Xét xử gian lận thi cử Hà Giang: Lộ diện tin nhắn của Phó Chủ tịch tỉnh

Thứ ba, 15/10/2019, 10:45 AM

Phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử Hà Giang sáng 15/10, tiếp tục có nhiều tình tiết đáng chú ý trong đó có phần tin nhắn giữa bị cáo và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài. (Ảnh: IT).
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài. (Ảnh: IT).

Lộ diện Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang

Sáng 15/10, HĐXX bước vào ngày xét xử thứ 2 phiên tòa vụ án gian lận thi cử Hà Giang được dư luận quan tâm.

Phiên xét xử có nhiều tình tiết đáng chú ý xoay quanh việc HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Hà Giang).

Theo tài liệu điều tra, thu thập tài liệu tin nhắn của bị cáo Hoài vào ngày 10/7/2018 có ký hiệu “Q”. Luật sư của bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đề nhị Hoài giải thích rõ ký hiệu “Q” là ai. Liệu có phải là viết tắt tên ông Quý (Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang)?

Theo nội dung tài liệu tin nhắn thu thập được, có đoạn viết: “Em báo cáo anh 2 việc. Một, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý ghi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử (Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang – PV) giữ.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Hai, việc Lương (Vũ Trọng Lương – Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT – PV) chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về S (con ông Quý – PV) là theo Điều 296 quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội đồng thi và Trưởng ban Thư ký. Xong thầy Bình, thầy Sử, cô Chính (Triệu Thị Chính – Phó GĐ Sở GD&ĐT) đang nâng cao quan điểm quá, có gì anh xem giúp em”.

Cũng trong nội dung thu thập được, trả lời tin nhắn trên, người tên “Q” nhắn lại: “OK, có gì anh bàn với anh Sử”.

Luật sư đật câu hỏi nhân vật có tên “Q” là ai? Có phải là ông Trần Đức Quý hay không? Bị cáo Hoài nói “Q là anh Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang”.

 Có hay không đường dây chạy điểm vào trường chuyên?

 Cũng khai tại tòa, Nguyễn Thanh Hoài tiếp tục khẳng định không nhận tiền của ai khi nâng điểm cho thí sinh, cũng không được hứa hẹn gì về vật chất.

Trong số 47 người nhờ Hoài nâng điểm cho 93 thí sinh, có khoảng một nửa trong số này bị cáo quen biết.

Đại diện Viện kiểm sát (VKS) đặt câu hỏi vì sao có những người không quen biết mà vẫn giúp nâng điểm, Hoài tiếp tục khẳng định không nhận bất cứ lợi ích vật chất nào. “Lời khai của bị cáo không hợp lý. Không thể có chuyện tự nguyện giúp đỡ cả những người không quen biết”, đại diện VKS nói.

Hoài chống chế, có những trường hợp bị cáo không quen biết phụ huynh nhưng quen biết người nhờ vả.

Nói về cuộc trao đổi giữa Hoài và Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) tại nhà riêng của Hoài sau khi sự việc bị lộ và có nguy cơ bị khởi tố, Hoài cho biết mình và cấp phó chỉ “tâm sự về cuộc sống”, Lương nói sẽ thuê luật sư và đã hủy danh sách các thí sinh, ngoài ra không có nói chuyện gì khác.

Theo lời khai của Lương tại cơ quan điều tra (CQĐT): “Anh Hoài bảo cứ lôi chị Chính (bị cáo Triệu Thị Chính – PV) vào cuộc. Con chúng mày thi vào trường chuyên không đỗ, bây giờ đi nhờ”.Tại tòa, Hoài phủ nhận nội dung này, buộc VKS phải nhắc lại lời khai của chính Hoài tại cơ quan điều tra về nội dung cuộc nói chuyện của Hoài với Lương với ý đồ lôi cấp trên của mình là Phó Giám đốc (PGĐ) Triệu Thị Chính phải chịu tội cùng: “Tao giúp người ta, có ai cho tao đồng nào đâu… khi đã xảy ra thì phải lôi bà Chính vào cuộc…”.

Bị cáo Triệu Thị Chính đi xe ô tô đến tòa. (Ảnh: Zing.vn).
Bị cáo Triệu Thị Chính đi xe ô tô đến tòa. (Ảnh: Zing.vn).

Đến lúc này, VKS tiếp tục công bố lời khai của Hoài tại CQĐT trong việc đổ tội cho cấp trên của mình là Phó Giám đốc Sở Triệu Thị Chính: "Tôi nói như thế (nói cần phải lôi bà Chính vào cuộc) vì chị Chính đưa danh sách 13 thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ văn nên chị là người khởi xướng. Chị Chính là Trưởng ban chấm thi, là PGĐ chịu trách nhiệm giám sát quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm. Cho nên việc Lương sửa bài thi chị Chính phải biết và phải chịu trách nhiệm. Đã có 114 thí sinh bị nâng điểm nên chị Chính cần phải biết".

Tại tòa, Hoài tiếp tục khẳng định bị cáo Chính nhờ Hoài nâng điểm cho 13 thí sinh. Sau khi nhận danh sách khoảng 3-4 ngày thì được nâng điểm, trong đó có con của bị cáo Phạm Văn Khuông (Phó GĐ Sở GD&ĐT).

Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Chính về câu nói “con chúng mày thi vào trường chuyên không đỗ, bây giờ đi nhờ” khi nói với Lương là ý gì, Hoài cho biết: “Tôi nói câu này với anh Lương (Vũ Trọng Lương) và chị Thơm (Triệu Thị Thơm - chuyên viên phòng khảo thí) vì hai người này có con thi vào trường chuyên của tỉnh và đã nhờ chị Chính. Khi con hai người này không đỗ thì chị Chính đưa tôi danh sách con em cán bộ cần giúp đỡ vào trường chuyên. Ý của tôi là con em những người thân thiết còn chả giúp nữa là giúp những người xa lạ”.

Lời khai của Nguyễn Thanh Hoài tại cơ quan điều tra và tại tòa khiến nhiều người nghi ngờ có một đường dây chạy điểm vào trường THPT Chuyên của tỉnh Hà Giang?