Thứ bảy, 26/10/2019, 21:05 PM
  • Click để copy

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

xay-dung-thua-thien-hue-thanh-trung-tam-lon-va-dac-sac-cua-ca-nuoc
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo.

Ngày 26/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với nhiều nội dung cải cách, đổi mới quan trọng, hướng đến việc xây dựng quy hoạch mang tính tích hợp, tổng hợp đa ngành, nhằm đảm bảo phù hợp với kinh tế thị trường, chú trọng tính liên kết về không gian quản lý phát triển.

Đồng thời, được sự quan tâm của Bộ Chính trị, đã chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, để từ đó đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

xay-dung-thua-thien-hue-thanh-trung-tam-lon-va-dac-sac-cua-ca-nuoc
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Thọ nhấn mạnh, từ những quy định, định hướng và mục tiêu mới, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho tỉnh Thừa Thiên Huế là cần khẩn trương lập và xây dựng nhiệm vụ “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Vì vậy, hội thảo hôm nay, mong muốn nhận được những ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, những người yêu Huế và những người có kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quốc gia để giúp tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng được nhiệm vụ quy hoạch chất lượng, có tính đột phá, mang tính thực tiễn cao nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển của tỉnh là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Di sản quốc gia và đáp ứng xu thế phát triển trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; Là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Là trung tâm của cả nước về khoa học - công nghệ; Là nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; Quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; Hệ thống chính trị giữ vững.

xay-dung-thua-thien-hue-thanh-trung-tam-lon-va-dac-sac-cua-ca-nuoc
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Di sản quốc gia.

Mục tiêu này dựa trên các trụ cột phát triển Thừa Thiên Huế gồm: Phát triển TP Huế thành 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là 1 trong 30 Thành phố Di sản của Đông Dương với tư cách là “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”; Xây dựng một đô thị lịch sử sống động với mục tiêu đưa Huế thành đô thị sáng tạo văn hóa; Nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp trí thức chất lượng cao để đưa Huế thành đô thị công nghiệp trí thức; Xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế thành đô thị môi trường kiểu mẫu theo Quyết định 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở đề cương nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được trình bày tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích thực trạng các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù và dự báo khả năng khai thác các nguồn lực cho phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời kỳ quy hoạch.

Các ý kiến đều cơ bản đồng tình với quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển tỉnh (bao gồm phương án tổ chức hoạt động KTXH; phương án quy hoạch hệ thống đô thị; phương án phát triển kết cấu hạ tầng; Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; Phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh)...

xay-dung-thua-thien-hue-thanh-trung-tam-lon-va-dac-sac-cua-ca-nuoc
Du khách tham quan Hoàng cung Huế.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ cảm ơn những đóng góp quý báu với những thông tin quan trọng và ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu sẽ giúp tỉnh hoàn chỉnh nhiệm vụ quy hoạch.

Ông Thọ cho biết, từ kết quả của hội thảo này, tỉnh sẽ hoàn thiện và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thông qua Viện nghiên cứu phát triển tỉnh để việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tốt nhất.

"Để mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Di sản thành hiện thực trong giai đoạn tới, cốt lõi của việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch lần này phải đưa ra được bức tranh tổng thể của Thừa Thiên Huế theo hướng phát triển Xanh và Bền vững cho đến 2030 và tầm nhìn 2050 là như thế nào? Động lực phát triển chính của Thừa Thiên Huế sắp đến là gì? Đột phá nào cho Thừa Thiên Huế (Con người, văn hóa, y tế, CNTT, giáo dục và đào tạo…)”, ông Thọ nhấn mạnh.