tính đến ngày 15/7, căn bệnh này đã lây nhiễm 2.512 người và giết chết 1.676 người trong số đó ở Congo.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus , tổng giám đốc WHO, đã mô tả ổ dịch Ebola này là một trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới tại một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới. Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo sự lây lan không thể dập tắt của loại vi rút này có thể dẫn tới việc nó tiếp diễn trong năm tới.

Đây là vụ dịch Ebola lớn thứ hai trong lịch sử sau vụ bùng phát ở Tây Phi năm 2014 - 2015, đã lây nhiễm 28.616 người và khiến 11.310 người tử vong.

Quyết định hôm 17/7 của WHO dựa trên cuộc bỏ phiếu của 11 thành viên hội đồng chuyên gia do Tiến sĩ Tedros triệu tập để đánh giá lại ổ dịch hiện tại sau khi một người đàn ông bị nhiễm virus mang đến thành phố Goma, một trung tâm giao thông đông dân cư gần Rwanda có sân bay quốc tế. Bệnh nhân đó đã chết.

Tuyên bố dịch bệnh khẩn cấp toàn cầu sẽ kích hoạt hỗ trợ quốc tế và giải phóng nhiều nguồn lực hơn - bao gồm tài chính, nhân viên y tế, tăng cường hậu cần, an ninh và cơ sở hạ tầng, để đối phó với dịch bệnh.

 

MERS là gì và dịch bệnh này nguy hiểm như thế nào?

MERS là gì? MERS-CoV là một dịch bệnh nguy hiểm chết người mới xuất hiện với tên gọi là Hội chứng Hô hấp Trung Đông.

 

Ebola là bệnh gì?

Ebola là một loại bệnh do virut ebola gây ra, bệnh này khá mới mẻ ở nước ta nhưng ở khu vực Châu Phi nó là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao.

 

Vi rút Ebola quay lại Anh

Vi rút Ebola quay lại Anh, một trường hợp báo động đó là nữ y tá Scotland đã bị nhiễm vi rút 10 tháng trước hiện đang bị sốt trở lại và vô cùng nguy kịch. Vi rút Ebola quay lại Anh, sự...