Xóm Huế vào xuân

Thứ tư, 06/02/2019, 09:29 AM

Ngày Xuân về vùng quê có tên “Xóm Huế” thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tôi đã thấy và được nghe bao câu chuyện chứa chan tình đất, tình người.

Từ âm mưu “chia để trị” của thực dân Pháp, mãi đến năm thống nhất đất nước (1975), bà con Nam bộ cứ nghe ai nói giọng miền Bắc đều gọi là người Huế. Vì vậy, nơi nào có bà con miền Bắc sinh sống là mang tên “Xóm Huế”. 

“Xóm Huế” hồi sinh

Năm 1978, tỉnh Minh Hải (nay gồm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) tiếp nhận hơn 10.000 hộ dân từ tỉnh Hà Nam Ninh (nay gồm 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình) - tỉnh kết nghĩa với Minh Hải, đến khai hoang, lập nghiệp.

Xóm Huế vào xuân
Người dân "xóm Huế" phơi cá.

Ngày ấy, Minh Hải muôn vàn khó khăn thiếu thốn: Phương tiện giao thông 100% là đường thủy; không điện; trường học, trạm y tế càng hiếm; Dân cư sinh sống lác đác. Bà con từ Hà Nam Ninh vào Minh Hải được phân chia nhiều khu dân cư thuộc các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời (Cà Mau); Vĩnh Lợi và huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Thời đó, đất rộng người thưa, mỗi hộ đến khu kinh tế mới được cấp từ 3 đến 4ha. Tuy nhiên, đất toàn là sậy, năn và ngập trũng, bà con miền Bắc đến vùng đất mới, lạ cảnh, lạ người, muôn vàn gieo neo vất vả.

Trong số 10.000 hộ đến vùng đất mới, đã có nhiều hộ không bám đất nổi, đành rời Minh Hải tìm phương cách sống. Số hộ còn bám trụ đến nay, cuộc sống của bà con “xóm Huế” đã hoàn toàn đổi khác.

Anh Huỳnh Tấn Ngọc sinh ra trên đất Hoa Lư, Ninh Bình, năm 1978 theo cha mẹ đến Nông trường quốc doanh U Minh định cư (đơn vị tiền thân khu dân cư kinh tế mới năm 1978). Xuân Kỷ Hợi này anh Ngọc bước vào tuổi 56, hiện là bí thư chi bộ ấp 2, xã Trần Hợi. Tiếp tôi trong ngôi nhà mới toanh, tường xây gạch 20 để chống bão, anh Ngọc cho biết: “Cả ấp 2 có 250 hộ dân sinh sống, trong đó 85% bà con từ miền Bắc đến lập nghiệp.

Hiện ấp không còn hộ ở nhà lá; hơn 180 hộ đã xây nhà tường, 43 hộ mua sắm được phương tiện sản xuất cơ giới, như máy trục, máy cày trị giá hàng trăm triệu đồng, nhà nào cũng có từ 2 chiếc xe hon-đa trở lên”. Trong lúc nghe anh Ngọc kể chuyện, nhìn bao quanh phòng khách, tôi thấy những vật dụng đời mới đắt tiền: Ti vi siêu mỏng màn hình 40 inch, dàn máy karaoke, máy hút bụi, máy lạnh.

Còn nhớ những “xóm Huế” buổi đầu quạnh vắng, người dân lam lũ. Ngày ấy, qua đây từ tờ mờ sáng đã nghe bà con gọi nhau ơi ới ra đồng - phong cách lao động tập thể đã in sâu trong tâm thức của bà con miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Anh Ngọc tâm sự: “Ngày trước nghe kể mỗi héc-ta đất ở tỉnh Thái Bình năng suất tới 5 tấn, cứ nghĩ đó là kỳ tích, nhưng ở ấp chúng tôi hiện nay năng suất tới 7,5 tấn/ha.

Vùng này bà con trồng mỗi năm 2 vụ lúa, cộng với một vụ màu, rồi nuôi cá, nuôi gia súc. Đất không phụ lòng người, những hộ nhận đất lập nghiệp ngày đó hiện giờ đều khá giả. Sau hơn 40 năm cật lực bám đất, bám đồng, cuộc sống của chúng tôi như lột xác so với buổi đầu”.

VOV.VN - Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Bắc - Nam cùng khoe sắc

Đến nhà anh Trần Văn Nam, Bí thư chi bộ ấp 3, xã Trần Hợi đúng lúc gia đình tổ chức đón Tết. Anh Nam định cư tại ấp 3 được 37 năm. Sau ngần ấy năm mưa nắng, gian nan, trên phần đất hơn 2ha tự sang nhượng, anh Nam đã là chủ nhân một ngôi nhà tường vững chãi, khá nhiều tiện nghi có giá trị. 2 con của anh đã tốt nghiệp ngành y và có việc làm ổn định. Anh Nam cho biết: “Ấp 3 có 162 hộ là người từ miền Bắc đến lập nghiệp, cộng chung toàn ấp là 205 hộ, trong đó chỉ còn 3 hộ trong diện nghèo.

Năm 2018, cả ấp có 66 hộ xây nhà, tăng gấp đôi so với năm trước. Đạt được thành quả đó là nhờ bà con chuyển đổi sản xuất như nuôi chim bồ câu, gà ác”.

Ông Ngô Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi cho biết, xã có gần 780 hộ dân di cư từ miền Bắc vào, hiện đang sinh sống ở 6 ấp. Bà con ở vùng kinh tế mới chịu khó, sáng tạo lao động nên hộ nào cũng có cuộc sống no đủ, dư dả. Đáng quý là bà con rất quan tâm cho con em ăn học. Bà con tích cực đóng góp vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, hệ thống giao thông đã được nâng cấp, mở rộng.

Ngày giáp Tết, về đây nghe bà con trò chuyện, thấy sinh cảnh làng quê “xóm Huế” vào xuân, tôi bất giác nhận ra: Nhiều nét văn hóa đặc trưng của bà con miền Bắc đã định hình và lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Trước sân nhà của nhiều gia đình người bản địa đã trồng rau tía tô, cà pháo, thì là - những loại rau làm gia vị khá phổ biến của bà con  miền Bắc. Tết đến, bà con Nam bộ cũng gói hoặc mua cặp bánh chưng để cúng tổ tiên.

Ngược lại, bà con “xóm Huế” đã trồng nhiều hoa mai đón Tết. Chị em nội trợ ở “xóm Huế” đã biết làm cá khô, ép chuối, dưa kiệu để lai rai ngày xuân sum họp.

Thêm một mùa xuân mới lại về trên mọi miền Tổ quốc. Ở nơi “xóm Huế”, xuân này hoa đào khoe sắc cùng hoa mai. Chỉ thế thôi, xuân đã đong đầy phồn thịnh và an yên!

 

Tà áo dài rực rỡ đầu xuân trên phố phường Hà Nội

Trong tiết trời nắng ấm sáng đầu năm, nhiều chị em xúng xính tà áo dài rực rỡ đón xuân trên phố phường Hà Nội đúng ngày Mồng 1 Tết Kỷ Hợi 2019.

 

Sau giao thừa hàng vạn người dân 'du xuân' trong rác

Hàng vạn người dân đêm giao thừa đã tập trung tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), sau khi ra về để lại cảnh tượng rác ở khắp mọi nơi.