Xăng giảm, doanh nghiệp âm quỹ bình ổn gần 1.000 tỷ đồng

Thứ ba, 04/06/2019, 06:23 AM

Giá xăng dầu vừa giảm 2 lần liên tiếp với mức giảm thấp nhưng doanh nghiệp vẫn đang bị âm với tổng số tiền lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

xang-giam-doanh-nghiep-am-quy-binh-on-gan-1000-ty-dong
Giá xăng dầu vừa giảm 2 lần liên tiếp với mức giảm thấp nhưng doanh nghiệp vẫn đang bị âm quỹ bình ổn giá xăng dầu gần 1.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Thông tin từ các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho hay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đơn vị vẫn đang bị âm với tổng số tiền lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Điển hình như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm 15 giờ ngày 1/6/2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex bị âm 316 tỷ đồng. Còn tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đang bị âm trên 660 tỷ đồng.

Tại nhiều doanh nghiệp khác, mức quỹ bình ổn bị âm ít hơn và chỉ còn số dư rất ít. Như tại Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro.,Ltd.), Quỹ bình ổn giá xăng dầu tạm tính đến hết ngày 30/5/2019 còn hơn 48,25 tỷ đồng trong khi tại Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Quỹ Bình ổn của đơn vị chỉ còn trên 6,2 tỷ đồng.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu mới nhất 1/6, giá xăng dầu giảm nhẹ,  xăng E5 RON92 là 269 đồng/lít, trong khi mặt hàng xăng RON95-III cũng giảm 380 đồng/lít. Đáng nói tại kỳ điều hành giá xăng vừa qua, mức chi quy bình ổn giá xăng dầu chi sử dụng với xăng E5 RON92 là 398 đồng/lít nhưng không chi đối với xăng RON95 và các loại dầu.

Sau khi trích lập BOG, xăng E5 RON92 có mức trần mới là 20.219 đồng/lít và xăng RON95-III là 21.219 đồng/lít. 

Liên quan đến việc quản lý và điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, VINPA đề nghị Chính phủ bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi hơn là có lợi. Thứ nữa, chính việc cho lập và sử dụng quỹ bình ổn khiến thị trường xăng dầu bị méo mó, mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm cạnh tranh đúng theo cơ chế thị trường.

Chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo - cựu Chủ tịch Petrolimex và hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu bày tỏ quan ngại về cách trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua.

"Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi", ông Bảo nói và cho rằng, đây là "nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có".

Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam phân tích, khi quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về điều hành giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay. Chính phủ cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, đồng thời biểu thuế bảo vệ môi trường mới áp dụng từ ngày 1/1/2019 cũng làm tăng giá xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan điều hành đã quyết định chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước, hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu.

Theo Chính phủ, từ khi Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực cho đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước không phải dùng ngân sách để điều tiết, bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Với ý kiến đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Chính phủ cho rằng xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá.

Do vậy, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Vì vậy, nếu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Về phương án điều hành sắp tới, Chính phủ yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, xem xét sửa đổi các quy định về thuế; nghiên cứu quy định thuế bảo vệ môi trường cho riêng xăng sinh học E5, E10, phù hợp với mức phát thải ra môi trường.

Bộ Công Thương chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn và đảm bảo nguồn cung tốt hơn; phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 nói trên.

 

Bamboo Airways và Vietjet Air dừng đường bay tỉnh không sinh lời

Sau thời gian liên tiếp mở nhiều đường bay tỉnh, Vietjet Air và Bamboo Airways đang có động thái cải thiện hiệu quả khi dừng bay những tuyến không sinh lời.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh tôm hùm đất được bày bán số lượng lớn

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, Ngành liên quan kiểm tra phản ánh tôm hùm đất được bày bán số lượng lớn.

 

Tranh cãi quy định cấm bán rượu, bia sau 22h

Lo ngại ảnh hưởng du lịch, kìm hãm phát triển kinh tế vì thế quy định cấm bán rượu, bia sau 22h bị đưa ra dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.