Xóm cà phê đường tàu xin hoạt động trở lại, cam kết đảm bảo an toàn

Thứ sáu, 18/10/2019, 13:33 PM

Xóm cà phê đường tàu cam kết không xâm phạm hành lang đường sắt và đề xuất các biện pháp đảm bảo an toànđể tiếp tục hoạt động.

xom-ca-phe-duong-tau-xin-hoat-dong-tro-lai-dam-bao-an-toan
Xóm cà phê đường tàu xin hoạt động trở lại, đảm bảo an toàn

Thông tin trên Tri thức trực tuyến cho biết, người dân xóm cà phê đường tàu (Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền địa phương, nêu ra những khó khăn về mưu sinh kể từ khi xóm cà phê đường tàu bị dẹp bỏ.

Mong muốn được kinh doanh trở lại, họ đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt.

Cụ thể, người dân nơi đây mong cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp giúp người dân có đời sống ổn định, có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh vừa tạo được điểm nhấn cho du lịch Hà Nội và Việt Nam.

Trong phần đề xuất các biện pháp an toàn gửi kèm, các hộ kinh doanh cam kết sẽ tuân thủ hoạt động trong phạm vi an toàn tối thiểu cách 1,5 m tính từ đường ray và chỉ hoạt động trong phạm vi nhà. Camera giám sát sẽ được lặp đặt để người dân thực hiện nghiêm cam kết.

Các hộ kinh doanh cũng có trách nhiệm lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ để du khách ra khỏi phạm vi an toàn, đồng thời lắp loa phát cảnh báo khi tàu đến.

Khi tàu chạy qua, du khách được đảm bảo ở trong khu vực kẻ vạch sơn an toàn, có barie bằng inox chặn trước mỗi cửa hàng và nhà dân. Khu vực đường ngang sẽ có barie cứng.

Thông tin trên Vietnamnet cho biết, cư dân đa phố cà phê đường tàu phần lớn đều xin nghỉ theo chế độ 176 (về nghỉ hưu 1 cục). Họ không có trợ cấp xã hội, không có lương hưu và bảo hiểm.

xom-ca-phe-duong-tau-xin-hoat-dong-tro-lai-dam-bao-an-toan
Phạm vi bảo vệ đường sắt là 5,6 m tính từ mép ray, cộng thêm 3 m hành lang an toàn đường sắt (áp dụng với đô thị) thì khoảng cách không được xâm phạm hắt về mỗi bên là 8,6 m.

Thời gian trước, họ phải chịu cảnh "nhà không số, phố không tên" với vô vàn khó khăn khi làm các thủ tục hành chính vì không ai biết phố đường tàu ở đâu.

Năm 1987, Nhà nước có chính sách cải tạo và mở rộng khổ đường sắt từ 1.035mm lên 1.435mm. Những lần đo vẽ, kiểm đếm tài sản, công trình rầm rộ... Các gia đình hồ hởi, 3 lần ký vào các biên bản đo vẽ hiện trạng với tâm thế sẽ có nơi ở mới, sạch hơn, đẹp hơn và không còn phải chịu định kiến xã hội về 1 khu ổ chuột, khu tệ nạn... Nhưng sau đó, mọi việc lại yên ắng.

Vào năm 2004, có 1 dự án lại được đề ra, chạy qua khu dân cư này mang tên "Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi". Cư dân xóm đường tàu lại vỡ òa hạnh phúc vì có cơ hội thay đổi cuộc sống... 

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố về tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô, từ ngày 12/10, Công an quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng đặt chốt, phong tỏa lối ra vào ở khu vực hành lang đường sắt phố Phùng Hưng.