Xôn xao clip bà chủ đuổi khách trọ, giữ 50 triệu đặt cọc giữa mùa dịch

Thứ hai, 13/04/2020, 13:19 PM

Đoạn clip ghi lại cảnh bà chủ nhà trọ cự cãi, đuổi khách thuê trọ giữa mùa dịch Covid-19 và giữ 50 triệu tiền đặt cọc vì lý do khách chậm trả tiền 8 ngày khiến cộng đồng mạng lên án.

chu1

Chủ trọ vô tâm đòi chiếm 50 triệu đặt cọc chỉ vì khách chậm đóng tiền

Như đã biết, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cả xã hội đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế gặp khó khăn.

Không ít người dân mất việc, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Trong bối cảnh ấy, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đang kêu gọi sự đồng lòng của người dân, chia sẻ khó khăn trong lúc đại dịch.

Đã có biết bao tấm gương người dân, chủ trọ sẵn sàng miễn tiền thuê cho khách như trường hợp 1 chủ nhà ở Thanh Xuân Hà Nội miễn đến 200 triệu đồng cho khách lan truyền trên mạng khiến dư luận cảm động. 

Hay vụ việc chị Đoàn Th‏ùy Dương (một chủ trọ ở Bình Dương) khiến nhiều người cảm động khi miễn 2 tháng tiền thuê trọ cho người lao động để chia sẻ khó khăn trong gia đoạn dịch Covid-19. 

Thế nhưng vẫn còn đó không ít trường hợp chủ trọ không những không giảm giá, cảm thông cho khách trọ mà còn o ép khiến dư luận bất bình.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh và thông tin về bà chủ nhà trọ ở quận 2 TP HCM đòi đuổi người thuê và không trả 50 triệu đồng tiền cọc chỉ vì khách chậm đóng tiền nhà hơn 1 tuần.

Theo thông tin đăng tải, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với chi phí là 22 triệu đồng/tháng (vừa làm chỗ ở vừa cho thuê lại), đặt cọc 50 triệu đồng.

Cô gái ở được 14 tháng nhưng do dịch bệnh xảy ra, khách thuê của cô trả phòng, về quê nên không đủ tiền đóng. Cô gái xin chủ cho trả nhà trước thời hạn, gỡ lại một chút tiền đặt cọc nhưng không được đồng ý.

Chỉ chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày, sang ngày thứ 8 cô bị chủ đuổi đi. Trong clip trên, cô gái nghẹn ngào mong được chia sẻ. Trong khi đó, mặc dù được chiến sĩ Công an cũng nhẹ nhàng thuyết phục chủ nhà thay đổi quyết định. Tuy nhiên, bà chủ nhà vẫn quyết định đuổi cô gái ra khỏi nhà.

Đoạn clip sau khi đăng tải khiến cư dân mạng hết sức phẫn nộ. Đa số cho rằng, về lý, bà chủ nhà không sai nhưng về tình thì đúng là không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Thậm chí, nhiều người còn kêu gọi tẩy chay chủ nhà trọ.

Có thể khởi kiện

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này dưới góc độ pháp lý, nhiều luật sư thẳng thắn cho rằng bà chủ trọ trong clip hành động đuổi khách trọ chỉ vì chậm đóng tiền do khó khăn vì dịch Covid-19 là quá vô lương tâm.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì rất nhiều các hợp đồng thuê nhà gặp phải những vướng mắc như vậy.

"Ở trường hợp này cả khách và chủ nên thương lượng để tìm hướng giải quyết là cần thiết trên cơ sở chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong thời điểm khó khăn này. Phần lớn là các chủ cho thuê đều chia sẻ với người đi thuê về tiền nhà, giá thuê, đều giảm giá, thậm chí là không thu tiền thuê. Nếu cần thiết thì có thể thanh lý hợp đồng và thanh toán lại tiền cọc.

Tuy nhiên một số người vì lòng tham hoặc vì thiếu hiểu biết pháp luật mà cố tình đầy người đi thuê vào tình huống khó khăn như trường hợp trong clip này", luật sư Cường phân tích.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo luật sư, hành vi của người phụ nữ lớn tuổi trong clip đang gây xôn xao cộng đồng là quá cứng nhắc, không có chút tình nghĩa nên bị dư luận lên án, tẩy chay.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh làm rõ điều kiện cho thuê cũng như việc nộp thuế thu nhập của người phụ nữ này trong thời gian vừa qua. Nếu có vi phạm thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn đối với việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thanh lý hợp đồng này thì hai bên thương lượng thỏa thuận phải không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, số tiền đặt cọc 50 triệu đồng đồng với người cho thuê nhà thì không lớn nhưng với người đi thuê là số tiền rất lớn, khi họ đã chấm dứt hợp đồng thì về đạo lý là nên trả cho họ, ăn tiêu số tiền đó không những lương tâm cắn rứt mà còn bị xã hội cười chê, lên án.

Dưới góc độ pháp lý, theo quy định của bộ luật dân sự thì hợp đồng thuê nhà là một dạng của hợp đồng thuê tài sản, được hiểu là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê và bên thuê, theo đó bên cho thuê có nghĩa vụ giao nhà ở cho bên thuê, bên thuê có nghĩa vụ trả tiền thuê.

Về nguyên tắc, khi thực hiện hợp đồng thuê nhà thì các bên phải tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng như thời hạn thuê, giá thuê, quyền và nghĩa vụ các bên, việc chấm dứt hợp đồng,…, tuy nhiên các điều khoản này phải phù hợp quy định pháp luật.

Trong trường hợp nội dung hợp đồng không quy định cụ thể thì trong trường hợp có tranh chấp xảy ra sẽ áp dụng theo Bộ luật dân sự, Luật nhà ở và các văn bản pháp luật khác có liên quan để giải quyết.

Liên quan đến dịch Covid-19 hiện nay đã khiến hoạt động của các cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi, giải trí, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các cơ sở này. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong xã hội, mọi hoạt động kinh doanh đều ngưng trệ, khó khăn, những người đi thuê nhà gần như không còn thu nhập để trả tiền thuê nhà nữa thậm chí nếu tình trạng kéo dài có thể gây thua lỗ, phá sản.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các cơ sở kinh doanh vẫn phải chịu chi phí thuê nhà, thuê mặt bằng, gánh nặng về chi phí mặt bằng, nhân viên và các khoản chi phí tháng khiến nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có ý định trả mặt bằng để giảm lỗ.

Trong trường hợp này, nếu hợp đồng giữa các bên có điều khoản cụ thể về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng khi xảy ra dịch bệnh,… hoặc điều khoản về việc giảm, miễn tiền thuê trong tình hình dịch bệnh,…. thì sẽ thực hiện theo điều khoản trong hợp đồng đó.

Còn trong trường hợp hợp đồng không có điều khoản cụ thể về vấn đề này thì để đảm bảo quyền lợi của mình, bên thuê nhà có thể căn cứ theo quy định tại Điều 420 Bộ luật dân sự về việc thực hiện hợp đồng theo hoàn cảnh thay đổi cơ bản để đề xuất, thỏa thuận lại nội dung hợp đồng về giá thuê, thời hạn thuê...", luật sư phân tích.

Bài liên quan