Xe điện Pega vi phạm luật cạnh tranh khi 'so sánh' với SH Honda thế nào?

Thứ bảy, 22/02/2020, 07:11 AM

Theo phân tích từ luật sư, việc hãng xe điện Pega lấy xe SH của Honda để so sánh với xe máy điện mới mang tên eSH là vi phạm luật cạnh tranh.

Hãng xe điện Pega giới thiệu phiên bản xe máy điện eSH và so sánh sản phẩm với xe SH 2020 của Honda phát trên mạng.

Hãng xe điện Pega giới thiệu phiên bản xe máy điện eSH và so sánh sản phẩm với xe SH 2020 của Honda phát trên mạng.

Mượn sản phẩm Honda để giới thiệu sản phẩm xe điện

Dư luận đang xôn xao trước các thông tin xung quanh lùm xùm việc hãng xe điện Pega vừa qua mượn hình ảnh của dòng xe SH Honda để so sánh với sản phẩm xe điện Pega eSH trong clip ra mắt trên mạng Facebook.

Ngay lập tức phía Honda Việt Nam đã có văn bản đề nghị chấm dứt việc quảng cáo sản phẩm bằng phương pháp so sánh trực tiếp, cụ thể là sử dụng hình ảnh Honda SH khi quảng cáo cho sản phẩm xe điện Pega eSH.

Văn bản nêu rõ, trong buổi ra mắt sản phẩm xe điện Pega eSH (được livestream trên Facebook), Pega đã có hành vi quảng cáo xe eSH bằng phương pháp so sánh trực tiếp với xe ga Honda SH (so sánh về một số tiêu chí như độ an toàn, tiếng ồn, ô nhiễm, khả năng vận hành, chống nước).

Pega đã sử dụng hình ảnh của Honda SH mà không được sự chấp thuận của Honda Việt Nam. Hành vi nêu trên của Công ty Pega đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Honda Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu của xe SH do Việt Nam sản xuất.

Hành vi quảng cáo xe eSH của Công ty Pega bằng phương pháp so sánh trực tiếp với xe SH đã vi phạm một số điều trong Luật quảng cáo và Luật cạnh tranh, phía Honda Việt Nam khẳng định.

Trả lời báo chí, phía Pega cho hay họ gửi văn bản phúc đáp Honda Việt Nam. Trong văn bản gửi đi, Pega cho biết, buổi lễ ra mắt sản phẩm xe điện Pega eSH 2020 là buổi giới thiệu nội bộ của Pega.

Dẫn lại sự so sánh trực tiếp của các hãng sản xuất nổi tiếng khác ở sự kiện ra mắt, Pega cho rằng “Việc so sánh này rất rất bình thường trong giới công nghệ toàn cầu".

Vi phạm luật cạnh tranh

Trao đổi cùng PV, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Giám đốc Cty Luật TAT Law firm cho hay, Khoản 10 Điều 8 Luật quảng cáo 2012 nghiêm cấm hành vi: “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.

Theo Luật sư Thảo, sản phẩm quảng cáo của Pega là dòng xe điện, còn sản phẩm bị so sánh là dòng xe máy tay ga. Thế nhưng, xét về bản chất cả hai sản phẩm đều là phương tiện di chuyển 2 bánh, có cùng phân khúc khách hàng nên đây được coi là sản phẩm, hàng hóa cùng loại.

Vì vậy, hành vi quảng cáo xe điện của Pega bằng việc so sánh trực tiếp xe eSH với xe SH của Honda Việt Nam là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo.

Văn bản của Honda Việt Nam gửi tới công ty Pega.

Văn bản của Honda Việt Nam gửi tới công ty Pega.

Ngoài ra trong quá trình so sánh, Pega đã sử dụng hình ảnh của xe SH mà không được sự cho phép của Honda Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Honda Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu và uy tín của Honda.

Đây là hành vi cấm theo khoản 7, khoản 12 Luật quảng cáo 2012: “Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”.

Luật sư Thảo cho rằng: Xe điện mới của công ty Pega có tên là eSH, rõ ràng là rất giống với tên xe SH của Honda, chỉ thêm chữ “e” đằng trước SH để chỉ dẫn rằng đây là dòng xe điện. Điều này làm khách hàng rất dễ gây nhầm tưởng rằng eSh là sản phẩm của Honda Việt Nam.

Đồng thời, việc “tự ý so sánh” những ưu điểm của eSh trực tiếp với SH của Honda Việt Nam còn thuộc hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị pháp luật nghiêm cấm theo điểm b khoản 5 Điều 45 Luật cạnh tranh 2018: “Nghiêm cấm lôi kéo khách hàng bất chính bằng hình thức so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung”.

Luật sư Thảo khẳng định: Không thể coi là buổi giới thiệu nội bộ được vì thực tế buổi ra mắt được công ty livestream trên mạng xã hội Facebook tại fanpage của Pega. Bất kỳ ai cũng có thể xem được dòng sản phẩm mới này.

Đồng thời mục đích của buổi lễ ra mắt là để nhằm hướng tới công chúng biết sản phẩm. Tại buổi lễ cũng có rất nhiều báo chí và phóng viên tham dự. Vì vậy, theo luật sư đây chính là hoạt động quảng cáo, phải chịu sự điều chỉnh của Luật quảng cáo.

“Với những hành vi vi phạm như trên, chế tài mà Pega phải đối mặt có thể là: Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với hành vi bị cấm trong quảng cáo, và 100.000.000 đồng - 200.000.000 đồng khi vi phạm hoạt động cạnh tranh không lành mạnh”, nữ luật sư cho hay.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo Giám đốc Công ty Luật TAT Law firm, Honda hoàn toàn có thể làm đơn khiếu nại tới Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để được giải quyết. Đồng thời nếu chứng minh được việc so sánh khiếu nại cho lượng hàng hóa bán ra bị giảm sút, thiệt hại thì còn có thể kiện Pega ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bài liên quan